(TN&MT) - Theo quy định, toàn tỉnh có 29 đơn vị phải đầu tư hệ thống quan trắc tự động (QTTĐ) và kết nối dữ liệu về trung tâm điều hành QTTĐ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để Sở TN-MT tỉnh theo dõi. Tuy nhiên, đã 6 tháng kể từ khi trung tâm điều hành đi vào hoạt động nhưng đến nay mới chỉ có 7 đơn vị thực hiện yêu cầu này. Mặc dù, Sở TN-MT đã nhiều lần nhắc nhở, thậm chí tổ chức họp với các DN nhưng nhiều đơn vị vẫn chần chừ, xin gia hạn thời hạn đấu nối thêm 2-4 tháng nữa.
29 ĐƠN VỊ CÓ LƯU LƯỢNG XẢ THẢI CAO
Trung tâm điều hành quan trắc môi trường tự động tỉnh chính thức đi vào hoạt động tại địa chỉ 28B Thi Sách, phường Thắng Tam, TP. Vũng Tàu từ tháng 10-2016. toàn bộ kinh phí đầu tư trung tâm điều hành QTTĐ do Ban quản lý thành phần thể chế và thực thi quản lý lưu vực sông Đồng Nai và Ngân hàng thế giới tài trợ. Việc lắp đặt hệ thống QTTĐ sẽ giúp cơ quan chức năng quản lý và giám sát chặt chẽ việc xả thải của các DN có lưu lượng xả thải lớn. Đồng thời góp phần nâng cao ý thức BVMT của các DN.
Ông Lê Tuấn Kiệt, Giám đốc Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường tỉnh, trung tâm điều hành QTTĐ tỉnh hoạt động liên tục 24/24h. Theo đó, đối với các đơn vị có nước thải, các chỉ tiêu được truyền dữ liệu về trung tâm điều hành gồm: chất rắn lơ lửng, chất hữu cơ trong nước, độ màu, lưu lượng và Clo dư sẽ tự động (5 phút/lần) sẽ cập nhật về trung tâm điều hành. Khi một trong các chỉ tiêu “vượt ngưỡng cho phép”, hệ thống sẽ cảnh báo qua tin nhắn cho các bên liên quan và đồng thời tự động bơm nước thải lưu trữ vào cái “máy lấy mẫu tự động” và chứa nước thải mẫu nghi vấn vào 1 bình chứa mẫu. Đơn vị nào vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định. Các DN phải xử lý khí thải cũng có hình thức theo dõi và xử lý tương tự như vậy.
Ông Kiệt cho biết thêm, theo quy định của Bộ TN-MT các KCN, CCN và các DN có lưu lượng nước thải từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên phải có hệ thống QTTĐ và đấu nối dữ liệu về trung tâm điều hành để Sở TN-MT theo dõi, giám sát. Bộ TN-MT cũng quy định 6 đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động gồm: Sản xuất phôi thép sản lượng trên 200.000 tấn/năm; nhiệt điện (trừ sử dụng nhiên liệu khí tự nhiên); sản xuất xi măng; hóa chất và phân bón sản lượng trên 10.000 tấn/năm; sản xuất dầu mỏ sản lượng trên 10.000 tấn/năm; lò hơi công nghiệp sản lượng lớn hơn 20 tấn hơi/giờ. Chiếu theo quy định này, BR-VT có 29 đơn vị phải đầu tư hệ thống QTTĐ và truyền số liệu về trung tâm điều hành QTTĐ tỉnh. Đây là các đơn vị, DN có nguồn xả thải lớn (cả nước thải và khí thải), tập trung chủ yếu ở các KCN, CCN; các cơ sở sản xuất xi măng, thép, luyện kim, nhiệt điện, phân hóa học, hóa chất, dệt nhuộm, giấy… Những cơ sở, ngành nghề nguy cơ ô nhiễm môi trường ở mức cao, cần giám sát chặt chẽ.
NHƯNG MỚI CÓ 7 ĐƠN VỊ TRUYỀN DỮ LIỆU
Trước yêu cầu trên của Bộ TN-MT, UBND tỉnh yêu cầu 29 đơn vị nằm trong diện phải truyền dữ liệu về trung tâm điều hành QTTĐ tỉnh để Sở TN-MT theo dõi trong tháng 4-2017. Nhưng đến nay mới chỉ có 7/29 đơn vị (gồm: KCN Mỹ Xuân A, KCN Mỹ Xuân A2-Fomosa, KCN Tiến Hùng, KCN Tiến Hùng – Conac, KCN Châu Đức – Sonadezi; Nhà máy giấy Sài Gòn và CCN Boomin Vina) thực hiện yêu cầu này.
Hệ thống xử lý nước thải tại nhà máy Giấy Sài Gòn sử dụng công nghệ mới nhất của EIMCO thuộc tập đoàn GL&V (Phần Lan) có quy mô xây dựng trong ngành lớn nhất Việt Nam, được đưa vào hoạt động từ năm 2010 và đạt công suất xử lý lên đến 17.000 m3/ngày.
Qua kiểm tra, một số DN chưa đầu tư hệ thống QTTĐ, một số khác đã đầu tư hệ thống QTTĐ nhưng thiếu đường truyền dữ liệu để kết nối các thông số kỹ thuật về trung tâm điều hành tỉnh. Trong đó đáng nói là 6 nhà máy luyện thép đang hoạt động với công suất 4,5 triệu tấn/năm đều nằm trong diện phải truyền dữ liệu. Nhưng hiện nay, mới chỉ có Công ty TNHH thép Vina Kyoei (công suất luyện thép 500.000 tấn/năm) đang lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động và chuẩn bị vận hành thử. 5 nhà máy thép còn lại mới ký hợp đồng đặt mua các thiết bị quan trắc khí thải, nên DN xin lùi lại thời gian vận hành và đấu nối với trung tâm điều hành vào tháng 6 và tháng 8. Ông Phùng Ngọc Quý, Phó Tổng giám đốc Pomina cho biết, nhà máy thép Pomina 2 - Công ty cổ phần Pomina 2 KCN Phú Mỹ I có công suất 500.000 (tấn sản phẩm/năm). Theo ông Quý, việc gắn thiết bị QTTĐ còn khá mới mẻ và tốn kém nên DN gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Hơn nữa, kinh phí đầu tư một hệ thống QTTĐ chiếm kinh phí lớn, khoảng 3-6 tỷ đồng. Vì vậy, DN này xin lùi thời gian đấu nối đến tháng 8-2016 (nghĩa là chậm hơn 4 tháng so với yêu cầu của tỉnh.
Đại diện một DN khác cho biết, việc lắp đặt, vận hành hệ thống QTTĐ cần có hướng dẫn cụ thể về quy chuẩn kỹ thuật, địa điểm lắp đặt, vị trí lấy mẫu mang tính đại diện nhất, thể hiện rõ nhất chất lượng nước thải, khí thải của DN. Ngoài ra, cơ quan chuyên môn cần nêu rõ cách thức phối hợp như thế nào, yêu cầu cụ thể ra sao, lấy những thông số gì, lấy như thế nào… để DN thực hiện.
Tại cuộc họp với các DN hồi đầu tháng 4-2017, ông Phan Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh cho biết, Sở TN-MT chia sẻ với những khó khăn của DN. Tuy nhiên, lâu nay, các DN không được QTTĐ, việc giám sát xả thải không thường xuyên nên mới xảy ra tình trạng ô nhiễm kéo dài. Nay, tỉnh yêu cầu các nhà máy nằm trong quy định của Bộ TN-MT phải QTTĐ, đấu nối dữ liệu nhưng các DN đã tìm nhiều lý do để kéo dài thời gian kết nối dữ liệu. Cuối tháng 4-2017, Sở TN-MT tiếp tục chỉ đạo tổ kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra thực tế tiến độ đầu tư QTTĐ của các DN và nhắc nhở các DN chấp hành quy định của Bộ TN-MT và của UBND tỉnh.
Ông Nguyễn Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Chi cục BVMT tỉnh cho biết, Sở TN-MT hiện đang xin ý kiến của UBND tỉnh về đề xuất lùi thời gian truyền dữ liệu về trung tâm điều hành của các đơn vị đến tháng 6. Sau thời gian này, nếu đơn vị nào không chấp hành sẽ xử phạt theo Nghị định 155/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT.
Điểm d, điều 8, chương II của Nghị định 155/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT như sau: phạt tiền từ 1,5-2 triệu đồng đối với hành vi không xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định. Phạt bổ sung: đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường của cơ sở từ 3 tháng đến 6 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại điểm d khoản 3 Điều này. |