Doanh nhân với hàng Việt

Doanh nhân với hàng Việt

31.01.2024

TT – Ngày doanh nhân VN năm nay diễn ra ngay trong thời điểm cả nước hưởng ứng cuộc vận động “Người VN ưu tiên dùng hàng VN”. Và doanh nhân chính là một trong những nhân tố vô cùng quan trọng của cuộc vận động. Tuổi Trẻ đã trao đổi với hai doanh nhân ở hai lĩnh vực khác nhau về chủ đề này.

Đưa hàng Việt về nông thôn – Ảnh: Như Bình

Ông Trần Thanh Sang, giám đốc điều hành Công ty cổ phần Thời trang Việt:
“Làm cho ba mẹ dùng thì không dám dối trá”

* Với tư cách người tiêu dùng, ông sử dụng hàng Việt thế nào trong đời thường?

– Tôi quan niệm chiếc áo hay chiếc quần mặc trên người có nhãn ngoại hay nội không quan trọng bằng việc nó có phù hợp với khổ người, khiếu thẩm mỹ của tôi hay không. Trước đây tôi rất thích mặc áo hàng ngoại với kiểu tương đối rộng, sau đó tình cờ mua thử một vài loại áo nội mặc ôm vừa người, thấy thích nên tôi thay đổi phong cách. Rồi chuyển sang dùng hàng công ty do thấy vừa người, phù hợp với độ tuổi nên đã chọn luôn.
Toàn bộ quần áo trên người tôi đều là hàng trong nước. Tôi cũng mặc đồ do chính công ty sản xuất khi xuất hiện ở những sự kiện quan trọng và hoàn toàn cảm thấy thoải mái, tự tin. Tôi hầu như dùng toàn hàng VN, trừ những trường hợp không tìm ra cái thích hợp.


Ông Trần Thanh Sang. Ảnh: Veer.vn

* Vậy ông cho rằng phải ưu tiên hàng Việt như thế nào?
– Tận gốc của vấn đề cần phải được nhìn dưới góc độ doanh nghiệp (DN) đã làm được những gì để người tiêu dùng cảm thấy món hàng đó đáng được sử dụng, tại sao họ phải bỏ tiền ra mua hàng của mình để dùng trong khi họ có nhiều lựa chọn khác? Tất nhiên, trong mỗi người VN ai cũng có lòng yêu nước, nhưng phải được nhìn dưới nhiều góc độ và thời kỳ khác nhau.
Người tiêu dùng hôm nay cực kỳ thông minh, hoàn toàn biết đồng tiền bỏ ra phải mua được cái gì có giá trị tương xứng với nó. Nên cái chính là DN đáp ứng người tiêu dùng đến mức nào. Nhà nước phải tạo điều kiện, môi trường để DN làm tốt vai trò này. Nếu DN chưa làm được hàng chất lượng thì phải có mức giá hợp lý. Hoặc nếu muốn nâng đẳng cấp sản phẩm lên thì phải tìm sự khác biệt và giá trị gia tăng cao trong sản phẩm…

* Là DN may mặc VN, ông có thấy vô lý khi hai chiếc áo sơmi chất lượng, mẫu mã như nhau nhưng khi gắn nhãn ngoại lên thì giá một trời một vực với nhãn trong nước?

– Bản thân tôi không thấy vô lý. Bởi khi cái áo sơmi được gắn thương hiệu cao cấp lên, người tiêu dùng chọn mua không phải vì cái áo mà vì thương hiệu kia. Đôi giày Nike được sản xuất tại VN chi phí chỉ khoảng mười mấy USD nhưng khi sang đến Mỹ và quay ngược lại VN, giá trị của nó có thể trên 100 USD là nhờ danh tiếng của Nike.
Người ta đã kỳ công qua bao nhiêu năm để tạo nên những giá trị cho thương hiệu đó. Nếu cũng đôi giày đó gắn thương hiệu của ông A, bà B có khi bán 20 USD chưa chắc có ai mua.

* Vậy theo ông, liệu có DN VN nào có khả năng làm được như vậy và khi nào?
– Có người bạn nước ngoài nói với tôi rằng VN rất khó có một công ty có thể đạt đẳng cấp quốc tế đúng nghĩa. Mới đầu nghe cũng sốc, nhưng sau khi nghe phân tích và ngẫm nghĩ tôi thấy có lý. Anh ấy, sau thời gian làm việc và quan sát, đã chỉ ra một điểm: ở VN chẳng có nhiều người giỏi ngồi lại với nhau trong một công ty, ai giỏi cũng đều muốn ra riêng.
Trong khi đó, một công ty để hội đủ điều kiện có thể cạnh tranh quốc tế phải tập hợp được một đội ngũ nhân lực giỏi. Một số DN có nền tảng, có khả năng cất cánh được thì lại vướng một điều, mà theo nhận xét chủ quan của tôi, là các ông chủ VN chưa muốn chia sẻ với xã hội, cứ muốn giữ DN đó cho riêng mình. Dùng người thì chỉ dám tin người nhà hoặc người thân quen.

* Nhưng hiện chúng ta có rất nhiều doanh nhân trẻ được đào tạo tốt ở những quốc gia tiên tiến về. Đội ngũ doanh nhân trẻ đó có thể “làm nên chuyện”?
– Nhìn ở mặt tích cực, tôi thấy tầng lớp doanh nhân VN đang khao khát thay đổi, muốn khẳng định vai trò thật sự của mình trong phát triển đất nước. Tôi cho rằng hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào họ.
Theo một số doanh nhân quốc tế mà tôi có dịp tiếp xúc, nhiều doanh nhân VN không có thói quen trau dồi kiến thức, không có thói quen đọc sách, khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh chưa được đầu tư đúng mực. Trong khi một đất nước muốn phát triển thì vai trò của doanh nhân phải được đặt đúng vị trí. Họ phải là những người làm giàu chân chính, những người biết làm giàu trên kiến thức chứ không phải theo kiểu trọc phú. Tôi nghĩ tầng lớp doanh nhân sau này hoàn toàn làm được điều này.

* Gần đây lại rộ lên những câu chuyện như hàng quá đát, thực phẩm không an toàn, nhập hàng kém chất lượng về gắn nhãn lên bán… Phải chăng “đạo đức kinh doanh” đang có vấn đề?
– Hãy nghĩ rằng mình làm cái đó để cho người thân mình xài thì sẽ thận trọng. Làm cho ba mẹ mình dùng thì chắc chắn sẽ không làm ẩu, làm dối trá được. Gia đình, bạn bè tôi đang sử dụng rất nhiều hàng do công ty tôi sản xuất và tôi cũng bị nghe chê rất nhiều! Người thì nói hàng may gì mà khuy nút mới xài đã đứt, người thì than phiền đồ mới giặt ba bữa đã phai…
Rõ ràng vấn đề bảo đảm chất lượng một cách tuyệt đối thật sự là một thách thức không của riêng DN nào. Chúng tôi không né tránh mà nghiêm túc ghi nhận vì mình chưa thể kiểm soát chất lượng một cách tuyệt đối. Hàng sản xuất ở đâu cũng vậy, có loại giá cực rẻ và chất lượng tồi nhưng cũng có loại tốt.
Trong thế giới phẳng hiện nay, DN sẽ chọn phân khúc nào có lợi nhất trong chuỗi giá trị. Cái quan trọng là điểm cuối cùng khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng thì anh chủ của thương hiệu đó phải chịu trách nhiệm. Còn nếu không giải quyết được điểm mấu chốt này, sản phẩm xảy ra vấn đề gì thì việc người tiêu dùng tẩy chay thương hiệu đó là điều đương nhiên.
Ông Bùi Đình Thắng, phó tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại – sản xuất Nhơn Hòa:
Phải đặt lòng tin vào sản phẩm của mình

* Theo ông, điều gì để có thể xây dựng niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt?
– Kinh nghiệm hàng chục năm khai thác và phát triển thị trường nội địa của cân Nhơn Hòa cho chúng tôi bài học rằng muốn người tiêu dùng bỏ tiền ra chọn sản phẩm của mình, thay bằng việc mua hàng ngoại nhập, thì ngay từ khi chuẩn bị đưa sản phẩm ra thị trường, người lãnh đạo công ty phải thấu suốt ba mục tiêu: chất lượng tốt, giá cả phù hợp và phải không ngừng xác lập uy tín của công ty. Ngay từ những ngày đầu phát triển, chúng tôi đã xác định làm ra chiếc cân Nhơn Hòa là để phục vụ người VN, phải đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước.
Hãy lắng nghe người tiêu dùng, hiểu họ đang thiếu gì, cần gì để đáp ứng. Nhiệm vụ của một doanh nhân là phải làm được điều đó. Ngay từ khi phát động phong trào “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” và đẩy mạnh khai thác thị trường nông thôn, chúng tôi đã tham gia các chương trình đưa hàng về Bến Tre, Bình Dương… Tôi biết thu nhập của người dân nông thôn không cao nên đã đưa ra giá bán thấp hơn 3-7% so với giá bán ở thành phố. Phiên chợ hàng Việt vừa khai mạc, người dân đã ào ào vào mua. Tôi thấy họ rất “tình cảm” với hàng Việt.

* Phần lớn doanh nhân thường xài hàng hiệu và phần lớn trong đó là hàng ngoại nhập, ông nghĩ nên thay đổi thói quen này như thế nào?
– Doanh nhân Việt dùng hàng Việt có ý nghĩa và trách nhiệm xã hội rất lớn. Không thể có chuyện anh làm ra một chai nước mắm nhưng trong bữa cơm gia đình anh lại không dùng chai nước mắm đó, mà dùng một sản phẩm ngoại nhập. Là người làm ra sản phẩm thì phải đặt lòng tin ngay trên sản phẩm của mình. Có tin vào “đứa con” của mình mới dám mạnh miệng giới thiệu ra thị trường, ứng thí với hàng ngoại. Mình phải tin thì người tiêu dùng mới tin. Muốn thế phải làm tốt, làm sạch và đảm bảo.
Hàng Việt mình có nhiều thứ tốt, giá cả lại phải chăng, không có lý do gì để không dùng. Tôi vẫn dùng dép Biti’s, giày thể thao Asia, áo thun Đông Xuân, mua thực phẩm tại Co.op Mart… Tất nhiên, có những sản phẩm mà người Việt làm chưa tốt thì vẫn dùng hàng ngoại, như đồng hồ đeo tay chẳng hạn. Hay trong sản xuất chúng tôi vẫn nhập nguyên liệu, linh kiện từ nước ngoài vì trong nước không có. Tôi cũng mong người tiêu dùng hãy sử dụng hàng VN nếu các nhà sản xuất trong nước làm được.
TRẦN VŨ NGHI – LÊ NGUYÊN MINH
Nguồn tuoitre.com.vn BẠCH HOÀN thực hiện