Anh Thành

ANH THÀNH, NGƯỜI TRƯỞNG MÁY BÌNH DỊ CỦA XƯỞNG TISSUE

Hành trình sự nghiệp của anh Bạch Văn Thành trong 11 năm qua từ khi tốt nghiệp Đại học gắn liền với Giấy Sài Gòn. Anh chia sẻ câu chuyện của mình, từ nhiệm vụ, thách thức đến sở thích một cách chân thành, khiêm tốn, và điềm tĩnh.

Chúng tôi thấy cách anh sắp xếp công việc và giải quyết khó khăn rất khoa học và hiệu quả. Mọi người hãy cùng đọc câu chuyện của anh Thành, Trưởng Máy TM6, Xưởng Tissue, để “kết nối” với anh nhé.

Chào anh Thành! Anh có thể chia sẻ về con đường sự nghiệp của mình được không?

Mình tốt nghiệp Ngành Công nghệ Sản xuất Giấy, Khoa Lâm Nghiệp, Đại học Nông Lâm Tp. HCM năm 2009. Sau đó, mình làm việc cho một công ty giấy ở Bình Dương trong một tháng trước khi gia nhập Giấy Sài Gòn vào tháng 9 năm 2009.

Ban đầu, mình làm công nhân đi ca, vận hành việc xử lý nước thải của Nhà máy 1 rồi sau đó chuyển qua vận hành xử lý nước thải Nhà máy 2.

Đến năm 2011, mình được chuyển sang đội Dự án, giám sát việc lắp đặt máy xeo TM6 (Tissue Machine 6). Sau khi TM6 được lắp đặt xong, vào tháng 3 năm 2012, mình tham gia vận hành máy với sự tư vấn từ chuyên gia nước ngoài và các anh giàu kinh nghiệm trong ngành.

Tháng 6 năm 2012, mình được điều qua làm nhân viên công nghệ của Ban Dịch vụ Kỹ thuật.

Vào tháng 3 năm 2014, do một Tổ trưởng ở TM6 nghỉ việc, mình được điều động sang làm công việc này. Bốn tháng sau, mình được bổ nhiệm làm Kỹ thuật Xưởng ở TM6.

Cuối năm 2016, mình được bổ nhiệm vị trí Phó Quản đốc (sau khi Sojitz tiếp quản Công ty, tên của vị trí này được đổi thành Trưởng Máy) TM6.

Anh Thành (giữa) cùng các công nhân viên của Máy xeo TM6

Anh Thành (giữa) cùng các công nhân viên của Máy xeo TM6

Anh quản lý bao nhiêu nhân sự ạ?  Một ngày làm việc của anh thường sẽ như thế nào?

Hiện tại, mình quản lý 28 công nhân viên.

Mở đầu một ngày làm việc, mình sẽ xem lịch các cuộc họp và lên mục tiêu các việc cần hoàn thành. Sau đó, mình đọc email báo cáo từ các Trưởng ca. Nếu có các phát sinh trong sản xuất thuộc phạm vi của các bộ phận liên quan như bảo trì hay kế hoạch, mình sẽ liên hệ ngay để phối hợp xử lý.

Tiếp theo, mình sẽ đi một vòng quan sát các máy móc thiết bị xem có gì bất thường không.

Anh Thành (không có trong ảnh) chụp ảnh các công nhân viên của đội trước một buổi đào tạo cuối tháng 10/2020

Anh Thành (không có trong ảnh) chụp ảnh các công nhân viên của đội trước một buổi đào tạo cuối tháng 10/2020

 

Kế đến, mình sẽ xem sản lượng sản xuất của ngày hôm qua so với kế hoạch có giống nhau không. Nếu giống nhau thì không sao. Nhưng nếu sản lượng giảm, mình sẽ tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến vấn đề này.

Ví dụ, mình phát hiện nguyên nhân dẫn đến sản lượng giảm là do giấy bị đứt trong quá trình sản xuất và nguyên nhân gốc là chưa quy định tần suất vệ sinh lọc hóa chất nên thỉnh thoảng bị nghẹt lọc dẫn đến hóa chất không lên làm đứt giấy. Để giải quyết vấn đề này, mình quy định tần suất vệ sinh lọc và đưa vào check list, sau đó theo dõi nhắc nhở anh em để hình thành thói quen làm đúng quy định.

Kế tiếp, mình sẽ đọc báo cáo thống kê về tiêu hao điện, hơi nước, hóa chất…trong quá trình sản xuất. Nếu có chỉ số thực tế nào lệch so với định mức, mình sẽ tìm hiểu nguyên nhân để giải quyết vấn đề và báo cáo cấp trên.

Tiếp theo, mình sẽ xem kế hoạch sản xuất của ngày mai, cụ thể là kiểm tra chạy loại giấy nào, loại giấy đó có thông số chuẩn chưa, và những điểm quan trọng cần chú ý để nhắc nhở anh em nhằm hạn chế xảy ra sự cố.

Ngoài ra, mình thường quan sát các trưởng ca và nhân viên để có thể kịp thời hướng dẫn các anh em làm việc hiệu quả hơn, cũng như tuân thủ check list, quy trình, và thông số chuẩn đã ban hành. Cuối ngày, mình sẽ làm báo cáo gửi cấp trên.

Anh có thể kể về sở thích của mình?

Mình thường đá banh để rèn luyện sức khỏe. Trước đây, mình tham gia một đội bóng đá trong đó có nhiều anh em ở các công ty khác trong KCN Mỹ Xuân A. Khoảng một tháng nay, mình rủ rê các anh em trong TM6 tham gia đá cùng mỗi tuần để hiểu nhau hơn (cười).

Anh Thành (hàng ngồi, thứ 4 từ phải sang) cùng anh em trong Công ty và bên ngoài chuẩn bị đá banh vào đầu tháng 11/2020

Anh Thành (hàng ngồi, thứ 4 từ phải sang) cùng anh em trong Công ty và bên ngoài chuẩn bị đá banh vào đầu tháng 11/2020

Anh từng gặp phải một thách thức lớn trong quá trình làm việc tại Giấy Sài Gòn chưa?

Đầu năm nay, sau Tết, đội của mình có tỷ lệ công nhân nghỉ việc đến 50%. Các trưởng ca lo lắng vì nhiều người mới quá, chưa quen việc, có thể sẽ không đạt được sản lượng. Mình đã suy nghĩ rất nhiều. Mình cố gắng chuyển tất cả kiến thức mình có được vào sổ sách, quy trình, quy định để các anh em nhìn vào chúng như một thước đo mà làm theo. Người mới nhìn vào quy trình cũng hiểu cần làm những gì để vận hành máy ổn. Họ chỉ thiếu kỹ năng cẩu giấy, vận hành và những điều này có thể đào tạo được trong thời gian ngắn. Đến bây giờ, mình cảm thấy hạnh phúc vì đã vượt qua được khó khăn đó, thậm chí mọi việc còn theo hướng tốt lên nữa (cười)