Cao Tiến Vị – "Phải mạo hiểm, phải chấp nhận rủi ro thì mới thành công"

Cao Tiến Vị – "Phải mạo hiểm, phải chấp nhận rủi ro thì mới thành công"

31.01.2024

Sau hơn 10 năm lăn lộn với nhiều nghề, Cao Tiến Vị quyết định thực hiện giấc mơ “làm chủ” của mình bằng cách bán tất cả những gì có thể bán, kể cả căn nhà vợ chồng anh đang ở để có vốn mở một cơ sở sản xuất giấy. Chỉ trong thời gian ngắn, bằng bàn tay và khối óc, bằng sự kiên trì, bền bỉ học hỏi và lòng tâm huyết với nghề, Cao Tiến Vị đã đưa Cơ sở giấy Sài Gòn nhỏ bé phát triển thành một công ty lớn có vị thế trên thị trường, góp phần không nhỏ trong việc tạo nên một gương mặt mới cho ngành giấy Việt Nam.Ngoài danh hiệu Sao Vàng Đất Việt 2003, sản phẩm giấy Sài Gòn còn đạt huy chương vàng Hội chợ Thương mại Sài Gòn, cúp vàng thương hiệu Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, hàng Việt Nam chất lượng cao… Ngày nay, khi đã là chủ một doanh nghiệp, giấc mơ làm chủ một thương hiệu mạnh được anh nhen nhóm cũng nóng bỏng không kém giấc mơ xưa

Chàng trai ham học, chăm làm

Sinh năm 1965 trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, lại là anh cả của 6 người em nên Cao Tiến Vị phải sớm vất vả với việc mưu sinh. Anh là người rất ham học. Thời còn trung học, trong khi mọi học sinh đều mong được vui chơi thỏa thích vào những tháng hè thì anh lại tranh thủ thời gian này để học thêm nghề tại trường Kỹ thuật Cao Thắng.

Tuy nhiên, vì hoàn cảnh gia đình nên anh không có điều kiện học lên cao như bạn bè cùng trang lứa. Tốt nghiệp lớp 12, Cao Tiến Vị thi đậu vào Trường Cao đẳng Sư Phạm TP. HCM, nhưng anh đã phải từ giã ước mơ giảng đường để trở thành một tài xế lái xe lam trên tuyến đường Bảy Hiền – Chợ Lớn, phụ giúp cha kiếm thêm tiền trang trải cho gia đình. Thế nhưng trong thâm tâm anh luôn khát khao được học, học bất cứ cái gì. Vượt lên tất cả, Cao Tiến Vị tranh thủ thời gian vừa làm vừa học thêm ngành kế toán.

Chạy xe được gần một năm, thấy cuộc sống gia đình vẫn không khá hơn nên Cao Tiến Vị xin vào làm cho Công ty Chất đốt thành phố. Lúc đầu anh làm ở vị trí tài xế, sau đó chuyển sang áp tải, rồi làm kho, thu mua… Nhưng vốn là người ít chịu “an phận” nên làm công được 8 năm, Cao Tiến Vị quyết định xin tự kinh doanh bằng hình thức giao khoán và nộp lãi cho công ty. Anh trở thành nhà cung cấp củi đốt cho nhiều đơn vị sản xuất trong và ngoài thành phố, trong đó có không ít các đơn vị kinh doanh ngành giấy.

Mặc dù công việc rất bận rộn, nhưng ước mơ được học hỏi thêm khiến Cao Tiến Vị cảm thấy không yên. Vì vậy, anh đề nghị công ty cho mình được đi học nhưng đã bị từ chối với lý do không có kinh phí. Khao khát được học đến cháy bỏng, năm 1989, Cao Tiến Vị quyết định học đại học mở của Trường Đại học Kinh tế và đi học bằng số tiền mà anh cố gắng chắt chiu. Vừa làm vừa đi học, năm 1992, Cao Tiến Vị đã lấy được văn bằng cử nhân kinh tế.

“Lúc đó, tôi không nghĩ là mình học để làm kinh tế, cũng chẳng biết để làm gì sau này, nhưng tôi nghĩ không “bổ dọc thì cũng bổ ngang” nên cứ học. Học để giúp tư duy có phản xạ nhanh hơn, phân tích các vấn đề tốt hơn. Hơn nữa, đi học sẽ có nhiều bạn bè để trao đổi, để xây dựng mối quan hệ… Chỉ đến sau này, khi đã đi làm tôi mới thấy những kiến thức ngày xưa thật có ích và cần thiết…” – anh nói.

Từ “giấc mơ làm chủ” đến quyết định táo bạo

Khi công việc làm ăn của Cao Tiến Vị tại Công ty Chất đốt đang ở giai đoạn phát đạt thì Nhà nước có chỉ thị đóng cửa rừng, cấm khai thác gỗ rừng tự nhiên. Mất đầu vào nên anh xin nghỉ việc, công ty bố trí anh về làm quản lý trạm xăng – một công việc khá hấp dẫn trong những năm 1990, nhưng anh cương quyết từ chối. Cao Tiến Vị về hợp tác với người bạn mở
một cơ sở sản xuất giấy. Tuy nhiên, 6 tháng sau thì hai người đã đường ai nấy đi vì không hợp quan điểm trong kinh doanh.

Qua 12 năm đi làm công, Cao Tiến Vị tự trang bị cho mình ít nhiều kinh nghiệm và uy tín, anh nhận thấy nếu không tận dụng nó thì một ngày không xa tất cả sẽ thành số không. Anh muốn xây dựng cho mình một cơ sở kinh doanh riêng, không phải phụ thuộc vào người khác. Qua thông tin báo chí và một số các bậc đàn anh trong ngành giấy, Cao Tiến Vị dự đoán mức tiêu thụ giấy ở Việt Nam sẽ rất lớn trong những năm tới, vì vậy anh quyết định đầu tư cho ngành nghề này.

Khó khăn lớn nhất đối với Cao Tiến Vị lúc này là vốn đầu tư. Nếu đem cầm căn nhà đang ở thì cũng chỉ đủ một nửa số tiền mình cần. Còn nếu bán nhà thì vợ chồng anh sẽ không có nơi cư ngụ, chỉ có thể sinh sống ngay trong cơ sở sản xuất của mình. Sau nhiều đêm trăn trở với suy nghĩ :“Kinh doanh là phải mạo hiểm. Phải dám chấp nhận rủi ro thì mới thành công. Nếu chỉ đi tìm sự bình an thì mình sẽ khó có cơ hội”, Cao Tiến Vị quyết định bàn với vợ bán tất cả những gì mình có, kể cả căn nhà hai vợ chồng anh đang sốngï trên đường Đặng Văn Ngữ, quận Phú Nhuận.

Với 90 lượng vàng có được sau cuộc mua bán, hai vợ chồng anh lên Gò Vấp mua một miếng đất ruộng để xây dựng cơ sở. Tháng 4-1997, Cơ sở giấy Sài Gòn chính thức đi vào hoạt động với duy nhất một máy xeo. Khi đó, Gò Vấp vẫn còn là vùng ngoại thành rất nghèo, dân cư thưa thớt, cuộc sống thiếu thốn đủ thứ, ngay cả nước dùng cũng phải chở từ thành phố về. Vợ đang mang thai, hằng ngày phải lội bộ mấy cây số để đi chợ, lo ăn uống cho tất cả anh em trong xưởng. “Thấy vợ đang từ cuộc sống đầy đủ, an nhàn nay phải khổ cực trăm bề tôi cũng thấy nản, nhưng lúc đó sau lưng tôi không còn gì, chỉ còn một lối đi duy nhất là tiến lên và chiến thắng, vì vậy tôi đã phải cố đứng vững” – anh nói.

Khó khăn về cơ sở vật chất là vậy, chuyên môn và kinh nghiệm về ngành giấy cũng không nhiều nên Cao Tiến Vị cho mời những anh em biết nghề, biết phân tích thị trường về cùng làm. Với sự góp sức của họ, mặt hàng đầu tiên của Cơ sở giấy Sài Gòn là giấy bao bì carton với chất lượng và giá cả hợp lý đã nhanh chóng được khách hàng chấp nhận. Cơ sở bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường và dần dần đi vào ổn định.

Tháng 12-1998, Cơ sở giấy Sài Gòn được chuyển thành Công ty TNHH giấy Sài Gòn, diện tích mặt bằng xưởng sản xuất rộng hơn 2.000m2 với 30 công nhân viên. Giấc mơ làm chủ của Cao Tiến Vị đã dần trở thành hiện thực. Cho đến bây giờ, khi nhắc lại việc bán nhà để kinh doanh, Cao Tiến Vị nó: “Đó là một quyết định nhớ đời và táo bạo nhất của tôi”.

Vững bước đi lên

Để cạnh tranh và vượt lên được so với một vài công ty cùng ngành đã có tên tuổi, Cao Tiến Vị tập trung đầu tư vào những cái mà người khác chưa làm. Anh lặn lội đi khắp nơi tìm tòi những cái mới, nghiên cứu các thiết bị mới tiên tiến nhất. “Dù mất rất nhiều thời gian và tốn kém nhưng hiệu quả thì có ngay” – anh cho biết.

Cao Tiến Vị quyết định đầu tư cho mặt hàng giấy vệ sinh, thế nhưng đây là mặt hàng tiêu dùng nên khách hàng không thể một sớm một chiều chấp nhận ngay mà cần phải có thời gian thâm nhập. Trong khi đó, anh nhận thấy thị trường nông thôn rất rộng lớn và dễ tiếp cận hơn so với thành phố. Vì vậy, chiến lược của Cao Tiến Vị là “đánh” từ tỉnh vào thành phố. Anh quyết định “lấy ngắn nuôi dài”, nhắm vào thị trường nông thôn trước rồi mới tiến đến thị trường cao cấp. “Điều đó không có nghĩa là chúng tôi cho ra những sản phẩm kém ch&#7
845;t lượng mà trái lại, chất lượng sản phẩm giấy Sài Gòn không thua kém sản phẩm giấy của các công ty khác mà giá cả thì rẻ hơn của họ”.

Với chiến lược đó, sản phẩm giấy Sài Gòn đã dần dần được đón nhận tích cực và trở thành sản phẩm quen thuộc của người tiêu dùng. Khi đã có một thị phần nhất định ở nông thôn, Cao Tiến Vị bắt tay vào sản xuất các mặt hàng cao cấp hơn. Anh liên tục nâng cấp, cải tiến máy móc, thiết bị và tìm những giải pháp hữu hiệu ứng dụng cho quy trình sản xuất để cho ra những sản phẩm ngày càng đa dạng và chất lượng hơn. Sản phẩm của công ty sử dụng những nguyên liệu tái chế và khá nhiều nguyên liệu nhập, chỉ có một số ít là nguyên liệu trong nước. Sản phẩm giấy Sài Gòn đã xác lập được uy tín của mình trên thị trường.

Tuy nhiên trên chặng đường phát triển, Công ty TNHH giấy Sài Gòn cũng trải qua không ít những cuộc đối đầu gay go. Đầu năm 2000, Nhà máy giấy New Toyo, 100% vốn nước ngoài đi vào hoạt động đã làm xáo trộn thị trường với giá bán vô cùng hấp dẫn, gây rất nhiều khó khăn không những cho Công ty giấy Sài Gòn mà còn cho cả ngành giấy nói chung. Để vượt qua khó khăn và trở ngại này, Cao Tiến Vị tìm mọi cách giảm tiêu hao trong sản xuất đến mức thấp nhất, tiết kiệm điện năng, tối ưu hóa hệ thống quản lý, chăm sóc khách hàng… đồng thời tung ra sản phẩm giấy cao cấp mang nhãn hiệu Win với giá cả rất cạnh tranh. Sau 3 tháng, Công ty giấy Sài Gòn đã lấy lại được vị thế của mình, các khách hàng tiếp tục ủng hộ sản phẩm giấy Sài Gòn, sản lượng của công ty cũng không ngừng tăng lên.

Để có thể đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của xã hội cả về chất lượng lẫn mẫu mã sản phẩm, năm 2002, Cao Tiến Vị cho đầu tư hơn 8 tỷ đồng để đưa thêm hai dây chuyền sản xuất mới là tập học sinh và ly giấy vào hoạt động, nâng tổng số dây chuyền sản xuất trong hệ thống lên 8. Hai sản phẩm mới này cũng nhanh chóng được thị trường chấp nhận bởi chất lượng, mẫu mã đẹp và giá cả bình dân của nó.

Đến nay, sản phẩm giấy Sài Gòn không chỉ có carton và giấy vệ sinh mà rất đa dạng: từ giấy cuộn carton, giấy duplex, giấy hai da cho đến giấy vệ sinh, khăn giấy, tập học sinh, ly giấy, thùng carton… Tất cả đều có hai loại: bình dân và cao cấp, phục vụ mọi đối tượng khách hàng. Công ty giấy Sài Gòn được Hiệp hội giấy Việt Nam đánh giá là đơn vị phát triển nhanh nhất của ngành trong khối dân doanh, là một trong những doanh nghiệp được trao tặng Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt 2003. Năm 2002, Cao Tiến Vị cũng đã vinh dự được nhận Giải thưởng Sao Đỏ dành cho những nhà doanh nghiệp trẻ xuất sắc nhất và nhiều giải thưởng, bằng khen khác.

Sau hơn 6 năm thành lập, sản phẩm giấy Sài Gòn có mặt tại khắp các tỉnh thành, trải dài từ Nghệ An tới Cà Mau với hơn 600 đại lý. Doanh thu bình quân đạt trên 30 tỷ đồng mỗi năm. Riêng năm 2003 đạt 57 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm 59% nộp ngân sách tăng trung bình 57%/năm, riêng năm 2003 tăng 179%. Cũng trong năm 2003, để thu hút đầu tư và mở rộng thị trường cho sản phẩm của mình, Cao Tiến Vị đã chuyển Công ty TNHH giấy Sài Gòn thành Công ty cổ phần giấy Sài Gòn.

Tham vọng của Cao Tiến Vị không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước, vì vậy anh đang cho xây dựng thêm một nhà máy thứ hai với công sấut lớn gấp 6,5 lần nhà máy hiện tại, đặt ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Công suất của nó sẽ đạt mức lớn nhất nhì miền Nam với những công nghệ, máy móc hiện đại ngang tầm các nước trong khu vực. “Từ trước đến giờ mình chỉ đầu tư theo nhu cầu, đâu cần mình có, nhưng trong xu thế phát triển hiện nay thì cần phải đầu tư theo lối đón đầu. Nhà máy thứ hai này chính thức được hoạt động v&agra
ve;o cuối năm 2004 này, đồng thời sản phẩm giấy Sài Gòn cũng sẽ ra mắt thị trường thế giới đầu năm 2005”.

“Con người là yếu tố quyết định tất cả”

Song song với việc quan tâm đầu tư cho công nghệ, máy móc thì yếu tố con người cũng được Cao Tiến Vị chú trọng không kém. Ngay từ đầu, anh đã xác định con người mới là tài sản quý giá của công ty. Hiện nay Công ty giấy Sài Gòn có hơn 400 nhân viên. Tất cả đều được anh quan tâm, đối xử như những người thân trong gia đình.

Các nhân viên luôn nhận thấy ở anh sự gần gũi như một người anh trong gia đình chứ không phải là một “ông chủ”. Cao Tiến Vị cũng hết sức chú trọng đến việc tổ chức những hoạt động mang ý nghĩa tinh thần cho nhân viên như tổ chức cho họ đi nghỉ mát, xem ca nhạc, vui chơi giải trí và trích một khoản chi phí đáng kể để tặng quà cho tất cả nhân viên của công ty vào những ngày lễ lớn trong năm.

Với tính cách khiêm tốn, lối sống thân thiện, gần gũi và tận tâm như vậy nên vào những lúc khó khăn nhất, Cao Tiến Vị luôn nhận được sự ủng hộ hết mình từ các nhân viên. Họ luôn sát cánh, sẵn sàng cùng anh vượt qua những khó khăn, bế tắc trong công việc. Ngoài chế độ Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm Xã hội và Bảo hiểm tai nạn 24/24 giờ cho tất cả nhân viên, những người đạt thành tích tốt và có thâm niên gắn bó với công ty còn được Cao Tiến Vị mua Bảo hiểm Nhân thọ để họ tích lũy sau này.

Cao Tiến Vị luôn khích lệ và tạo mọi điều kiện cho nhân viên có những sáng tạo cá nhân và tự phấn đấu để hoàn thiện. Anh mời các chuyên gia trong và ngoài nước tới công ty để làm việc và trao đổi kinh nghiệm, tổ chức cho cán bộ và nhân viên kỹ thuật ra nước ngoài học tập … Tất cả những hoạt động này được Cao Tiến Vị duy trì rất đều đặn.

Không chỉ chu đáo với nhân viên trong công ty mà ngay cả với những nhà phân phối của mình, Cao Tiến Vị cũng quan tâm, chăm sóc họ rất tốt. Anh cho rằng những người này là trung gian giữa công ty với người tiêu dùng nên họ cũng là một nhân tố quan trọng góp phần cho sự phát triển của công ty. Vì thế họ cần được đối xử thật tốt. Anh luôn có những món quà động viên tinh thần gởi đến họ vào những ngày có ý nghĩa trong năm, “dù rất nhỏ nhưng đó là cách làm cho họ nhớ đến mình” – anh nghĩ vậy.

Người chồng, người cha mẫu mực

Đằng sau tất cả những thành công của Cao Tiến Vị hôm nay có sự đóng góp không nhỏ của vợ anh. “Không phải ai cũng chịu để cho chồng mình bán nhà mà chẳng biết anh ta sẽ kinh doanh như thế nào, được hay thua. Thế mà vợ tôi đã vui vẻ ủng hộ và động viên tôi làm. Vì vậy, tôi phải cám ơn vợ tôi rất nhiều, nhờ có cô ấy mà tôi mới có được sự nghiệp như bây giờ” – anh nói về vợ một cách đầy yêu thương và tự hào.

Thời gian đầu thành lập công ty, do phải thường xuyên đi nước ngoài để tìm cơ hội phát triển nên anh có rất ít thời gian dành cho gia đình. Vì vậy hiện nay, khi công việc đã tương đối ổn định và công ty cũng đã có được một chỗ đứng nhất định trên thị trường, Cao Tiến Vị luôn tranh thủ, sắp xếp thời gian cho vợ và các con. Theo anh, định hướng của cha mẹ cho con cái trong giai đoạn chúng còn nhỏ là rất quan trọng, sự quan tâm của cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến con cái sau này. Vì vậy, anh luôn dành thời gian để gần gũi, chăm sóc các con của mình. Dù công việc của một tổng giám đốc rất bận rộn, nhưng anh vẫn sắp xếp đưa con đến trường đều đặn vào mỗi sáng. Vào ngày nghỉ cuối tuần, anh thường đưa vợ và các con đi chơi hoặc nghỉ ở một nơi nào đó để các thành viên trong gia đình gần gũi, gắn bó hơn.

Đối với anh: “Làm việc c&#36
1;ng có mức độ thôi, cần phải có thời gian cho gia đình nữa. Công việc là quan trọng nhưng gia đình đối với tôi cũng quan trọng không kém. Tôi luôn từ chối các cuộc gặp mặt, ăn uống hay giải trí không cần thiết để về với vợ và các con”. Gia đình luôn là điểm tựa vững chắc, là nền tảng cho cuộc đời và sự nghiệp của anh. Vì vậy, trong cuộc sống tất bật của một doanh nhân nhưng anh vẫn dung hòa được cả hai. Cao Tiến Vị vừa hoàn thành tốt trách nhiệm của một giám đốc, điều hành và quản lý doanh nghiệp thành công, đồng thời xứng đáng là trụ cột của gia đình trong vai trò một người chồng, người cha mẫu mực.

Chuyện Doanh nhân (chuyendoanhnhan.com)- Ngọc Huệ – Nguyên Oanh
(Bài viết năm 2004)