Giấy Sài Gòn và những bước chuẩn bị gia nhập WTO

Giấy Sài Gòn và những bước chuẩn bị gia nhập WTO

31.01.2024

Tháng 7 tới đây nhà máy giấy Mỹ Xuân(Thuộc Công Ty Cổ Phần Giấy Sài Gòn) sẽ đi vào hoạt động toàn phần.Theo Tổng giám đốc Cao Tiến Vị, cùng với việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực, xây dựng chung cư cho công nhân, nhà máy này nằm trong kế hoạch chuẩn bị gia nhập WTO của công ty.

Là một doanh nhân trẻ sớm ý thức về vấn đề hội nhập kinh tế thế giới nên ngay từ những năm đầu thế kỷ XXI, Cao Tiến Vị đã bắt tay chuẩn bị những đều kiện cần thiết cho Giấy Sài Gòn. Tháng 6/2002, anh ký hợp đồng thuê đất tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân A, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và tháng 4/2004 bắt đầu xây dựng một nhà máy mới với tổng vốn đầu tư 20 triệu USD. Tháng 3/ 2005, nhà máy được đưa vào sử dụng và tháng 7 tới đây sẽ hoạt động toàn phần. Cho đến nay, đây được xem là nhà máy giấy tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Qủa thật, có bước chân vào nhà máy giấy Mỹ Xuân mới cảm nhận hết được quy mô sản xuất và hoài bảo của chủ đầu tư. Trong một khuôn viên gần 50000m2 từ khối văn phòng, hội trường đến từng dãy nhà xưởng, kho thành phẩm, xưởng cơ khí, nhà ăn đựợc bố trí liên hoàn theo một mô hình khép kín. Bên những dây chuyền sản xuất theo công nghệ của châu ÂU, hàng trăm công nhân hối hả làm việc 3 ca.
Dẫn tôi đi tham quan một vòng nhà máy, anh Nguyễn Việt Cường- Chủ tịch công đoàn nhà máy, Phó phòng hành chánh – Nhân sự cho biết, hiện tại có hai dây chuyền sản xuất giấy công nghiệp công suất 28.800tấn/ năm,một dây chuyền sản xuất giấy công nghiệp công suất 31.000 tấn/năm, 9 dây chuyền sản xuất giấy tiêu dùng công suất 15.000 tấn/năm, 1 dây chuyền sản xuất giấy tiêu dùng cao cấp công suất 7.200 tấn / năm và 10 máy chuyên dùng sản xuất khăn giấy công suất 3.000 tấn/ năm. Đồng thời, để phục vụ cho việc xeo giấy ổn định và đảm bảo chất lượng cao nhất, một hệ thống chế bột được đầu tư song hành. Toàn bộ thiết bị sản xuất đều được nhập khẩu, mới 100% , do kỹ sư , kỹ thuật viên nhà máy lắp đặt, dưới sự giám sát của các chuyên gia nước ngoài. Cách làm này không chỉ giúp Giấy Sài Gòn tiết kiệm chi phí mà còn giúp nâng cao trình độ cho đội ngũ nhân viên vận hành bảo trì …

Cùng với việc hoàn tất nhà máy Giấy Mỹ Xuân, cũng trong tháng 7 tới, một nhà máy giấy 3 ha ở Đà Nẵng của Giấy Sài Gòn cũng được đưa vào sử dụng. Theo dự báo của tổng công ty giấy Việy Nam, Hiệp hội giấy Việt Nam, từ nay đến 2010, nhu cầu về giấy vệ sinh, và giấy tiêu dùng khác (khăn giấy, ly giấy) là 422.280 tấn. Trong đó lượng giấy vệ sinh của toàn ngành giấy hiện nay mới đạt 36.556 tấn, bằng 8,6% nhu cầu trong những năm tới. Như vậy, việc đầu tư xây dựng nhóm nhà máy của Giấy Sài Gòn là sự đón đầu, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Chuẩn bị cho hội nhập, song song với việc xây dựng nhà máy để mở rộng sản xuất, Giấy Sài Gòn còn đặc biệt quan tâm đến xây dựng nguồn nhân lực, Theo giám đốc nhân sự Phạm Văn Chính, tổng số cán bộ, công nhân viên của công ty hiện nay là 950 người và khi nhà máy tại Đà Nẵng đi vào hoạt động sẽ thu hút thêm khoảng 100 người. Cao Tiến Vị cho biết thêm : “tài sản lớn nhất của Giấy Sàn Gòn hiện nay là nguồn nhân lực. Chúng tôi có 4 “thế hệ” trong bộ phận hành chính: những người gắn bó lâu năm, những người đã có thâm niên từ một số công ty nhà nước về, một số anh chị em từng làm việc ở các công ty lớn, công ty đa quốc gia và lực lượng sinh viên mới ra trường. Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của chúng tôi được dựa trên mục tiêu xác định nhiệm vụ, chức năng quyền hạn,của các vị trí quản lý; tập trung cho việc tuyển dụng nhân lực có chuyên môn, kinh nghiệm; tái bố trí công việc phù hợp với năng lực sở trường; thực hiện đào tạo tại chỗ, tái đào tạo cho bộ máy quản lý. Riêng với lực lượng lao động trực tiếp, chúng tôi tổ chức thi tay nghề, xây dựng định mức lao động, tổ chức đào tạo huấn luyện, thực tập thường xuyên”.

Thực hiện chính sách chăm lo đời sống cho công nhân, tháng 5 vừa qua, Giấy Sài Gòn đã xây dựng một chung cư (gồm 2 block, mỗi block 5 tầng ) trên diện tích 3.500m2, gần nhà máy giấy Mỹ Xuân. Nơi đây sẽ là mái nhà chung của 300 công nhân với nhiều dịch vụ công cộng tiện ích. Theo dự kiến, giai đoạn 1 (lốc1) sẽ hoàn tất vào cuối năm nay, đầu năm 2007 đưa vào sử dụng với vốn đầu tư 5 tỉ đồng. Công ty cũng dự kiến phát hành cổ phiếu vào quý IV/2006 và một năm sau sẽ lên sàn giao dịch chứng khoán. Được biết, mục đích chính của việc phát hành cổ phiếu là thu hút đầu tư, tăng vối điều lệ và phát triển công ty theo hướng đại chúng để phù hợp với hướng đi chung khi Việt Nam gia nhập WTO

THEO SỐ 149(28/6-7/4/2006) DOANH NHÂN SÀI GÒN