Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết Thăm Và Làm Việc Với Tổng Công Ty Giấy Việt Nam

Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết Thăm Và Làm Việc Với Tổng Công Ty Giấy Việt Nam

31.01.2024

news_080917_chutichnuoc.jpg

Ngày 17/9/2008, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có chuyến thăm và làm việc với Tổng Công ty Giấy Việt Nam tại chi nhánh Phong Châu, Phú Thọ. Tham gia đoàn của Chủ tịch nước có lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương và địa bàn tỉnh Phú Thọ

Sau khi nghe ông Võ Sỹ Dởng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giấy Việt Nam báo cáo tóm tắt tình hình sản xuất kinh doanh của Tổng công ty trong thời gian gần đây, đặc biệt là việc thực hiện các dự án đầu tư có qui mô đang được gấp rút triển khai như Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất bột giấy công suất 250.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư 8.600 tỷ, Dự án nhà máy Giấy và Bột giấy Thanh Hóa công suất 100.000 tấn/năm và 100.000 tấn giấy in, viết, giấy in báo với mức đầu tư giai đoạn 1: 840 tỷ đồng, giai đoạn 2: 1.200 tỷ; Dự án đầu tư sản xuất giấy in báo tại Bãi Bằng với công suất 50.000 tấn/năm với mức đầu tư 428 tỷ đồng;

Dự án đầu tư phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho dự án nhà máy bột giấy công suất 250.000 tấn/năm với mức đầu tư 3.700 tỷ đồng; Dự án đầu tư phát triển vùng nguyên liệu Thanh Hóa với tổng mức đầu tư 1.387 tỷ đồng; Các dự án thuộc công ty CP giấy Tân Mai: nhà máy sản xuất bột và giấy Tân Mai – Tây Nguyên công suất 130.000 tấn bột/năm, 200.000 tấn giấy tráng phấn/năm; Nhà máy giấy Tân Mai – miền Đông công suất 150.000 tấn giấy in báo/năm, nhà máy Bột giấy Tân Mai – Lâm Đồng công suất 200.000 tấn bột/năm… Chủ tịch nước nhấn mạnh 2 vấn đề mà doanh nghiêph cần quan tâm là vùng nguyên liệu cho nhà máy và xử lý nước thải bảo vệ môi trường.

Hiện nay, vùng nguyên liệu phía bắc (Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang…) với kênh thu mua nguyên liệu qua 16 công ty CP lâm nghiệp, nguyên liệu cấp cho hoạt động sản xuất của nhà máy ở Bãi Bằng được chủ động và ổn định. Đối với hệ thống xử lý nước thải, Bãi Bằng là doanh nghiệp duy nhất của ngành giấy trong nước có tiêu chuẩn nước thải đạt cao nhất trong bảng tiêu chuẩn về nước thải của Việt Nam.

Tuy nhiên, những vấn đề nan giải hiện nay của Tổng công ty là tình trạng tranh chấp đất đai trồng cây nguyên liệu giấy với nhân dân địa phương vùng nguyên liệu mặc dù trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đẩt quyền thuộc về các lâm trường trực thuộc Tổng công ty; ngành trồng rừng khó tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi; các cơ chế, chính sách của nhà nước về giấy tái chế đã không khuyến khích việc thu gom trong nước; và nhất là có những chính sách làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp như Quyết định 71/2008/QĐ-BTC ban hành ngày 1/9/2008 của Bộ Tài chính về việc sửa đổi thuế suất nhập khẩu ưu đãi, trong đó điều chỉnh thuế suất nhập khẩu giấy in báo, giấy in viết và các loại giấy khác từ 32 % xuống 20 % thực hiện sớm 4 năm so với cam kết WTO (năm thực hiện là 2012). Trong khi hiện nay, nhiều dự án đầu tư dây chuyền sản xuất giấy in viết, giấy in báo mới của các doanh nghiệp giấy đã và đang chuẩn bị đi vào hoạt động.

Quyết định 71 sẽ làm các doanh nghiệp trở tay không kịp. Trong đoàn của Chủ tịch nước, nhiều đại diện Bộ, ngành chức năng cũng tỏ ra bất đồng.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trương Văn Đoan cho biết, Việt Nam nên giữ nguyên cam kết lộ trình thuế suất nhập khẩu đối với nhiều nhóm hàng, trong đó có giấy. Trước đó, ngày 21/8/2008, trong công văn gửi Bộ Tài chính đóng góp ý kiến về việc điều chỉnh thuế suất nhập khẩu ưu đãi mặt hàng giấy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhắc đến: “việc điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng giấy càn cân nhắc lợi ích giữa nhóm doanh nghiệp sản xuất giấy và nhóm doanh nghiệp sử dụng giấy để sản xuất.

Chuyến thăm hỏi của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến ngành giấy và đặc biệt là động viên tinh thần làm việc của tập thể cán bộ công nhân viên Tổng công ty Giấy Việt Nam nói riêng và của những người trong ngành giấy nói chung.

Khôi Nguyên
Theo VPPAONLINE