Tái chế giấy đã sử dụng: Càng nghèo càng hoang

Tái chế giấy đã sử dụng: Càng nghèo càng hoang

31.01.2024

Giấy đã qua sử dụng là nguyên liệu chính trong sản xuất giấy tại hầu hết các nước do vừa hiệu quả về kinh tế, vừa bảo đảm môi trường… Tại nhiều nước, công nghiệp tái chế giấy làm ăn rất phát đạt. Tuy nhiên, ở Việt Nam, tỷ lệ này cực thấp. Không những thế, hằng năm chúng ta còn tốn một lượng không nhỏ ngoại tệ để nhập khẩu giấy thải loại…

Càng giàu, càng tiết kiệm
“Giấy tái chế” là giấy sản xuất từ giấy thải loại (đã qua sử dụng như báo, tạp chí đã đọc xong, bao bì giấy, hòm hộp), khác với “giấy nguyên thủy” là giấy sản xuất từ gỗ hoặc các xơ sợi xenlulô khác. Giấy có thể tái chế tới 6 lần trước khi chôn lấp hoặc đốt bỏ nên lợi ích về kinh tế, đặc biệt là tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường rất to lớn (thậm chí, lớn hơn nhiều so với lợi ích kinh tế thuần túy). Trên thế giới, tái chế giấy là một ngành công nghiệp phát triển. Năm 2006, sản lượng giấy tái chế ở Mỹ là 53,5 triệu tấn (trong tổng sản lượng giấy 80 triệu tấn, chiếm 67%), năm 2007, con số này là 54,3 triệu tấn, năm 2008, tăng hơn nữa. Ngoài ra, Mỹ cũng xuất khẩu 16 triệu tấn giấy đã qua sử dụng (tỉ lệ thu hồi 87%). Năm 2007, trên toàn thế giới, lượng giấy tái chế là 208 triệu tấn, bằng 53% lượng giấy sản xuất ra – trong đó có 49 triệu tấn được xuất nhập khẩu.

Nhờ tái chế giấy đã qua sử dụng, phát thải khí nhà kính giảm do tiêu tốn ít năng lượng (tiết kiệm 64%) so với từ bột nguyên khai và tránh phải chôn lấp chất thải này. Tái chế giấy cũng góp phần gìn giữ tài nguyên thiên nhiên. Tỷ lệ giấy đã qua sử dụng dùng làm nguyên liệu trong tổng nguyên liệu dùng để sản xuất giấy ở các nơi đều rất cao: Malaixia 87%, Philíppin 79%, Thái Lan 72%, Đài Loan 70%, Trung Quốc 65%, Nhật Bản 65%, còn ở Việt Nam là 70%. Các nước đều có chính sách khuyến khích thu gom và tái chế giấy, trong đó bao gồm cả một số quy định có tính bắt buộc. Ở nhiều nước, đích thân tổng thống hoặc thủ tướng ra sắc lệnh hay nghị định hoặc quốc hội ra điều luật về tái chế giấy đã qua sử dụng. Có thể thấy các nước càng phát triển càng “chuộng” tái chế giấy, nói cách khác, các nước càng giàu có càng có ý thức tiết kiệm. Vẫn lấy ví dụ tại Mỹ, bang Caliphócnia ra điều luật yêu cầu các nhà xuất bản báo phải dùng ít nhất 25% giấy in báo tái chế từ ngày 1-1-1991 và 50% vào năm 2000. Năm 1993, Tổng thống Clintơn yêu cầu toàn bộ giấy mua cho các cơ quan của chính phủ phải chứa 20% (hoặc với tỉ lệ cao hơn) xơ sợi tái chế (từ giấy đã qua sử dụng) từ 1995, tăng lên 25% vào năm 2000. Tại châu Âu, năm 1994, EU ban hành chỉ thị về bao bì và bao bì đã qua sử dụng, đặt ra mục tiêu thu hồi và tái chế bao bì đã qua sử dụng ở các nước thành viên. Đến 30-6-2001, mỗi nước đã thu hồi được 50% bao bì đã qua sử dụng và tái chế ít nhất 25% số thu hồi. Năm 2008, con số này tăng lên 60%; tái chế 55-80% lượng thu hồi. Năm 1997, Nhật Bản cũng ban hành luật tái chế hòm hộp các tông cũ.

Ngày nay, thế giới đã thay đổi cách nhìn về giấy đã qua sử dụng, nhiều nước đã chính thức dùng từ giấy đã qua sử dụng (post-consumer paper) thay cho từ giấy thải loại (waste paper) và coi đó là nguyên liệu thứ cấp (secondary raw material).

“Quên” thu hồi nội địa
Tại nước ta, theo thống kê năm 2007, giấy đã qua sử dụng (thu gom trong nước và nhập khẩu) là nguyên liệu chính để sản xuất giấy (giấy làm bao bì, giấy in báo, giấy tissue…), chiếm 70% trong tổng số nguyên liệu. Tuy nhiên, Tổng Thư kí Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam, TS Vũ Ngọc Bảo cho biết, Việt Nam mới chỉ tái chế được 25% giấy tiêu dùng trong nước (2007). Lượng giấy thu hồi được còn khá khiêm tốn, chỉ đạt 450.000 tấn năm 2006 và 695.000 tấn trong năm 2007. Nếu đem so sánh, tỷ lệ thu hồi giấy đã qua sử dụng ở ta là hết sức khiêm tốn, chẳng hạn Mỹ đạt tỷ lệ thu hồi 87%, Nhật Bản đạt 74%, Đài Loan đạt 68%, Hàn Quốc đạt 67%, thậm chí Thái Lan cũng đạt tới 65%, Malaixia đạt 61%…

Chi hàng trăm triệu USD nhập khẩu giấy tái chế
Bức tranh công nghệ tái chế giấy khá đơn giản: Lượng thặng dư giấy thu hồi từ các nước công nghiệp phát triển ở Tây  Âu, Bắc Mỹ và Nhật… được xuất đi cung ứng cho các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Giấy thu hồi nhập khẩu vào Việt Nam từ nhiều nước, bao gồm giấy hòm hộp các tông cũ, giấy báo, tạp chí, giấy lề… Tính ra, giá trị 1 container giấy thu hồi nhập khẩu vào khoảng 3.000-5.000 USD. Đến thời điểm này, giấy thu hồi nhập khẩu là nguồn nguyên liệu chính trong sản xuất giấy ở Việt Nam. Theo báo cáo nhập khẩu 10 tháng đầu năm 2009, chúng ta đã nhập khẩu 848 nghìn tấn giấy các loại, bao gồm một lượng lớn giấy thu hồi nhập khẩu, trị giá 618 triệu USD, “đóng góp” một gánh nặng không nhỏ vào nhập siêu. Theo ông Bảo, chúng ta đã lãng phí hàng trăm triệu ngoại tệ hằng năm để đi nhập khẩu mặt hàng lẽ ra không cần thiết.

“Vướng” từ quan niệm đến chính sách
Chính sách khuyến khích và tái chế giấy của các nước thường bao gồm: Thứ nhất, khẳng định giấy đã qua sử dụng là nguyên liệu chính để sản xuất giấy; thứ hai, đề ra các mục tiêu cụ thể về tỉ lệ thu hồi, tái chế trong từng giai đoạn; thứ ba, áp dụng các biện pháp: tuyên truyền giáo dục, thị trường, kinh tế – tài chính, tổ chức… để khuyến khích và phát triển việc thu gom và tái chế giấy để thực hiện mục tiêu đề ra… Còn ở ta, trong quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020, được phê duyệt năm 2007, vấn đề thu gom và tái chế giấy đã qua sử dụng vẫn chưa được coi trọng.

Cố gắng đưa thu gom giấy loại trong nước thành một hoạt động quy mô công nghiệp đầu tiên (năm 2000) đã thất bại sau 3 năm thực hiện vì thiếu cơ chế, nhiều vướng mắc trong chứng từ thu mua… Theo TS Vũ Ngọc Bảo, Nhà nước và xã hội cần coi giấy đã qua sử dụng là nguyên liệu chính cho sản xuất giấy (chứ không nên coi là rác), từ đó định mục tiêu nâng tỉ lệ thu gom giấy đã qua sử dụng lên 35% vào năm 2015 và 45% vào năm 2020 và tái chế hết số lượng thu gom được. Nhà nước cũng cần khuyến khích hoạt động thu gom và tái chế giấy, đầu tư công nghệ mới cho tái chế giấy bằng các công cụ kinh tế (thuế, vốn…), chẳng hạn coi thu gom và tái chế giấy là hoạt động không chịu thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ sở tái chế giấy, giảm thuế nhập khẩu thiết bị, công nghệ cho đầu tư nâng cấp, đầu tư mới các cơ sở tái chế giấy hiện đại, cho vay để đầu tư công nghệ cao cho quá trình tái chế từ các quỹ tài chính với lãi suất khuyến khích…

Trung Hưng
Theo www.bsc.com.vn