10 Gương mặt xuất sắc thành phố năm 2002

10 Gương mặt xuất sắc thành phố năm 2002

31.01.2024

Cao Tiến Vị, Giám đốc Công ty Giấy Sài Gòn: Bán nhà để thành nhà Năm 1983, rời trường PTTH Phú Nhuận với tấm bằng tú tài, Cao Tiến Vị đã phải phụ ba kiếm sống bằng nghề lái xe lam. Tay lái vừa nhuần nhuyễn thì được biết Công ty chất đốt TP. Hồ Chí Minh tuyển nhân sự, anh Vị xin vào làm. Ban ngày đi làm, tối đến đi học các khóa ngắn hạn về kế toán, kế hoạch thị trường, marketing. Sau gần 12 năm công tác ở công ty chất đốt, năm 1995, Cao Tiến Vị xin nghỉ, ra tập tành kinh doanh.Qua thời gian tìm hiểu, anh nhận thấy giấy là ngành có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai nên quyết định bán nhà tìm vốn đầu tư. Về kỹ thuật, anh mời những người có tâm niên trong nghề giấy và những kỹ sư giỏi về đào tạo tại chỗ cho công nhân và cả anh cùng học. Tháng 7/1997, những cuộn giấy bao bì carton đầu tiên của Cơ sở giấy Sài Gòn đã xuất xưởng. Năm sau, anh cùng các công nhân kỹ thuật nghiên cứu sản xuất thêm các mặt hàng giấy vệ sinh, khăn giấy. Công việc tiến triển một cách tốt đẹp, cuối năm 1998, cơ sở được nâng lên thành Công ty Giấy Sài Gòn, nhà xưởng được mở rộng dần dần, máy móc được đầu tư thêm, và đương nhiên sản lượng và doanh thu tăng đều đặn. Đến đầu năm 2002, Công ty đã có 6 dây chuyền sản xuất, tổng công suất 12.000 tấn/năm. Tháng 7/2002, Công ty đầu tư hơn 8 tỉ đồng đưa thêm 2 dây chuyền sản xuất tập học sinh và ly giấy vào hoạt động. Cao Tiến Vị vừa được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên VN trao tặng giải thưởng Sao Đỏ 2002. Kao Siêu Lực,

Giám đốc DNTN Đức Phát: Tự xây lò thử tay nghề Từ công việc bỏ mối sỉ bột mì cho các lò bánh, anh Kao Siêu Lực học lóm được nghề làm bánh mì ngọt, tụ xây dựng tay nghề, đến khi thành thục, anh đã cho ra lò mâm bánh đầu tiên của Cơ sở bánh ngọt Đức Phát vào năm 1990. Qua thời gian tích lũy vốn và kinh nghiệm, từng bước đầu tư trang bị và nâng cấp máy móc thiết bị, đến nay Đức Phát đã có dây chuyền sản xuất bánh điều khiển tự động bằng vi tính và robot làm bánh. Đức Phát có nhiều loại bánh, mẫu mã đa dạng, một số loại sản xuất theo mẫu của nước ngoài nhưng được điều chỉnh cho phù hợp khẩu vị người VN, giá phải chăng mà người tiêu dùng được ngon miệng. Cơ sở Đức Phát phát triển thành DNTN Đức Phát từ năm 2001 và hiện có 13 cửa hàng cơ sở ở TP HCM, 1 cơ sở ở Cần Thơ và chi nhánh ở Nha Trang. Anh Kao Siêu Lực rất chú trọng đào tạo công nhân, dạy nghề tại cơ sở và tổ chức cho nhân viênđi học các khóa làm bánh ở các trường chuyên môn ở nước ngoài.

Nguyễn Xuân Thành, GĐ DNTN SX – TM Hai My: Vừa chủ vừa thợ Đi làm từ năm 11 tuổi với những công việc nhỏ mà kiếm tiền được, đến năm 19 tuổi anh cũng chưa định hướng một nghề nào. Năm 23 tuổi, anh theo nghề nhôm kính và lập cửa hàng Nhân Nghĩa tại Q.11, sau đó 2 năm (1995) lập Cơ sở Minh Tiến tại quận Tân Bình chuyên gia công cơ khí, sản xuất các loại giá kệ nhôm, sắt, inox. Vừa là chủ vừa là thợ, anh Thành làm việc cật lực, từng bước phát triển doanh nghiệp và cố hoàn tất các chương trình học cần thiết. Đến tháng 5/1999, Cơ sở Minh Tiến được tăng vốn và trở thành DNTN SX và TM Hai My. Hai My liên tục tăng trưởng trong 3 năm qua, sản lượng tăng từ 350 tấn năm 2000 lên 600 tấn năm 2001 và tăng đến 700 tấn năm 2002. Từ 199-2002, Hai my đã xây dựng được hệ thống phân phối tại TP HCM và Hà Nội, lập 2 đại lý ở Singapore và Canada, 1 chi nhánh tại Đài Bắc. Kệ công nghiệp Hai My nhãn “Advanced Step” đã được xuấtsang Singapore, đảo Guam, Canada, Ấn Độ.

Hoàng Cao Trí, Phó Tổng Giám đốc Cty Liên doanh Vifon Acecook: 7 năm tăng gấp 7 Tốt nghiệp Đại học Bách khoa, năm 1987 anh Hoàng Cao Trí về làm việc ở Công ty Vifon vớinhiệm vụ phụ trách kỹ thuật thiết bị công nghệ, rồi được đề bạt Phó quản đốc phân xưởng cơ điện. Năm 11994, khi Công ty Vifon liên kết với Công ty Acecook (Nhật) để thành lập Công ty liên danh Vifon-Acecook, anh Trí được bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng quản trị, kiêm Phó Tổng Giám đốc. Để có thể hoàn thành nhiệm vụ, anh vừa cùng ban giám đốc lo tổ chức công việc kinh doanh vừa theo học lớp quản trị kinh doanh Đại học Kinh tế. Nỗ lực của bản thân anh Trí cùn với sự đồng tâm hiệp lực của các cộng sự đã đưa Công ty LD Vifon Acecook phát triển: Trong vòng 7 năm (1995-2002) năng lực sản xuất tăng 700%. Lúc đầu chỉ có một nhà máy ở TP HCM, đến năm 2001 tăng thêm một nhà máy ở Hưng Yên và đầu năm 2003 sẽ tăng thêm một nhà máy nữa ở Bình Dương. Doanh số năm 2002 tăng gấp 30 lần năm 1995. Năm 2002 doanh số xuất khẩu tăng 300% so với năm 2001. Với tư cách Đảng ủy viên Công ty Vifon, sau khi nhận nhiệm vụ mới, anh Trí đã thuyết phục đối tác Nhật Bản lập chi bộ trong Công ty liên doanh Vifon Acecook, thành lập Công đoàn và Đoàn thanh niên.

Vũ Hưng Bình, Giám đốc Cty TNHH Phương Trinh: Đổi mới xe buýt Rời ghế nhà trường năm 1982, anh vào làm việc tại Bệnh viện lao Phạm Ngọc Thạch. Khi kinh tế đất nước chuyển đổi sang cơ chế thị trường, anh Vũ Hưng Bình cũng muốn thử sức trong lĩnh vực kinh doanh và nhắm vào lĩnh vực vận tải để đầu tư. Công ty TNHH Phương Trinh thành lập năm 1998 với 10 chiếc xe du lịch. Sau 3 năm, số đầu xe du lịch đa lên đến 80 chiếc, cộng thêm 30 xe vận tải và 70 xe buýt. Năm 2000-2001, anh Bình đã khởi xướng và thực hiện thành công chương trình thay thế xe lam cũ thành xe Suzuki mới 100% mang nhãn Phương Trinh phục vụ hành khách công cộng tại TP HCM. Tính đến nay Phương Trinh đã đầu tư gần 40 tỉ đồng chuyển đổi được 400 xe lam cho các xã viên hợp tác xã vận tải hành khách công cộng, trong đó các xã viên nghèo được mua trả góp. Đầu năm 2002, Phương Trinh là công ty TNHH đầu tiên tham gia vận tải hành khách công cộng với sự ra đời tuyến xe buýt mẫu (mã số tuyến 38) với vốn đầu tư ban đầu 8 tỉ đồng, và chương trình xe buýt là chiến lược trọng tâm của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Phan Thị Lệ, Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần SXKD vật phẩm văn hóa Phương Nam: Bán sách, thưởng phim Từ một nhân viên Thành đoàn, chuyển qua làm kế toán tổng hợp, rồi kế toán trưởng Công ty Văn hóa Tổng hợp quận 11, đến năm 1992 chị Phan Thị Lệ được giao nhiệm vụ Giám đốc công ty trong điều kiện rất khó khăn vì các đơn vị chủ lực của Công ty đều chuyển giao về quận, thành phố. Hoạt động Công ty lúc đó chủ yếu là phát hành sách và văn hóa phẩm cũng gặp nhiều trở ngại do có nhiều nhà sách quy mô lớn trong thành phố. Tự nghiên cứu lĩnh vực điện ảnh, chị Lệ cùng Ban Giám đốc quyết định thành lập Xí nghiệp In và Trung tâm sản xuất phát hành băng nhạc sau này phát triển thành Hãng phim Phương Nam. Bốn mảng hoạt động chính của Công ty phát triển đều đặn: 9 nhà sách quy mô tại TP HCM và các tỉnh thành như Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng. Liên kết xuất bản là hoạt động có vai trò hỗ trợ cho hoạt động phát hành sách. Đáng chú ý là qua hoạt động liên kết xuất bản, Công ty đã hình thành những tủ sách có giá trị hướng nghiệp, giáo dục. Với việc thành lập Xí nghiệp SX Văn hóa phẩm, nhiều loại văn hóa phẩm mang nhãn hiệu Phương Nam được đưa ra thị trường. Hãng phim Phương Nam đã đoạt được nhiều giải thưởng phim truyện, phim tài liệu và phim thiếu nhi.

Lê Hồng Phương, Tổng GĐ Cty CP Đầu tư phát triển Công nghệ ROBO: Gắn vào PC một thương hiệu Việt Học sư phạm nhưng không theo nghề giáo, năm 23 tuổi Lê Hồng Phương lại say mê lĩnh vực tin học, nên một mình từ Tiền Giang lên TP HCM học thiết kế vi tính, sau đó làm việc cho các cơ sở tạo mẫu. Thời gian còn lại, anh Phương đến hướng dẫn học viên tại các trung tâm tin học và buổi tối học thêm ở Khoa Tin học Đại học Mở Bán công TP HCM. Mới học năm đầu, Phương đã có ý tưởng mở trung tâm dạy và cho thuê máy vi tính, được 4 người bạn ủnh hộ, mỗi người góp một máy để trung tâm ra đời. Vì không có kinh nghiệm quản lý nên hoạt động trung tâm thất bại. Không nản,anh lại tiếp tục mượn vốn để mở cửa hàng kinh doanh máy vi tính. Thấy kinh doanh cũng là mua đi bán lại, anh Phương nghĩ đến việc lắp ráp máy vi ính thương hiệu Việt Nam. Năm 2000, 5 dòng sản phẩm máy PC của Công ty ROBO ra đời. Năm 2001-2002, Công ty có thêm các loại máy tính xách tay. Đầu tháng 9/2002, Công ty đã lắp ráp thành công loại máy tính tích hợp CPU vào màn hình tinh thể lỏng và cho ra đời sản phẩm mới Robo LCD PC.

Đinh Thị Phương Phi, Phó GĐ kinh doanh Cty Dệt may Thế Hòa: Đầu tư nắm vào ưu thế cạnh tranh Quá trình lập nghiệp của chị gắn liền với từng giai đoạn phát triển của Công ty dệt may Thế Hòa. Với vai trò giám đốc kinh doanh, chị cùng Ban Giám đốc liên tục đưa ra những chiến lược sản phẩm, thị trường để từ đó đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển hoạt động của Công ty. Hàng loạt vải may mặc đa dạng về mẫu mã, màu sắc như gấm cắt, voan ép, tuyết, voan giấy, vải co giãn cho nữ, áo sơ mi.. được người tiêu dùng tín nhiệm. Sản phẩm Thế Hòa không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang Nhật, Đức, Mỹ, trung Quốc, Hàn Quốc và đang chuẩn bị thâm nhập thị trường Bắc Mỹ, Đông Âu. Trước thị trường hàng may mặc biến động nhiều, lại phải cạnh tranh gay gắt với hàng sản xuất trong nước và cả hàng nhập từ Trung Quốc, Công ty đã chuyển hướng đầu tư thêm những mặt hàng có ưu thế cạnh tranh hơn như: vải tráng nhựa dùng làm dù, bạt, ghế ngoài trời, xuất khẩu 100% sang châu Á và châu Âu.

Nguyễn Hoàng Ngân, Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật, sản xuất và đầu tư Cty Nhựa Bình Minh: Nhựa mềm, lượng cứng Cả 3 mảng: Kỹ thuật, sản xuất, đầu tư mà anh Nguyễn Hoàng Ngân được phân công phụ trách đều mang tính quyết định đến cơ cầu và chất lượng sản phẩm của Công ty Nhựa Bình Minh. Với trách nhiệm Trưởng Ban đầu tư và xây dựng, anh đã tổ chức hoạch định, thực hiện các dự án lớn của Công ty. Được phân công là đại diện lãnh đạo về chất lượng, anh cùng đọi ngũ cán bộ tổ chức áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn chất lượng ISO. Ngoài nhiệm vụ chính, anh còn được phân công là Chủ tịch Hội đồng bảo hộ lao động, Chủ tịch Hội đồng sáng kiến của Công ty và tham gia vào các hoạt động về sở hữu công nghiệp. trong năm 2001, anh tham gia vào dự án cấp bộ về quy hoạch ngành, là chủ nhiệm dự án nhánh, thành viên Ban dự án quy hoạch chiến lược phát triển ngành nhựa VN đến năm 2010. Cũng trong năm 2001, anh tham gia Tiểu ban Kỹ thuật do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, soát xét bộ tiêu chuẩn quốc gia về ống nhựa.

Trần Thị Hồng Vân, Giám đốc DNTN sản xuất Gạch bông Thanh Bình: Rửa xe, làm gạch – Cúp vàng Năm 1984, vừa tốt nghiệp PTTH, Hồng Vân lập gia đình, phụ giúp nhà chồng ở cơ sở thuộc da. Chẳng bao lâu, cơ sở gia đình phải nhưng sản xuất vì không cạnh tranh nổi trên thị trường. Vân chuyển qua kinh doanh nhỏ, bán hàng tiêu dùng nhưng chẳng thấy khá lên được, nên thôi không buôn bán nữa và mở điểm dịch vụ rửa xe. Khoảng năm 1990, các công trình xây dựng mọc lên ngày càng nhiều, ngành sản xuất vật liệu xây dựng cũng phát triển theo. Sau vài lần bàn bạc, tham khảo ý kiến cha chồng đang làm về xây dựng, Vân quyết định mở cơ sở sản xuất gạch bông, trút hết vốn liếng và vay mượn thêm để mua hai máy làm gạch, còn xi măng thì làm đến đâu mua đến đó, còn về kỹ thuật phải nhờ một thợ cả có kinh nghiệm, làm việc lâu năm trong một nhà máy sản xuất gạch bông có tiếng về giúp đỡ. Gạch bông Thanh Bình dần dần được nhiều người biết đến, tín nhiệm và giới thiệu nhau sử dụng. Vân thêm tự tin, tiếp thị đến các công trình xây dựng lớn như trường học, nhà hàng, khách sạn, bệnh viện. Công việc làm ăn khấm khá, nhà xưởng được di chuyển ra xã Bình Trị Đông (huyện Bình Chánh), mở rộng hơn 2.000 m2, đầu tư thêm nhiều máy móc, xe tải vận chuyển hàng. Việc thiết kế mẫu được Vân chú ý hơn, cho ra nhiều mẫu mã đẹp, mới lạ cho công trình cao cấp, và những mẫu vui mắt để sử dụng cho trường mẫu giáo, nhà trẻ. Liên tục 5-6 năm qua, Gạch bông Thanh Bình luôn tăng sản lượng bình quân 30-40% /năm. Năm 2001, Hồng Vân được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên VN trao tặng Cúp vàng doanh nghiệp trẻ xuất sắc.

NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ