Lợi ích và rủi ro khi đầu tư vào Giấy Sài Gòn

Lợi ích và rủi ro khi đầu tư vào Giấy Sài Gòn

31.01.2024

Ngành giấy Việt Nam đang đứng trước những thách thức rất lớn, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập WTO, nhưng cũng có nhiều cơ hội phát triển do nhu cầu tiêu thụ tiếp tục tăng cao trong những năm tới. Công ty cổ phần giấy Sài Gòn là một điển hình trong việc tăng sức cạnh tranh với giấy nhập khẩu.

Theo Hiệp hội giấy Việt Nam, hiện nay, cả nước có 300 doanh nghiệp sản xuất giấy với quy mô khác nhau, gồm: 7 doanh nghiệp thuộc Tổng công ty giấy Việt Nam, 6 doanh nghiệp Nhà nước thuộc Hà Nội, Thanh Hoá, Nghệ An, Huế, Bình Dương, Long An, còn lại là các công ty cổ phần, công ty TNHH, các hợp tác xã và doanh nghiệp tư nhân.

Khởi công nhà máy Giấy Sài Gòn tháng 4/2004
Có nên đầu tư vào Giấy Sài Gòn?
Ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần giấy Sài Gòn cho biết, đầu qúy 4/2006, công ty sẽ bán đấu giá cổ phần ra công chúng để tiến hành niêm yết cổ phiếu tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM. Một số nhà đầu tư nhận định, sau thành công của Công ty cổ phần giấy Hải Phòng (Hapaco) thì đợt đấu giá cổ phiếu của Giấy Sài Gòn chắc chắn sẽ được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Vậy nhà đầu tư sẽ có những lợi ích và rủi ro nào khi mua cổ phiếu của Giấy Sài Gòn?

Công ty cổ phần giấy Sài Gòn, tiền thân là Công ty TNHH Giấy Sài Gòn phát triển từ một cơ sở sản xuất giấy carton phục vụ cho ngành bao bì, hoạt động từ những năm 90 và Công ty giấy Sài Gòn được chính thức thành lập năm 1998.

Hiện công ty có Nhà máy giấy Phạm Văn Chiêu Q.Gò Vấp Tp.HCM và Nhà máy giấy Mỹ Xuân ở KCN Mỹ Xuân A, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, Chi nhánh Hà Nội và Tổng kho Công ty cổ phiếu giấy Sài Gòn ở phường An Phú Đông, Q.12, Tp.HCM. Vốn điều lệ của công ty tại thời điểm cuối năm 2005 là 63,51 tỷ đồng.
Hầu hết các thành viên trong đội ngũ quản lý của Công ty đều là những người có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác làm quản lý hoặc trong chuyên môn ngành sản xuất giấy, các trưởng bộ phận có chuyên môn trong các lĩnh vực tài chính, thương mại, nhân sự, xuất nhập khẩu, kỹ thuật công nghệ. Hiện công ty có 850 nhân viên trong đó khối gián tiếp là 200 người và công nhân trực tiếp là 650 công nhân làm việc theo 3 ca. Công ty Giấy SG là một trong số các doanh nghiệp thành công trong Hội doanh nghiệp trẻ Tp.HCM với nhiều thành tích: năm 2006, cùng lúc đoạt 3 danh hiệu thương hiệu mạnh Việt Nam do bạn đọc Thời báo Kinh tế Việt Nam, báo Sài Gòn Tiếp Thị và VCCI bình chọn, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và UBND Tp.HCM, danh hiệu Sao đỏ năm 2003, danh hiệu Doanh nghiệp trẻ xuất sắc Tp.HCM, danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2002, 2003, 2004, 2005, Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt năm 2003, 2004, 2005 và Giải Top 100 thương hiệu mạnh Việt Nam.
Ngoài ra, sản phẩm và quy trình quản lý chất lượng sản phẩm của Công ty giấy Sài Gòn cũng được tổ chức DET NORKSE VERITAS – Singapore cấp chứng chỉ ISO-9001 phiên bản 2000 vào năm 2002.
Có thể gặp phải những rủi ro?

Hiện công ty có 07 dây chuyền sản xuất giấy công nghiệp tại Nhà máy Phạm Văn Chiêu với công suất 20.000 tấn/năm. Công ty đã đầu tư rất đồng bộ, thiết bị hiện đại xây dựng Nhà máy giấy Mỹ Xuân (tổng vốn đầu tư 390 tỷ đồng) với công suất 200 tấn giấy carton/ngày và 60 tấn giấy tissue/ngày, cả hai sản phẩm đều dùng giấy vụn để tái chế sản xuất ra giấy thành phẩm, thay thế hàng nhập khẩu.
Toàn bộ thiết bị sản xuất của Nhà máy Mỹ Xuân là nhập khẩu mới 100% với công nghệ của thiết bị sản xuất vào loại tiên tiến nhất có thể được cho đến thời điểm hiện tại. Hai lợi thế cạnh tranh nữa của Giấy Sài Gòn là đã xây dựng được hệ thống phân phối, bán hàng năng động với quy mô toàn quốc, đầu tư XD hệ thống xử lý nước thải hiện đại (vốn đầu tư hơn 10 tỷ đồng), thu hồi, sử dụng lại 80% lượng nước đã xử lý và năm 2007 sẽ sử dụng khí đồng hành rẻ hơn nhiều nhiên liệu khác để sản xuất giấy.

Năm 2005, Giấy Sài Gòn tiêu thụ được 21.472 tấn giấy, đạt tổng doanh thu 155,26 tỷ đồng, trong đó riêng tiêu thụ giấy carton tăng 35,43%, giấy vệ sinh tăng 56,96% và khăn giấy tăng 165,12% so với năm trước. Năm 2006, do những dây chuyền mới đầu tư đi vào hoạt động nên dự kiến sản lượng giấy tiêu thụ sẽ tăng lên 36.100 tấn với tổng doanh thu tăng gần gấp đôi, lên 305,7 tỷ đồng.
Đối với ngành giấy tiêu dùng, mục tiêu năm 2006 công ty sẽ đạt 22-23% thị phần về giá trị .Trong đó, đầu tư phát triển 2 nhãn hàng mới với mục tiêu khai thác các chủng loại sản phẩm ngoài giấy vệ sinh, đặc biệt đầu tư vào nhãn hàng cao cấp cạnh tranh trực tiếp với nhãn hiệu PUPPLY.

Cuộc cạnh tranh của 300 doanh nghiệp trong ngành giấy ngày càng khốc liệt, nhất là cạnh tranh giữa giấy sản xuất trong nước và giấy nhập khẩu. Hiện ở Việt Nam đang thiếu bột giấy trầm trọng, giá bột giấy lại liên tục tăng trong gần 3 năm qua.

Năm 2005 và đầu năm 2006, giá bột giấy tiếp tục tăng, đạt mức 485-490 USD/tấn CIF cảng Việt Nam, L/C, A/S. Không chỉ giá nhập khẩu bột giấy tăng mà giá các loại nguyên liệu hóa chất cho sản xuất giấy, giá nhiên liệu, điện, cước vận tải… cũng tăng mạnh làm cho giá thành sản xuất giấy tăng trung bình khoảng 15% (Công ty giấy Sài Gòn phải nhập khẩu 30% nguyên liệu, 70% nguyên liệu là giấy phế trong nước).
Đầu năm 2006, thuế nhập khẩu giấy từ các nước ASEAN đã giảm từ 20%-30% xuống còn 10%-15% và sẽ tiếp tục giảm còn 5%-10% trong năm nay. Điều này làm cho giấy nhập khẩu sẽ tràn vào Việt Nam với giá bán giảm, tăng sức cạnh tranh trực diện với giấy sản xuất trong nước. Ngành sản xuất giấy phải chi phí cao hơn nhiều ngành khác trong việc xử lý chất thải gây ô nhiễm môi trường và phải di dời những nhà máy ở nội đô ra ngoại thành. Đây cũng là một trong những rủi ro nhà đầu tư có thể sẽ gặp phải.

Hoàng Lộc
Theo Thời báo kinh tế Việt Nam