Cơ hội đầu tư dài hạn vào ngành giấy

Cơ hội đầu tư dài hạn vào ngành giấy

31.01.2024

Nhà máy giấy Mỹ Xuân của GSG chuyên sản xuất giấy công nghiệp và giấy tissue (giấy vệ sinh, khăn giấy) có công suất 93.000 tấn/năm được khởi công vào tháng 4/2004 trên diện tích hơn 50.000 m2, tổng vốn đầu tư 30 triệu USD với dây chuyền sản xuất hiện đại công nghệ châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc.

Khi được hỏi, vì sao GSG lại tăng mạnh đầu tư vào sản xuất giấy công nghiệp và giấy tissue, ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc Công ty giấy Sài Gòn cho biết, nhu cầu giấy công nghiệp và giấy tissue của Việt Nam tăng trưởng rất nhanh, khoảng 20%/năm, trong khi khả năng cung ứng trong nước lại hạn chế (Việt Nam phải nhập khẩu 667.000 tấn giấy công nghiệp năm 2006).

Để đáp ứng nhu cầu đó, GSG – công ty hàng đầu về giấy công nghiệp và giấy tissue tại Việt Nam đã đầu tư và đưa vào hoạt động Nhà máy GSG miền Trung vào tháng 8/2006, đồng thời đang triển khai xây dựng Nhà máy giấy Mỹ Xuân 2 và Nhà máy GSG miền Bắc với tổng công suất 300.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư trên 100 triệu USD.

Dự kiến giữa năm 2008 và đầu năm 2009, hai nhà máy mới đi vào hoạt động sẽ là một bước nhảy vọt của GSG. Khi chạy hết công suất, doanh thu GSG sẽ đạt trên 2.000 tỷ đồng/năm.

GSG có thương hiệu mạnh trên toàn quốc và trong khu vực, chất lượng sản phẩm tốt và phù hợp, hệ thống marketing, bán hàng, phân phối chuyên nghiệp nên công ty thường trong tình trạng không đủ hàng để giao cho khách. Doanh thu quý I/2007 của GSG đã tăng 90% so với cùng kỳ năm ngoái. Kế hoạch doanh thu và lợi nhuận của GSG năm 2007 đều tăng hơn gấp đôi so với năm 2006.

GSG là công ty tiên phong xuất khẩu giấy công nghiệp với sản lượng lớn nhất Việt Nam. Quý I/2007, sản lượng xuất khẩu của GSG đạt trên 3.000 tấn, tương đương 1 triệu USD. Kế hoạch năm nay, kim ngạch xuất khẩu giấy công nghiệp của GSG đạt 5 triệu USD.

Theo Quyết định số 07/2007/QĐ-BCN ban hành ngày 30/1/2007 về quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, ngành giấy sẽ tập trung phát triển vùng nguyên liệu giấy nhằm đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu sản xuất, hạn chế rủi ro trong việc nhập khẩu bột giấy (năm 2006, Việt Nam phải nhập 130.000 tấn bột giấy với giá tăng 10-20% so với năm trước).

Theo quy hoạch, đến năm 2010, trồng 470.000 ha rừng nguYên liệu giấy, sản xuất 600.000 tấn bột giấy và 1,38 triệu tấn giấy, năm 2020 trồng thêm 907.000 ha rừng nguYên liệu giấy, sản xuất 1,8 triệu tấn bột giấy và 3,6 triệu tấn giấy, đáp ứng 70% nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm giấy trong nước.

Hiện đã có một số dự án sản xuất bột giấy lớn đang được triển khai như: Nhà máy Giấy và Bột giấy Thanh Hóa, công suất 50.000 tấn bột và 60.000 tấn giấy/năm, Nhà máy Bột giấy Phương Nam (Long An) 100.000 tấn giấy/năm, Nhà máy Bột giấy An Hòa (Tuyên Quang) 130.000 tấn bột/năm, dự án mở rộng Nhà máy Giấy Bãi Bằng giai đoạn 2, công suất 250.000 tấn/năm. Những nhà máy này sẽ đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu bột giấy cho nhiều doanh nghiệp sản xuất giấy trong nước, hạn chế dần bột giấy nhập khẩu, tăng khả năng cạnh tranh của ngành giấy Việt Nam.

Theo Hiệp hội Giấy Việt Nam, ngành giấy đã có tốc độ tăng trưởng cao và liên tục trong những năm vừa qua, 3 năm gần đây, 2004, 2005 và 2006, tốc độ tăng trưởng là 20%/năm, 5 năm tiếp theo, tốc độ tăng trưởng dự báo là 28%/năm. Định suất tiêu thụ giấy trên đầu người của Việt Nam cũng tăng từ 7,7 kg/người/năm trong năm 2000 lên 11,4 kg/người trong năm 2002 và khoảng 14 kg/người/năm trong năm 2005.

Tuy nhiên, mức bình quân tiêu thụ giấy trên đầu người của Việt Nam vẫn còn rất thấp và cách xa các nước trong khu vực. Theo số liệu của tạp chí chuyên ngành giấy, năm 2004, mức tiêu thụ giấy (kg/người/năm) bình quân của Thái Lan là 31, Indonesia 19,4, Malaysia 80,9 kg.

Đặc biệt với mặt hàng giấy vệ sinh, tốc độ tăng nhu cầu tiêu dùng sẽ rất cao do thu nhập tăng, mặt bằng dân trí tăng, sự hỗ trợ phát triển của các tổ chức phi chính phủ trong việc giáo dục vệ sinh.