Ông Cao Tiến Vị – CTHĐQT Cty Cổ phần Giấy Sài Gòn
Ông Cao Tiến Vị – CTHĐQT Cty Cổ phần Giấy Sài Gòn
31.01.2024
Với tôi, mỗi lần đột phá là một lần khởi nghiệp lại
Có một người đàn ông vốn không có định đầu tư vào ngành giấy nhưng lại khiến mọi người sửng sốt khi chính anh là tác giả của thương hiệu giấy hàng đầu Việt Nam – Sài Gòn paper. 42 tuổi, Sao đỏ Cao Tiến Vị đang nung nấu khát vọng đưa thương hiệu Giấy Sài Gòn vươn ra biển lớn. Với anh, kinh doanh là một hành trình vượt dốc liên tục. Để chiến thắng, điều quan trọng nhất là vượt lên giới hạn của chính mình và luôn nhìn về phía trước để chinh phục những thử thách mới.
Dáng người tầm thước, chất giọng trầm ấm, anh lôi cuốn người đối diện bởi cách nói chuyệnđiềm đạm và những triết lý sâu sắc mà anh đúc kết từ hơn 20 năm bôn ba trên thương trường. Mở đầu câu chuyện với Doanh nhân, anh kể về 10 năm trước, khi bắt đầu khởi nghiệp: ban đầu Giấy Sài Gòn chỉ là một cơ sở sản xuất giấy với 1 máy xeo giấy và 20 công nhân. Thị trường giấy lúc ấy thực sự là một vùng trời mênh mông nhưng lập nghiệp bao giờ cũng nhiều khó khăn. Cũng may, trời không phụ sự cần cù, chịu thương chịu khó, chịu học và “chịu” đầu tư nên qua mỗi năm tốc độ phát triển của Giấy Sài Gòn tăng nhanh chóng, từ 100%/năm lên đến 200% rồi 300%/năm. Cho đến nay, Giấy Sài Gòn đã trở thành công ty có tốc độ phát triển nhanh nhất Việt Nam với tổng vốn đầu tư lến đến 500 tỷ đồng. Đồng thời cũng là cty đầu tiên xuất khẩu khối lượng lớn giấy công nghiệp ra thị trường nước ngoài. Hiện tại, sản phẩm giấy Sài Gòn rất đa dạng, gồm có 2 nhóm sản phẩm chính là giấy công nghiệp (giấy Duplex, giấy Test liner, giấy Medium) và giấy tiêu dùng (giấy cuộn vệ sinh, khăn hộp, khăn tay, khăn ăn, khăn giấy các loại, và ly giấy).
Nhìn vào sự thành công nổi trội của Giấy Sài Gòn, câu hỏi chung của nhiều người là anh đã làm điều đó như thế nào?
Một sản phẩm được người tiêu dùng chấp nhận trước hết phải là một sản phẩm chất lượng tốt. Giấy Sài Gòn cũng không là một ngoại lệ. Bên cạnh đó, chúng tôi đã thành công nhờ vào việc xây dựng được một hệ thống phân phối chuyên nghiệp, hiệu quả bậc nhất trong ngành giấy. Ngoài kênh phân phối chính thông qua hơn 100 nhà phân phối truyền thống, các siêu thị lớn.
Tôi chẳng có bí quyết gì to tát. Trong cuộc sống và công việc tôi chỉ luôn cố gắng hành xử theo lời các cụ ta từ xưa đã dạy: ‘Biết người biết ta trăm trận trăm thắng’. Và có lẽ, tâm niệm sống bằng sự chân tình, hài hoà, làm sao để mọi người đều thắng đã giúp tôi có nhiều bạn bè, đối tác tin cậy và những đồng nghiệp gắn bó bền chặt với mình.
Trong khi các DN đang lo lắng cho hiện tượng chảy máu chất xám của DN mình thì Cao Tiến Vị lại có thể thu hút rất nhiều GĐ điều hành của các tập đoàn nước ngoài kể cả các chuyên gia kỹ thuật người nước ngoài về đầu quân cho DN mình. Anh có bí quyết gì mà “đắc nhân tâm” đến vậy?
Giấy Sài gòn hiện có rất nhiều vị GĐ, trưởng, phó phòng đã từng giữ vị trí trọng trách tại nhiều tập đoàn lớn của các quốc gia. Việc họ “chịu” về làm việc với tôi chứng tỏ rằng mức thu nhập chưa phải là điều tạo nên sự hấp dẫn của một công việc mà điều quan trọng số một là môi trường làm việc tốt. Họ đã nhận ra mình được trân trọng, có đất dụng võ, có điều kiện học hỏi, phát huy khả năng và có cơ hội thăng tiến khi làm việc ở Giấy Sài Gòn. Tôi hiểu điều đó và đang ngày càng cố gắng xây dựng văn hoá DN ngày một hoàn thiện hơn. Điều đó thể hi&#
7879;n trước hết qua việc chăm lo chu đáo cho đời sống của CBCNV. Chẳng hạn, công ty đã đầu tư xây dựng khu chung cư dành cho người lao động tại Khu Công nghiệp Mỹ Xuân A Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ngay bên cạnh khu Nhà máy để cho CBCNV ổn định chỗ ở, an tâm làm việc. Khu chung cư đã đi vào giai đoạn hoàn chỉnh và nghiệm thu với đầy đủ tiện nghi, có xây dựng khu nhà giữ trẻ, khu y tế… để tạo môi trường sống thuận lợi cho công nhân viên. Cty ưu tiên hoá giá bán cho CBCNV có thu nhập thấp, có quá trình công tác tốt để ổn định cuộc sống và làm việc lâu dài cùng Công ty.
Trong thời buổi hội nhập, anh cho rằng đâu là văn hoá chuẩn của một doanh nhân, doanh nghiệp
Tôi rất tâm đắc với đề tài này và từ lâu tôi cũng có những suy nghiệm từ chính công việc và thực tế xã hội. Tôi cho rằng các khái niệm văn hoá Doanh nhân, văn hoá doanh nghiệp có sự giao thoa và quan hệ phụ thuộc với văn hoá gia đình, văn hoá xã hội, văn hoá công sở… Bởi văn hoá DN chịu tác động từ các yếu tố này. Không thể có văn hoá doanh nhân, văn hoá doanh nghiệp tốt khi văn hoá của gia đình, xã hội chưa tốt. Một người có làm việc bằng thực lực, bằng cái tâm của mình hay không trước hết phụ thuộc vào nền tảng giáo dục hấp thụ được từ gia đình, nhà trường. Hiện nay, tôi thấy xã hội vẫn còn tồn tại hiện tượng người đi học thì đối phó với thi cử, người đi làm thì đối phó với công việc. Nếu không thay đổi được thói quen này thì văn hoá doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Về văn hoá chuẩn của một doanh nhân được xây dựng từ nhiều yếu tố: giữ uy tín, hành xử theo bản sắc riêng của dân tộc mình, cam kết trong công việc…. Đây là những điều hết sức bình thường, không có gì lớn lao nhưng giữ gìn được là đã thể hiện được văn hoá của mỗi doanh nhân, DN.
Thành công, tên tuổi và vật chất mà anh đạt được cũng đã đủ để dừng lại trên con đường kinh doanh đầy trắc trở. Nhưng dường như càng ngày Cao Tiến Vị lại càng nghĩ lớn và muốn làm những việc lớn hơn?
Nếu tự mãn, tôi có thể dừng lại mà không cần lao tâm khổ tứ nữa. Nhưng với một doanh nhân khi đã đạt được một số thành công nhất định thì của cải vật chất chỉ là phương tiện, công cụ để phát triển kinh doanh tốt hơn. Trong điều kiện xã hội hiện nay, chuyện cơm áo gạo tiền không còn quá khó khăn với mọi người nữa. Điều quan trọng hơn cả là mình được theo đuổi con đường đã chọn và cống hiến cho xã hội bằng một niềm đam mê, bằng khát vọng khẳng định bản thân. Càng thành công thì áp lực, trách nhiệm càng nặng nề. Vì thế, lúc nào cũng phải phấn đấu vươn lên, vượt qua cái bóng của chính mình để tiếp tục chinh phục những mục tiêu khác. Với tôi, mỗi bước đột phá là một lần khởi nghiệp lại để vươn lên một tầm cao mới. Bước đột phá nào cũng bao gồm những khó khăn, thách thức, rủi ro mới và thực tế cho thấy nhiều DN đã không thể tồn tại khi thực hiện những đột phá mới. Tôi đang chuẩn bị đưa giấy Sài Gòn vượt qua những buớc đột phá để thương hiệu Sài Gòn paper có thể trở thành thương hiệu khu vực trong vài năm tới.
Xã hội hiện nay có điều gì khiến anh trăn trở nhất?
Tôi đi nhiều và nhận thấy tính liên kết, sự cởi mở giữa nền kinh tế các vùng miền, các địa phương và giữa các DN của chúng ta còn rất yếu. Chẳng hạn, từ trong Nam ra Bắc làm ăn hay ngược lại đã cảm thấy rất khó khăn, trở ngại. Nhìn sang các nuớc khác, doanh nhân của họ có thể đi khắp xứ sở, bắt tay với cả trời Đông lẫn phương Tây, liên kết
tạo nên những tập đoàn lớn mạnh… Sự giao thương rộng rãi ấy giúp xã hội phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, sự riêng lẻ, cục bộ trong làm ăn của các DN nước mình là hệ quả tất yếu từ nền kinh tế nông nghiệp và chiến tranh kéo dài, sau đó là thời kì bao cấp. Vì thế, thay vì trách móc, chúng ta cần hiểu và khắc phục điều này càng sớm càng có lợi cho kinh tế đất nước. Với tốc độ phát triển kinh tế nhanh và có nhiều biến động như hiện nay, tôi nghĩ rằng chưa thể tiên liệu được các DN Việt Nam nói chung và ngành giấy nói riêng sẽ phát triển như thế nào. Vì thế, việc bắt tay liên kết với các DN trong và ngoài nước là điều phải tính tới trong chiến lược phát triển của các DN Việt Nam hiện nay.
Hơn 20 năm trải nghiệm thác ghềnh, anh cảm nhận thế nào giữa được và mất của đời doanh nhân?
Nói một cách nôm na thì trong 10 chuyện của doanh nhân thì chuyện vui chỉ có 2 còn chuyện bực mình tới 8. Để có 2 niềm vui thì phải trải qua 8 việc không thoải mái. Nhưng đứng trước trách nhiệm với đời sống của hơn 1300 công nhân và hơn 100 nhà phân phối cùng gia đình họ, đứng trước trách nhiệm giữ gìn và phát huy thương hiệu của DN thì nhiều khi sự cân đo giữa được và mất lại trở nên vô nghĩa. Công việc mang lại cho tôi nhiều niềm vui nhưng thực lòng, đã có đôi lần tôi cảm thấy cô đơn. Cô đơn vì không thể chia sẻ cùng ai những trăn trở, suy nghĩ vì đó là trách nhiệm của riêng mình, người đứng đầu DN. Tôi tin rằng trong đời doanh nhân ai cũng từng có cảm giác đó. Cũng có lí do khi đa số doanh nhân đều là những người sống nội tâm.
Những lúc căng thẳng, anh thường chiến thắng strees bằng cách nào?
Tôi thư giãn bằng những điều rất bình thường và giản dị. Có thể đó là một lần đưa đón con đi học, một điều bình thường với những ông bố khác nhưng lại vô cùng quý báu đối với người bận rộn như tôi. Hoặc là những lần chở cả gia đình đi nghỉ ở một vùng quê nào đó, được hít thở không khí trong lành, mắc võng nằm dưới một mái lá. Tất cả rất đơn sơ, mộc mạc nhưng tôi cảm thấy thoải mái và lấy lại sự cân bằng nhanh chóng. Niềm vui cuộc sống đôi khi lại bắt nguồn từ những điều đơn giản đó.
Một điều ước cho cho riêng mình, thưa anh?
Tôi mong sự bình an.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!
Theo báo doanh nhân(diễn đàn doanh nghiệp) Số 48 Kim Huệ (thực hiện)