Cơ hội phát triển ngành tái chế giấy và bao bì đã qua sử dụng

Cơ hội phát triển ngành tái chế giấy và bao bì đã qua sử dụng

31.01.2024

news_091211_tingiay.jpgKTĐT – “Tình hình tái chế giấy, bao bì giấy ở Việt Nam và thế giới, nhu cầu của thị trường trong nước về giấy tái chế, bài toán kinh tế, bài toán công nghệ cùng các vấn đề pháp lý liên quan đến tái chế giấy trong xuất nhập khẩu và môi trường”, đó là chủ đề chính được đại diện của 50 doanh nghiệp chuyên sản xuất và tái chế bao bì giấy trong nước thảo luận tại Hội thảo quốc tế “Tái chế bao bì giấy đã qua sử dụng” do Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam phối hợp với tập đoàn Tetra Pak tổ chức tại Hà Nội.


Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Ngọc Bảo, cho biết, nhu cầu giấy trong nước mỗi năm hiện cần tới hơn 1,8 triệu tấn giấy. Song, sản xuất trong nước mới chỉ cung cấp được 1,13 triệu tấn, còn lại là giấy nhập khẩu. Trong tổng số giấy sản xuất trong nước, có tới 70% là nguyên liệu từ nguồn giấy tái chế, nhưng hiện chỉ có 25% giấy đã qua sử dụng được thu hồi. Hơn nữa, lượng giấy đã qua sử dụng này cũng chỉ đáp ứng được 50% tổng lượng giấy phế liệu mà ngành công nghiệp giấy trong nước cần. Như vậy, hầu hết số giấy còn lại bị đem tiêu huỷ một cách lãng phí, trong lúc đó, Việt Nam phải dùng ngoại tệ để nhập khẩu một lượng giấy phế liệu, giấy tái chế khổng lồ từ nước ngoài để làm nguyên liệu sản xuất giấy. Vì vậy, cần có thêm nhiều nỗ lực từ các doanh nghiệp, Nhà nước và các cơ quan có liên quan để có thể xây dựng và phát triển ngành công nghiệp tái chế bao bì giấy Việt Nam.

Hiện nay, tỉ lệ thu hồi giấy đã qua sử dụng ở Việt Nam thuộc loại thấp nhất khu vực, chỉ đạt 25% so với Thái Lan là 65% (Theo báo cáo của Hiệp Hội giấy của các nước trong khu vực, năm 2007 hiệu suất thu hồi giấy tại Trung Quốc là 31%; Nhật Bản, 61,4%; Đài Loan, 88%; Hàn Quốc, 67%…). Nguồn giấy đã qua sử dụng chủ yếu được thu gom riêng lẻ chứ chưa có công ty chuyên doanh giấy thu hồi. Tỉ lệ giấy đã sử dụng thu hồi được so với tổng lượng giấy tiêu dùng ít thay đổi, chỉ ở mức 24-25% và tỉ lệ giấy thu hồi trong nước so với giấy thu hồi nhập khẩu hầu như không thay đổi từ 48% (1999) lên 50% (2007).

Giám đốc nhà máy giấy Duman Ganga, ông Tushar Shar cũng chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về công nghệ và bài toán kinh tế về tái chế bao bì giấy qua sử dụng như bao bì sữa, nước trái cây… tại Ấn Độ. Ông Tushar Shar cho biết đây có thể là một ngành công nghiệp mang lại lợi nhuận phù hợp cho doanh nghiệp.

“Từ góc độ môi trường, sử dụng bao bì giấy và tái chế bao bì giấy đã qua sử dụng còn góp phần đem lại nhiều lợi ích cho môi trường, giảm lượng phát thải khí CO2. Giấy có thể tái chế tới 6 lần trước khi chôn lấp hoặc đốt bỏ, nên lợi ích về tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường là rất to lớn”- Giám đốc Truyền thông & Môi trường Tetra Pak Việt Nam Trần Hạnh Dung nhận định.

Tập đoàn Tetra Pak cũng sẽ hỗ trợ bước đầu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc tái chế các vỏ hộp giấy nhằm mục tiêu phát triển kinh doanh và bảo vệ môi trường.
Thanh Tùng – Báo Kinh tế đô thị