Nhiều doanh nghiệp tính toán lại chi phí để giảm giá thành; nhà sản xuất, nhà bán lẻ cùng tiết giảm lợi nhuận, hạn chế tối đa mức tăng giá để tăng sức cạnh tranh
Sau Tết, tỉ giá USD tăng cao, lãi suất ngân hàng tiếp tục leo thang và sắp tới là giá điện tăng... Mặc dù những điều chỉnh về giá này đã được các cơ quan chức năng thông báo trước và thực hiện theo lộ trình nhưng cũng đang đẩy các doanh nghiệp (DN) vào thế khó. Đầu năm, hàng hóa bán chậm, lại phải đối mặt với áp lực tăng giá nên từ bây giờ, nhiều DN đã phải tính toán để “sống chung” với áp lực tăng giá.
Tiết kiệm, cơ cấu lại sản xuất
Ông Phạm Văn Thiện, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bibica, cho biết tỉ giá USD tăng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến Bibica (công ty nhập khẩu khoảng 20% nguyên liệu) mà còn tác động gián tiếp thông qua các DN cung ứng hàng.
Những nhà cung ứng này cũng sử dụng nguyên liệu nhập khẩu nên đã đề nghị tăng giá bán hàng cho Bibica lên khoảng 5% - 8%. Hiện Bibica đang đàm phán với các nhà cung ứng để giữ giá thêm một vài tháng nữa vì mỗi lần tăng giá là mỗi lần doanh thu bán hàng giảm hẳn. Tuy nhiên, nếu đầu tháng 3, giá điện tăng thì việc giữ giá sẽ rất khó. Chi phí điện chiếm khoảng 5% giá thành, cộng với các khoản tăng giá đầu vào nên Bibica sẽ rất “mệt mỏi”.
Theo ông Thiện, không phải mới đây mà từ mấy năm nay, để đối phó với những biến động của thị trường, Bibica liên tục thực hiện nhiều biện pháp quản lý sản xuất để tiết kiệm tối đa năng lượng, giảm chi phí. Trong đó, ưu tiên tập trung sản xuất trong giờ thấp điểm, hợp lý hóa dây chuyền sản xuất, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để giảm tiêu hao điện năng...
Tỉ giá, giá điện tăng sẽ ảnh hưởng mạnh đến các DN sản xuất thép.
Trong ảnh: Điều hành nhà máy sản xuất thép của Tổng Công ty Thép VN. Ảnh: C.T.V
Ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty TNHH TM-SX Thép Việt, than: Ngành thép đợt này “dính” quá nhiều bất lợi từ tỉ giá tăng cao, rồi sắp tới là giá điện, than, xăng dầu... có thể cũng tăng. Riêng chi phí điện đã chiếm hơn 8% giá thành sản xuất, do đó công ty phải bằng mọi giá tối ưu hóa chi phí sản xuất.
Công ty mạnh dạn đầu tư hơn 500 triệu USD nhập thiết bị hiện đại nhất, tiết kiệm tối đa lượng điện năng sử dụng... Để có được giá thành tốt nhất, đơn vị còn tổ chức đấu thầu nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế độc lập:
Thời điểmsàng lọc DN
Có thể nói, những rủi ro về nguyên liệu, tỉ giá, vốn đều đã được cảnh báo trước (điều chỉnh tỉ giá, tăng giá điện đều được thực hiện theo lộ trình) và bất cứ DN nào cũng phải trải qua. Đây là cơ hội để sàng lọc DN: những DN yếu kém, thâm dụng nguyên liệu, cách thức sản xuất lạc lậu, không đầu tư cho khâu gia tăng giá trị sản phẩm... nếu không tích cực thích ứng, chuyển đổi thì sẽ bị phá sản, sáp nhập. Ngược lại, những DN đầu tư tốt cho sản phẩm, có đủ lực và sức “chiến đấu” thì sẽ bứt lên. Đối với những DN đang gặp khó khăn, không còn cách nào khác là phải kiên quyết thay đổi ngay từ bây giờ thông qua việc mạnh dạn đổi mới thiết bị, giảm chi phí điện năng, cải tiến quy trình sản xuất...
T. Nhân ghi
Còn theo ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Hùng Vương, đối với ngành chế biến thủy sản thì chi phí điện chiếm rất lớn (mỗi tháng công ty phải chi đến 5 tỉ đồng).
Sắp tới, nếu giá điện tăng 18%, đơn vị sẽ phải gánh thêm khoảng 1 tỉ đồng nữa. Với những áp lực chi phí đầu vào tăng cao, buộc công ty phải thay đổi thiết bị sản xuất để tiết kiệm điện.
Ngoài ra, đơn vị cũng đang cố gắng đầu tư sản xuất từ A đến Z (từ khâu nuôi trồng thủy sản, chế biến thức ăn...) nhằm giảm giá thành 25%, đồng thời cơ cấu lại sản xuất, nâng giá trị gia tăng sản phẩm để có giá xuất khẩu cao hơn.
Giữ giá để bán hàng
Các DN cho biết dù có nhiều áp lực tăng giá từ đầu vào nhưng đầu ra thì phải tính toán thận trọng vì nếu tăng giá sản phẩm quá mức chịu đựng sẽ bị thị trường phản ứng.
Ông Cao Tiến Vị, Chủ tịch HĐQT Công ty Giấy Sài Gòn, cho biết: Trong sản xuất giấy, 50% nguyên liệu phải nhập khẩu, điện chiếm khoảng 10% giá thành. Nay tỉ giá tăng cao, sắp tới thêm giá điện tăng..., buộc lòng DN sẽ phải tính toán điều chỉnh giá bán. Còn hiện tại, công ty đang tập trung duy trì ổn định sản xuất, giữ vững thị phần và bảo đảm công ăn việc làm cho khoảng 1.300 lao động chứ chưa dám đặt mục tiêu lợi nhuận. Hy vọng trong 6 tháng cuối năm, Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho DN “dễ thở” hơn...
Một số nhà sản xuất, nhà bán lẻ chấp nhận phương án chia sẻ lợi nhuận, thậm chí không có lãi, để có mức giá tốt nhất nhằm tăng sức cạnh tranh. Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết hiện đã có một số nhà sản xuất, nhà cung cấp các mặt hàng may mặc, đồ dùng gia đình đòi tăng giá. Tuy nhiên, Co.opMart chưa chấp nhận mà sẽ đàm phán nhằm thuyết phục nhà cung cấp để có mức giá hợp lý nhất.