Hãy hỏi doanh nghiệp tư cần gì?
Thông tin thị trường
  • Tác giả:
  • 02-08-2011
  • Lượt xem: 19175
  • Chia sẻ:

Thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ mới sẽ tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Nhiều ý kiến cho rằng nội dung đột phá này nếu làm tốt sẽ tạo ra sức bật rất lớn cho nền kinh tế.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Ngọc Bảo, đại biểu Quốc hội khoá XIII, phó tổng giám đốc Công ty ống thép Việt - Đức, cho biết:

- Hiện tiếng nói, vai trò của khu vực tư nhân trước các cơ quan nhà nước còn rất thấp. Chủ trương tạo sự bình đẳng, quan tâm đúng mức đến khu vực tư nhân đã có từ rất lâu nhưng thực hiện hiệu quả chưa cao. Phải công nhận trong khu vực tư có nhiều đối tượng và không ít đối tượng không hoàn thành, thậm chí cố tình tránh thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước như thuế, trách nhiệm xã hội. Nhưng tổng thể hiệu quả khu vực tư vẫn cao.

Nên quan tâm đến kinh tế tư nhân cần cụ thể, phân theo ngành, vùng miền, lĩnh vực rồi có tiêu chí cụ thể để hỗ trợ. Nếu dàn trải thì đi kiểm tra, quản lý hỗ trợ rất phức tạp. Đặc biệt, khu vực tư đang chịu nhiều chi phí không tên, một trong những biện pháp hỗ trợ tốt nhất là Nhà nước làm sao giúp doanh nghiệp bớt được những tiêu cực phí tại cảng, trên đường, ở các cơ quan thuế, đăng ký kinh doanh...

"Doanh nghiệp nào không hiệu quả, dù quy mô, vai trò nào cũng nên tái cơ cấu. Nếu không làm nhanh chúng ta sẽ không có động lực phát triển cho tương lai"

Ông Nguyễn NGọc Bảo

* Theo ông, khu vực tư đang khó nhất điều gì?

- Nếu Nhà nước đã công nhận đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân đang ngày càng quan trọng thì theo tôi, có một cách hỗ trợ tốt, đơn giản nhưng thiết thực nữa là Nhà nước nên có cơ chế để thường xuyên hỏi doanh nghiệp tư chúng tôi cần gì, có khó khăn gì để tháo gỡ kịp thời. Chúng tôi là những người hoạt động trực tiếp, đôi khi khó khăn phải tự giải quyết. Hiện nay ít khi có ai hỏi chúng tôi khó cái gì, cần gì...

Tình hình hiện nay ai cũng biết là khó khăn. Đặc biệt, với doanh nghiệp là vấn đề tiếp cận vốn. Doanh nghiệp vừa và nhỏ càng khó khăn về tiếp cận vốn. Cái khó đang nằm ở thủ tục. Trong các chính sách của Chính phủ đều nói ưu tiên vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng cái ưu tiên đó phải có kế hoạch cụ thể để xuống được đến doanh nghiệp. Tôi không có trường hợp cụ thể nhưng thông tin cho rằng doanh nghiệp phải mất chi phí “hoa hồng” mới vay được vốn thì rất nhiều.

 * Trong giải pháp của Thủ tướng có nêu nhiều yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả. Nhưng như vậy sẽ phải tạo cơ chế loại thải tốt trong các cơ quan nhà nước để tạo đội ngũ đáp ứng yêu cầu mới?

- Đúng là giải pháp nào mấu chốt vẫn là yếu tố con người thực hiện. Những nhà hoạch định chính sách phải có tầm nhìn, trách nhiệm với xã hội. Quyền lợi của họ phải gắn với xã hội. Cán bộ thì phải có kiểm soát, giám sát và đánh giá. Cái này khu vực doanh nghiệp tư nhân đang làm tốt. Chúng ta phải đánh giá dựa trên kết quả công việc, và một người có thể tiếp tục công việc hay không phải được quyết định bằng đánh giá trên chứ không nên tạo sự ổn định, cố định.

* Uỷ ban Kinh tế cũng vừa đề xuất nên tạm dừng thành lập các tập đoàn nhà nước, quan điểm ông thế nào?

- Tạm dừng thành lập các tập đoàn, theo tôi, là ý kiến xác đáng vì các tập đoàn có trọng trách nhưng trong quá trình triển khai hiệu quả chưa rõ nét. Đến nay cũng chưa có báo cáo đánh giá cụ thể. Thành lập tập đoàn để tập trung tiềm lực, nhưng cũng phải xem lại cách quản lý các tập đoàn. Tập đoàn hay tổng công ty thì hiệu quả phải đặt lên hàng đầu chứ đừng cho rằng tập đoàn sẽ hiệu quả hơn tổng công ty. Tập đoàn phải phát huy thế mạnh mỗi công ty thành viên.

Thời gian qua chúng ta đã đầu tư nhiều thứ cho các tập đoàn nhưng các tập đoàn chiếm lĩnh thị trường thế giới thì chưa đạt. Hơn nữa, nhiều tập đoàn đang đầu tư khép kín, chủ yếu cho công ty con thực hiện các dự án của mình. Đây là điều không nên làm vì như thế không tạo được sức lan toả mạnh cho nền kinh tế.

* Lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước chỉ khoảng 10% trên vốn, theo ông, cần cải cách gì để nâng hiệu quả?

- Đã là doanh nghiệp thì phải tự cân đối, chịu trách nhiệm phát triển đồng vốn của mình. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước đang phải đứng mũi chịu sào bình ổn vĩ mô nên khó đánh giá. Nhưng tôi cho rằng cần minh bạch các nhiệm vụ đó, tránh việc họ cứ phải lấy chỗ nọ bù chỗ kia, mai này mới té ngửa ra là khó khăn, có nguy cơ vỡ nợ. Các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, khó khăn kéo dài, theo tôi, phải mạnh dạn cơ cấu lại, mạnh dạn cắt bỏ. Hiện nay còn nhiều doanh nghiệp không hiệu quả nhưng bộ này, ngành kia vẫn muốn giữ.

Hãy hỏi doanh nghiệp tư cần gì?
Ông Võ Quốc Thắng  - Ảnh: A.H.

Ông Võ Quốc Thắng (chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ VN):

Doanh nghiệp nào có lợi thế thì đầu tư

Theo tôi, không nên phân biệt doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân, mà chỉ nên phân biệt doanh nghiệp VN (hoặc doanh nghiệp trong nước) với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Khi thay đổi quan niệm này, Nhà nước chỉ cần đầu tư tập trung vào doanh nghiệp VN nào kinh doanh và vận hành có hiệu quả, có thể mang lại nguồn lợi cho đất nước, cho lợi ích quốc gia là được. Mà muốn vậy cần đặt nặng vai trò đầu tư vào nguồn lực con người vì khi có nguồn lực đủ tầm, đủ tâm và đủ trí thì muốn thay đổi hay phát triển đất nước theo mục tiêu nào, chúng ta đều có thể kỳ vọng sẽ làm được và đủ sức cạnh tranh với các quốc gia khác.

Tôi cũng cho rằng muốn đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững, cấp thiết Nhà nước và Chính phủ cần thay đổi, cải cách mạnh mẽ chính sách tiền lương cho cán bộ công nhân viên chức. Tiền lương của công nhân viên chức cần tương xứng với mặt bằng xã hội hiện tại. Đây cũng là giải pháp cốt lõi để thu hút được nhân tài phụng sự cho đất nước vì suy cho cùng, muốn làm hay thay đổi điều gì cũng phải phụ thuộc rất lớn vào con người.

Hãy hỏi doanh nghiệp tư cần gì?
Ông Cao Tiến Vị - Ảnh: T.V.N

Ông Cao Tiến Vị (chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM):

Cần coi trọng vai trò của doanh nghiệp tư nhân

VN là nước nguồn thu dựa vào xuất khẩu, phần lớn từ nông nghiệp, nông thôn nhưng thực tế việc đầu tư cho nó về công nghệ sinh học cũng như các lĩnh vực khác... hầu như chưa đủ, dẫn đến nông dân nghèo, quốc gia không khai thác được nguồn lực. Nếu hiện đại hoá, công nghiệp hoá thì VN chẳng có cơ sở nào “đua” lại các nước đã có nhiều lợi thế hơn.

Đây là thực tế chúng ta cần đối mặt. Trong khi khu vực tư nhân so với nhà nước - các thống kê đã chỉ ra rất rõ về hiệu suất, ảnh hưởng an sinh xã hội - nhưng vừa qua đã không được quan tâm đúng mực, đặc biệt trong các chiến lược phát triển những ngành công nghiệp chủ lực có thể làm thay đổi cục diện của nền kinh tế, mà thấy rõ nhất là ngành điện. Tôi cho rằng đã đến lúc hãy để nền kinh tế phát triển theo quy luật sẽ tốt hơn là có sự can thiệp không đúng và mang tính đặc quyền, đặc lợi.

Theo Tuổi Trẻ Online

# TAG
  • Chia sẻ:
0 bình luận Viết bình luận
tin liên quan
Tin mới nhất
THÔNG BÁO KẾT QUẢ CHƯƠNG TRÌNH "KHAI XUÂN PHÚ QUÝ – LÌ XÌ HẾT Ý 2024" 16-03-2024 | Tin Tức Công Ty

802 Lượt xem

0 bình luận

THÔNG BÁO VỀ QUYỀN RIÊNG TƯ 11-01-2024 | Điều khoản sử dụng

1316 Lượt xem

0 bình luận

tin nổi bật
THÔNG BÁO KẾT QUẢ CHƯƠNG TRÌNH "KHAI XUÂN PHÚ QUÝ – LÌ XÌ HẾT Ý 2024" 16-03-2024 | Tin Tức Công Ty

802 Lượt xem

0 bình luận

Thông báo kết quả trúng thưởng chương trình “Hái Lộc Đầu Xuân Năm 2022” 10-03-2022 | Tin Tức Công Ty

2902 Lượt xem

0 bình luận

THÔNG BÁO PHÁT HÀNH HOÁ ĐƠN 14-12-2021 | Tin Tức Công Ty

3343 Lượt xem

0 bình luận

tin được xem nhiều nhất
Ngành giấy tăng trưởng mạnh 07-11-2013 | Thông tin thị trường

68165 Lượt xem

0 bình luận

Nguyên liệu ngành giấy: Thiếu nhưng vẫn lãng phí 29-11-2010 | Thông tin thị trường

42499 Lượt xem

0 bình luận

Lựa chọn xanh vì cuộc sống tốt đẹp hơn. 24-11-2011 | Hoạt động công ty

31408 Lượt xem

0 bình luận

tin theo danh mục
TIN TỨC THEO NĂM