Doanh nghiệp thận trọng lên kế hoạch năm 2011
Thông tin thị trường
  • Tác giả:
  • 15-01-2011
  • Lượt xem: 11966
  • Chia sẻ:

Trước tình hình kinh tế vĩ mô có nhiều bất ổn, nhiều doanh nghiệp đã thận trọng hơn trong việc lên kế hoạch kinh doanh cho năm 2011.

Ám ảnh lạm phát và tỷ giá

Mức lạm phát năm 2010 lên tới 11,75% không những đã và đang làm cho đời sống của những người làm công ăn lương gặp vô vàn khốn khó mà còn gây ra rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp. Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (Garmex Sài Gòn), cho biết, để công nhân ổn định tư tưởng và yên tâm làm việc thì bắt buộc các doanh nghiệp phải gia tăng thu nhập cho họ.

Thế nhưng, việc phải tăng mức lương tối thiểu từ 980.000 đồng/tháng hiện nay (đối với khu vực TP.HCM và Hà Nội) lên mức 1.350.000 đồng/tháng từ đầu năm 2011 theo quy định của Nhà nước sẽ làm gia tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Mặc dù Garmex Sài Gòn của ông Hùng vẫn trả lương theo sản phẩm, nhưng khi tăng lương tối thiểu thì các chi phí kèm theo như phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, công đoàn phí,… sẽ phải tăng theo. Theo ông Hùng, đối với những ngành sử dụng nhiều lao động như may, da giày,… doanh nghiệp sẽ phải gia tăng chi phí đáng kể để giữ chân được lao động nhằm ổn định sản xuất.

Nhiều công ty may mặc cũng đã điều chỉnh tăng mức thu nhập của công nhân từ 20-30% trong năm qua nhưng dường như cũng chỉ mới đủ bù đắp phần nào các chi phí sinh hoạt đang ngày càng trở nên đắt đỏ.

Còn theo ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc Công ty Giấy Sài Gòn, giấy không phải là sản phẩm thiết yếu nên nhu cầu thị trường sẽ không thể tăng khi kinh tế không ổn định. Giấy Sài Gòn có tỷ lệ nhập khẩu nguyên phụ liệu gần 40%. Sẽ không có gì đáng lo nếu tỷ giá VND/USD ổn định. Thế nhưng những tháng qua tỷ giá như “con ngựa bất kham”, cộng với việc phải nhập khẩu máy móc cho nhà máy mới đã khiến Giấy Sài Gòn phải chi thêm tới 20 tỷ đồng, chỉ do biến động tỷ giá. Theo tính toán của ông Vị, phải mất tới 2-3 năm nữa công ty ông mới có thể bù đắp được con số này.

Nỗi lo của Giấy Sài Gòn dường như chưa thấm vào đâu so với những doanh nghiệp phải nhập khẩu gần như 100% nguyên liệu để sản xuất. Ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty Thép Việt than rằng, không thể tính toán chính xác điều gì nếu như tình trạng căng thẳng ngoại tệ như thời gian vừa qua vẫn tiếp diễn. Đây là câu chuyện thuộc về điều hành vĩ mô, vì vậy ông hy vọng Nhà nước sẽ sớm có giải pháp để bình ổn tỷ giá. Bởi, nếu không các doanh nghiệp ngành thép như của ông Thái sẽ buộc phải cắt giảm sản xuất để hạn chế rủi ro và tổn thất. Chưa kể, giá ngoại tệ tăng cao làm giá thành sản phẩm tăng, khiến cho sức cạnh tranh của sản phẩm thép sản xuất trong nước cũng giảm theo, tạo cơ hội cho thép nhập khẩu tràn vào. Khi nhu cầu tiêu thụ không tăng mà thị phần lại bị thu hẹp lại thì doanh nghiệp trong nước càng có nguy cơ bị thua lỗ nhiều hơn.

Chủ động… giảm

Khi tín hiệu hồi phục của kinh tế thế giới và Việt Nam chưa rõ nét, nhiều doanh nghiệp đã tỏ ra khá thận trọng khi đưa ra kế hoạch kinh doanh cho năm 2011. Chẳng hạn, Công ty Thép Việt chỉ đề ra kế hoạch kinh doanh bằng năm 2010 (tăng khoảng 12% so với năm 2009). Giải thích về điều này, ông Đỗ Duy Thái cho biết, do rất khó dự báo về tỷ giá nên dù kế hoạch kinh doanh của Thép Việt khá linh hoạt thì công ty ông vẫn không dám đưa ra mức tăng trưởng kinh doanh cao hơn năm 2010. Không những thế, Thép Việt còn phải chủ động cắt giảm các kế hoạch đầu tư, mở rộng sản xuất để hạn chế rủi ro.

Không quá thận trọng như Thép Việt nhưng Công ty Giấy Sài Gòn lại không dám đặt ra mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cho năm 2011, cho dù dự kiến doanh thu năm nay của công ty này sẽ đạt khoảng 1.200 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm 2010. Theo ông Vị, năm 2011 Giấy Sài Gòn sẽ đưa nhà máy mới vào hoạt động nên doanh thu ắt phải tăng cao hơn nhiều so với hiện nay. Tuy nhiên, khấu hao và chi phí tài chính đang là gánh nặng của doanh nghiệp này nên lợi nhuận sẽ khó tăng trưởng bằng mức tăng của doanh thu. “Lãi suất cao như hiện nay là điều khó khăn cho tất cả các doanh nghiệp sản xuất. Vì vậy, sẽ rất khó để doanh nghiệp đạt được lợi nhuận cao. Hiện công ty chỉ biết trông chờ và hy vọng vào việc Nhà nước sẽ có các giải pháp kéo lãi suất ngân hàng xuống thấp”, ông Vị nói. Chính do thị trường và môi trường kinh doanh biến động khó lường nên cả Thép Việt lẫn Giấy Sài Gòn đều có kế hoạch xem xét, điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh năm nay của mình sau tháng Sáu để theo sát diễn biến của thị trường. Còn những việc cần phải làm như cải tiến công tác quản trị, thực hành tiết kiệm để giảm chi phí sản xuất,… thì đều đã và đang được thực hiện quyết liệt.

Những ngành sử dụng nhiều lao động như may, da giày,… sẽ phải gia tăng chi phí đáng kể để giữ chân được lao động nhằm ổn định sản xuất

Không quá lo lắng về đầu ra bởi hợp đồng sản xuất cho năm 2011 đã được ký xong, nhưng Hội đồng quản trị Công ty Garmex Sài Gòn lại cho rằng, năm 2011 sẽ là một năm đầy thách thức đối với những công ty may lớn. Ông Lê Quang Hùng cho biết, hiện giá vải sợi đang tăng cao, các nhà cung cấp nguyên phụ liệu rất có khả năng trễ hạn hợp đồng hoặc cung cấp nguyên liệu không đồng nhất về chất lượng. Do vậy, công ty phải tìm mọi cách để hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất, chẳng hạn như xiết chặt các điều khoản của hợp đồng mua sắm nguyên phụ liệu; tính toán lúc nào sẽ vay vốn ngân hàng bằng tiền đồng hay tiền đô la Mỹ để có lợi nhất.

Một cách nữa mà doanh nghiệp sử dụng để đối phó với tình hình khó khăn hiện nay là chủ động cải thiện năng suất lao động. Garmex Sài Gòn cho biết, đơn vị này sẽ tiếp tục đẩy mạnh năng suất lao động, từ 17.000 – 20.000 USD/chuyền/tháng hiện nay lên 23.000 USD/chuyền/tháng, kế tiếp là tăng lên 25.000 USD/chuyền/tháng. Việc gia tăng năng suất sẽ làm cho chi phí cố định/sản phẩm của doanh nghiệp giảm đáng kể, đồng thời tăng thêm thu nhập cho công nhân, giúp ổn định lực lượng lao động. Ông Hùng tâm sự: “Quan trọng nhất đối với chúng tôi là giữ cho sản xuất ổn định, hạn chế tăng ca ngoài giờ…”.

Để ứng phó với những thay đổi của môi trường kinh doanh, mỗi một doanh nghiệp sẽ có những hướng đi của riêng mình. Trong khi chờ đợi các cơ quan Chính phủ triển khai những giải pháp quyết liệt nhằm thực thi nhiệm vụ trọng tâm của năm 2011 là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu ra trong Thông điệp đầu năm mới của mình, nhiều doanh nghiệp đã ý thức rõ ràng rằng, phải nỗ lực bằng chính sức mình, xây dựng một chiến lược nhất quán và chú trọng đến đội ngũ nhân lực để từng bước đạt được những mục tiêu kinh doanh đã đề ra. Phải tự cứu mình trước là phương châm mà các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang thực hiện vào lúc này.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, kế hoạch kinh doanh năm 2010 đã bị phá sản vì đầu năm 2010 họ khá lạc quan nên xây dựng kế hoạch với mức tăng trưởng cao so với năm 2009. Tuy nhiên, thực tế diễn biến khác xa với dự báo nên không thể hoàn thành kế hoạch năm. Vì vậy, hiện nay việc lập kế hoạch kinh doanh năm 2011 cần phải thận trọng, với mục tiêu tăng trưởng vừa phải hoặc chỉ bằng mức của năm 2010.


Lê Yến

Theo dddn.com.vn

# TAG
  • Chia sẻ:
0 bình luận Viết bình luận
tin liên quan
Tin mới nhất
THÔNG BÁO KẾT QUẢ CHƯƠNG TRÌNH "KHAI XUÂN PHÚ QUÝ – LÌ XÌ HẾT Ý 2024" 16-03-2024 | Tin Tức Công Ty

809 Lượt xem

0 bình luận

THÔNG BÁO VỀ QUYỀN RIÊNG TƯ 11-01-2024 | Điều khoản sử dụng

1320 Lượt xem

0 bình luận

tin nổi bật
THÔNG BÁO KẾT QUẢ CHƯƠNG TRÌNH "KHAI XUÂN PHÚ QUÝ – LÌ XÌ HẾT Ý 2024" 16-03-2024 | Tin Tức Công Ty

809 Lượt xem

0 bình luận

Thông báo kết quả trúng thưởng chương trình “Hái Lộc Đầu Xuân Năm 2022” 10-03-2022 | Tin Tức Công Ty

2907 Lượt xem

0 bình luận

THÔNG BÁO PHÁT HÀNH HOÁ ĐƠN 14-12-2021 | Tin Tức Công Ty

3351 Lượt xem

0 bình luận

tin được xem nhiều nhất
Ngành giấy tăng trưởng mạnh 07-11-2013 | Thông tin thị trường

68206 Lượt xem

0 bình luận

Nguyên liệu ngành giấy: Thiếu nhưng vẫn lãng phí 29-11-2010 | Thông tin thị trường

42519 Lượt xem

0 bình luận

Lựa chọn xanh vì cuộc sống tốt đẹp hơn. 24-11-2011 | Hoạt động công ty

31416 Lượt xem

0 bình luận

tin theo danh mục
TIN TỨC THEO NĂM