Cao Tiến Vị và “người cùng thuyền” mới
Hoạt động công ty
  • Tác giả:
  • 09-05-2011
  • Lượt xem: 17643
  • Chia sẻ:

Một cổ đông là Quỹ đầu tư "đi theo" Giấy Sài Gòn từ năm 2007 đưa ra kết luận: "Ít thấy đại hội cổ đông nào mà biểu quyết 98% chấp thuận kế hoạch năm sẽ lỗ".

Kết luận trên của vị cổ đông tuy hóm hỉnh nhưng đầy tích cực. Trong 98% biểu quyết chấp thuận đó có 38% là của 2 đối tác từ Nhật vừa bỏ vốn vào Công ty Cổ phần Giấy Sài Gòn (SGP). Sau hơn 6 tháng tìm hiểu, khoản vốn đầu tư để sở hữu 38% cổ phần có thể coi là biểu hiện niềm tin của công ty giấy lớn thứ 3 và một trong những ngân hàng lớn nhất, lâu đời nhất của Nhật vào SGP. Với cách hiểu về ”đầu tư chiến lược” từ trước đến nay, như vậy đã là đủ. Nhưng câu chuyện chưa bao giờ chỉ dừng lại ở đó.

Mô hình đầu tư chiến lược đúng nghĩa

Cổ đông và các thành viên Hội đồng Quản trị đặt câu hỏi với những “người cùng thuyền” mới từ Nhật rằng vì sao đầu tư vào SGP và muốn đưa người sang làm việc? Nếu như tốc độ tăng trưởng hơn 10%/năm của thị trường giấy Việt Nam, năng lực của SGP hay cơ hội từ dự án mới của Công ty là câu trả lời cho lý do đầu tư của họ thì việc đưa người sang làm việc tại SGP mang tới cho các cổ đông những ấn tượng mới.

Sáu tháng tìm hiểu với sự hỗ trợ của Công ty Kiểm toán PwC và 5 đơn vị luật, thương vụ thành công với cái bắt tay của hai vị chủ tịch 2 tập đoàn giấy cùng ở độ tuổi 45. Cổ đông Nhật không chỉ hiểu sâu sắc về ngành giấy, họ còn hiểu và ủng hộ kế hoạch lỗ trong năm đầu tiên vận hành nhà máy trị giá hơn 2.000 tỉ đồng. Sự minh bạch và thấu hiểu mang lại giá trị của sự hợp tác chiến lược đúng nghĩa, hay nói cách khác là định nghĩa lại khái niệm “đầu tư chiến lược”.

“Đối tác Nhật khẳng định sẽ tham gia ở các vị trí hỗ trợ điều hành, vận hành máy móc, quản trị tài chính và marketing”, ông Cao Tiến Vị, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc SGP, chia sẻ. Trả lời cho câu hỏi “Vì sao lại là marketing, người Nhật đâu thể hiểu thị trường Việt Nam hơn người Việt Nam?” của một cổ đông, ông Yasushi Nishikawa, thành viên Hội đồng Quản trị Daio Paper, nói: “Chúng tôi không thể hiểu thị trường Việt Nam hơn các bạn, nhưng có một yếu tố quan trọng các bạn còn yếu là nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới (R&D). Người hỗ trợ mảng marketing từ Daio sẽ chỉ tập trung vào việc này”. Thực tế các sản phẩm cho người tiêu dùng Việt còn rất hạn chế, ngoài giấy cuộn vệ sinh và khăn giấy hộp, thị trường còn rất xa lạ với các sản phẩm khăn bếp, khăn tắm, khăn lau và càng chưa có trải nghiệm với sự biến hóa tính dai, xốp, mềm, mỏng, mịn của giấy, ông nói thêm.

Ngân hàng Phát triển Nhật (DBJ) tham gia vào “mối lương duyên” này dưới tên Quỹ đầu tư BridgeHead. Nếu Daio cam kết 4 người làm việc tại SGP cùng các chuyên gia từ Nhật sẽ hỗ trợ nhà máy mới, thì DBJ cam kết cử chuyên gia hỗ trợ về quản trị tài chính chiến lược, đặc biệt là quản trị chi phí.

Dù là nhà đầu tư tài chính, cùng với Daio, DBJ chưa hề nhắc tới yêu cầu phải niêm yết với SGP, điều mà hầu hết các nhà đầu tư chiến lược thường đặt ra như điều kiện tiên quyết cho doanh nghiệp. Trong Đại hội Cổ đông, Hội đồng Quản trị SGP cam kết sẽ chọn thời điểm tốt nhất để niêm yết và dự kiến là giai đoạn 2013-2014.

Năm 2003, ông Vị đã sang thăm nhà máy của Daio ở Nhật khi đi mua máy móc cho nhà máy Mỹ Xuân 1. Ông kể bản thân lúc đó không dám nghĩ có một ngày sẽ là đối tác của họ, mà lại là đối tác thực sự chìa ra bờ vai để cùng gánh vác sức nặng của 5 năm đầu tư nhà máy mới, sức nặng của khủng hoảng và các biến động thị trường. Đối tác chiến lược, theo ông phải là người cùng xắn tay áo, đổ mồ hôi và đồng cảm với mình.

Chưa phải thời điểm để thư giãn

Có thêm vốn để vận hành và đầu tư, thêm nhân lực và được hỗ trợ kỹ thuật công nghệ, nhiều người nói, đây là lúc ông Vị có thể yên tâm vì đã có người đỡ giúp gánh nặng doanh nghiệp. Nhưng ông không nghĩ như vậy.

Ông nói: “Quả thực tôi được thư giãn trong vài ngày nghỉ lễ vừa rồi nhưng để được thư giãn thực sự có lẽ phải 3-5 năm nữa. Khi đó cổ đông mới bổ sung nguồn vốn quan trọng để hoàn thiện dự án, nguồn nhân lực, kỹ thuật và quản trị ở trình độ cao hơn. Và đó lại là sự mở đầu cho những thách thức khác. Ngay từ ban đầu, chúng tôi đã hiểu đối tác Nhật rất kỹ. Họ làm việc với tinh thần rất cao, phương pháp hiệu quả. Một thách thức với đội ngũ SGP, hệ thống quản trị và văn hóa làm việc của người Việt Nam. Có thể sẽ mất 1-2 năm rất áp lực để thay đổi. Nhìn ra điều kiện bên ngoài thì khó khăn vẫn còn nguyên, lãi suất và lạm phát cao, môi trường kinh doanh thay đổi nhanh, người tiêu dùng ngày càng khó tính”.

14 năm theo nghiệp giấy, ông có thể rút ra những yếu tố quan trọng để một doanh nghiệp ngành giấy thành công?

Chúng tôi chưa thành công nên không thể chỉ ra yếu tố của thành công. Tuy nhiên, nếu muốn làm giấy và tồn tại được thì cần xác định sẽ đi đường dài, tìm nguyên liệu sản xuất, lựa chọn công nghệ, tổ chức phân phối và tuân thủ yêu cầu của môi trường.

Đầu tư ngành này thâm dụng vốn lớn nên phải kiểm soát chi phí chặt, thời gian thu hồi vốn lâu. Máy móc có nhiều loại, thời gian hiệu quả từ 15-30 năm nên khi mua cần dự trù công suất cho tối thiểu 5 năm. Trong quá trình hoạt động, nếu không tuân thủ yêu cầu của môi trường, không đầu tư đạt chuẩn ngay từ đầu thì sớm muộn cũng vấp phải. Khi đó chi phí để sửa chữa sai lầm rất lớn.

Bên cạnh đó, cũng cần suy nghĩ sớm tới hệ thống thu mua giấy nguyên liệu và tổ chức hệ thống phân phối. Đối tác Nhật ấn tượng với hệ thống thu mua giấy đã qua sử dụng và hệ thống phân phối phủ kín cả nước của SGP. Chúng tôi đã bắt đầu thu mua giấy từ khi thành lập năm 1997 và triển khai hệ thống phân phối từ đầu năm 2000. Ngoài ra, chính sách phát triển tại địa bàn đặt nhà máy và khả năng tối ưu hóa công tác kho vận cũng cần được cân nhắc ngay từ đầu.

Ông cho rằng SGP chưa thành công nhưng duy trì Công ty qua khủng hoảng và tìm được đối tác phù hợp, nhiều người nói ông là một doanh nhân giỏi?

Nhiều chuyên gia tư vấn nói rằng nếu so sánh với những doanh nhân có năng lực ở Việt Nam thì tôi không phải là người giỏi. Lý do là có nhiều ngành khác với cùng công sức và nguồn lực sẽ thu hồi vốn nhanh hơn, có lời cao hơn tôi không chọn, lại chọn ngành còn kém hấp dẫn hơn. Nhưng giấy tuy đơn giản nhưng có nhiều giá trị với cuộc sống và tuy là công ty tư nhân tham gia vào ngành công nghiệp khó, chúng tôi vẫn thấy việc mình làm có ý nghĩa, cần thiết với xã hội, với 1.500 người lao động của SGP và gia đình họ. Đối với chúng tôi, giấy đã là cái nghiệp, SGP luôn tập trung vào giấy và sẽ vẫn tập trung vào giấy để thành công.

Theo Nhịp cầu đầu tư

# TAG
  • Chia sẻ:
0 bình luận Viết bình luận
tin liên quan
Tin mới nhất
THÔNG BÁO KẾT QUẢ CHƯƠNG TRÌNH "KHAI XUÂN PHÚ QUÝ – LÌ XÌ HẾT Ý 2024" 16-03-2024 | Tin Tức Công Ty

880 Lượt xem

0 bình luận

THÔNG BÁO VỀ QUYỀN RIÊNG TƯ 11-01-2024 | Điều khoản sử dụng

1370 Lượt xem

0 bình luận

tin nổi bật
THÔNG BÁO KẾT QUẢ CHƯƠNG TRÌNH "KHAI XUÂN PHÚ QUÝ – LÌ XÌ HẾT Ý 2024" 16-03-2024 | Tin Tức Công Ty

880 Lượt xem

0 bình luận

Thông báo kết quả trúng thưởng chương trình “Hái Lộc Đầu Xuân Năm 2022” 10-03-2022 | Tin Tức Công Ty

2970 Lượt xem

0 bình luận

THÔNG BÁO PHÁT HÀNH HOÁ ĐƠN 14-12-2021 | Tin Tức Công Ty

3425 Lượt xem

0 bình luận

tin được xem nhiều nhất
Ngành giấy tăng trưởng mạnh 07-11-2013 | Thông tin thị trường

68562 Lượt xem

0 bình luận

Nguyên liệu ngành giấy: Thiếu nhưng vẫn lãng phí 29-11-2010 | Thông tin thị trường

42739 Lượt xem

0 bình luận

Lựa chọn xanh vì cuộc sống tốt đẹp hơn. 24-11-2011 | Hoạt động công ty

31654 Lượt xem

0 bình luận

tin theo danh mục
TIN TỨC THEO NĂM