if ($site_keyword) { $site_keyword = str_replace(" & "," & ",$site_keyword); $site_keyword = strip_tags($site_keyword); ?> } ?> if ($site_description) { $site_description = str_replace(" & "," & ",$site_description); $site_description = strip_tags($site_description); ?> } ?>
Cuối năm 2010, đang vào giai đoạn nước rút của dự án nhà máy mới tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng đầu tư trên 2.000 tỉ đồng, nhưng tỷ giá và lãi suất biến động khiến Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn phải mất thêm hơn 20 tỉ đồng so với kế hoạch ban đầu.
Nguyên nhân là do phần lớn máy móc thiết bị sử dụng cho nhà máy nhập khẩu từ nước ngoài, sử dụng ngoại tệ vay từ ngân hàng. Công ty này lo lắng, 20% các loại máy móc còn lại, theo kế hoạch, sẽ được nhập về trong năm sau có thể cũng sẽ đội thêm con số tương tự.
Trước đó, năm 2008, dự án xây dựng nhà máy mới của Giấy Sài Gòn đã phải tạm dừng gần một năm do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Trường hợp trên là một ví dụ khá tiêu biểu trong nét vẽ gam màu xám của bức tranh kinh tế năm 2010, một năm sản xuất kinh doanh không mấy thuận lợi đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam.
Chưa thể lạc quan
Ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc Giấy Sài Gòn, nói tiếp câu chuyện về dự án nhà máy mới ở Bà Rịa - Vũng Tàu: “Chúng tôi đang gắng hết sức để việc dừng dự án như năm 2008 không lặp lại. Sẽ là cùng lúc vừa phải gồng mình lên để có vốn hoàn tất dự án, vừa xoay xở để hoạt động kinh doanh đạt chỉ tiêu lợi nhuận mong muốn. Quả thật mướt mồ hôi”.
Bởi theo ông Vị, trong năm 2011, ít ra là trong quí 1, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đối đầu với bài toán tỷ giá và lãi suất. Vấn đề nằm ở chỗ, giá thành sản xuất cùng lúc chịu tác động kép từ lãi suất ngân hàng và tỷ giá. Một khi hai yếu tố này thay đổi liên tục trong khi giá bán lại không thể điều chỉnh theo thì điều nguy hiểm hơn là các kế hoạch trước đó có thể bị phá vỡ và doanh nghiệp phải vất vả cân đối giữa các ưu tiên, các chiến lược. “Riêng trong năm 2010, chúng tôi đã phải điều chỉnh kế hoạch hai lần.
Còn năm nay, việc lập kế hoạch đã bắt đầu từ tháng 9-2010 nhưng suốt ba tháng làm việc vẫn chưa mang lại kết quả hài lòng và có khả năng tiếp tục điều chỉnh. Lãi suất tăng quá nhanh nên khó có thể tự tin đặt chỉ tiêu lợi nhuận cao khi chúng tôi đang có những khoản nợ lớn phục vụ triển khai dự án và đưa vào hoạt động”, ông Vị chia sẻ.
Có chung quan điểm, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit, chuyên về các sản phẩm trái cây sấy khô, thẳng thắn: “Các ngân hàng Việt Nam đang đi chính sách ngắn hạn, giết doanh nghiệp. Lãi suất đột biến quá nhanh trong khi doanh nghiệp lại không thể điều chỉnh ngay”. Ông Viên kể, tính ra năm 2010 Vinamit đã có thể lãi to nhờ đánh giá đúng tình hình nguyên liệu, mua dự trữ từ tháng 3, tháng 4 khi vào chính vụ, giá rẻ bằng vốn tự có và vay ngân hàng.
Nhưng vì lãi suất ngân hàng tăng, giá bán không điều chỉnh nên cuối cùng lãi không bao nhiêu. “Như vậy, năm 2011 sẽ chịu tác động nặng nề từ những hệ lụy của năm 2010. Phải dùng dòng vốn nào đây, của ngân hàng hay vốn tự có? Dùng tiền ngân hàng thì quá nguy hiểm vì lãi suất như thế. Còn nếu dùng tiền tự có thì mất giá. Bán trái phiếu, chứng khoán thì mất công ty như chơi”, ông Viên nói.
Chưa hết, theo ông Viên, ngành chế biến nông sản như Vinamit còn phải lo nguyên liệu đầu vào, một nút thắt cổ chai khác của công ty này, dù dư năng lực sản xuất và có đầu ra ổn định. Thực tế thị trường nguyên liệu năm 2010 nổi lên câu chuyện: doanh nghiệp Việt Nam bị hớt tay trên, ngay trên sân nhà, bởi các thương nhân nước ngoài, nhất là Trung Quốc. Phương thức của họ là mua bằng mọi cách, thuê cò săn hàng và đẩy giá mua lên cao ngất ngưởng. Và năm 2011 có diễn ra tình trạng này nữa hay không và giá nguyên liệu sẽ tăng đến mức nào cũng là một mối lo của doanh nghiệp.
Cũng nói về thách thức từ nước ngoài, đại diện của Công ty Giấy Sài Gòn nhận định, năm 2011 Việt Nam sẽ hội nhập sâu hơn nữa vào WTO theo lộ trình cam kết. Đó là những cuộc chơi mang tính toàn cầu với những tổ chức lớn, nhiều chiêu bài, lắm kinh nghiệm làm ăn quốc tế. “Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam đều chưa tạo cho mình sức đề kháng cao đủ để chống lại những cuộc chơi có nhiều rủi ro như vậy. Và tổn thương là khó tránh khỏi”, ông Vị nói. Chưa hết, với mức dự trữ ngoại tệ quốc gia còn hạn chế, doanh nghiệp không được cung cấp đủ đô la Mỹ, euro… khi cần sẽ làm giảm sức cạnh tranh trong các mối quan hệ làm ăn quốc tế.
Trong mắt ông Trịnh Chí Cường, Tổng giám đốc Công ty Nhựa Đại Đồng Tiến, tình hình năm 2011 rất khó đoán. Trong nước, vẫn là sự khó tiên liệu của chính sách vĩ mô và doanh nghiệp đang đặt hy vọng vào sự điều chỉnh chính sách của nhà điều hành. Trong khi đó, kinh tế thế giới cũng chưa hết bất ổn, từ sự bấp bênh của cộng đồng sử dụng đồng euro, kinh tế Mỹ chưa khởi sắc trở lại, việc tái định hướng kinh tế của Trung Quốc trong cân đối kinh tế nội địa, rủi ro từ mâu thuẫn quân sự trên bán đảo Triều Tiên…
Tính chuyện
Ông Cường cho biết, năm 2011, dù kinh tế có tốt hay không Đại Đồng Tiến vẫn sẽ thực hiện kế hoạch đầu tư nhà máy mới theo kế hoạch phát triển dài hạn. Chiến lược của Đại Đồng Tiến là tăng sản lượng sản phẩm có chất lượng cao, tạo tiền đề cho mục tiêu xuất khẩu trong tương lai. Và để phục vụ cho dự án này, Đại Đồng Tiến đã có sự chuẩn bị khá đầy đủ về nguồn vốn, về con người…
Bên cạnh đó, sẽ là tìm thêm nhiều đối tác trong thương mại và sản xuất để tạo sự linh hoạt trong hệ thống sản xuất, kinh doanh của Đại Đồng Tiến; đẩy mạnh kênh phân phối theo chiều sâu hay nghiên cứu, tung ra những dòng sản phẩm mới mang lại lợi ích kinh tế nhiều hơn cho người tiêu dùng, phù hợp hơn với xu thế nền kinh tế còn nhiều biến động và lạm phát cao.
Tuy nhiên, ông Cường nhấn mạnh, nền tảng của mọi chiến lược ngắn hạn hay dài hạn vẫn là tối ưu hóa nguồn lực, làm sao quản trị hiệu quả các khoản đầu tư, sử dụng hợp lý vốn lưu động và chống lãng phí trong sản xuất, phân phối cũng như sử dụng nguồn lực con người một cách hiệu quả.
Theo ông Viên, thực tế của năm 2010 đã khiến Vinamit càng củng cố những chiến lược đã vạch ra và xúc tiến từ trước đó. Đó là chấp nhận tăng tính quy mô bằng cách hợp tác với đối tác dù biết chứa đựng nhiều rủi ro khác. Tiêu chí để chọn đối tác là phải cùng ngành nghề kinh doanh, có mục tiêu dài hơi, có vị trí tốt trên thị trường, ở tầm toàn cầu càng tốt. “Trong bối cảnh dùng vốn ngân hàng quá nguy hiểm vì lãi suất biến động mạnh, huy động vốn trên sàn chứng khoán lại lo bị thâu tóm thì cách tốt nhất là kiếm đối tác từ bên ngoài. Tất nhiên rủi ro trong cách làm này cũng rất lớn, như nguy cơ mất công ty. Nhưng dù gì, khi đó vẫn giữ được thương hiệu, còn phát triển”, ông Viên nêu quan điểm.
Và dù tính kế khác nhau nhưng liên quan đến các chính sách điều hành vĩ mô, các doanh nghiệp đều có chung mong muốn là nó phải mang tính dài hơi, ổn định, tránh những quyết định mang tính “giật cục” khiến doanh nghiệp cũng “giật mình”, trở tay không kịp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp mong muốn được đối xử công bằng, cạnh tranh sòng phẳng, lành mạnh. Khi đó, cơ quan quản lý đóng vai trò trọng tài và người giữ luật chơi chứ không phải người chơi, không chỉ tập trung quản trị, điều hành một vài doanh nghiệp, tập đoàn do nhà nước quản lý.
Minh Tâm
Theo www.thesaigontimes.vn
642 Views
0 comment
1151 Views
0 comment
642 Views
0 comment
2005 Views
0 comment
22376 Views
0 comment
16621 Views
0 comment