if ($site_keyword) { $site_keyword = str_replace(" & "," & ",$site_keyword); $site_keyword = strip_tags($site_keyword); ?> } ?> if ($site_description) { $site_description = str_replace(" & "," & ",$site_description); $site_description = strip_tags($site_description); ?> } ?>
Việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá và lãi suất ngân hàng trong thời gian qua đã tạo áp lực khá lớn lên hầu hết các doanh nghiệp (DN). Dư luận cũng cho rằng với những gì đang diễn ra, cộng với giá điện, xăng dầu dự kiến sẽ tăng, thị trường hàng hóa đã và đang hình thành mặt bằng giá mới, theo hướng tăng bình quân 5% - 15%. Vậy thực chất giá cả hàng hóa trong những ngày qua đang diễn biến theo hướng nào?
Giá các mặt hàng thực phẩm vẫn ổn định tại siêu thị Co.opMart Cống Quỳnh. Ảnh: CAO THĂNG
Chỉ 20/2.500 nhà cung cấp đề nghị tăng giá
Ngày 21-2, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Giám đốc siêu thị MaxiMark Cộng Hòa TPHCM, cho biết, sau kỳ nghỉ tết, lượng hàng cung ứng cho siêu thị vẫn rất dồi dào, sức mua đã và đang tăng trở lại. Đề cập đến giá hàng hóa, bà Thảo khẳng định giá bán của hơn 20.000 mặt hàng tại hệ thống MaxiMark vẫn rất ổn định, không có chuyện tăng giá hàng loạt. Theo đó, do biến động bởi tỷ giá, MaxiMark cũng mới chỉ nhận được công văn của 20 nhà cung cấp (trong tổng số hơn 2.500 nhà cung cấp) đề nghị tăng giá bán khoảng 10% trong thời gian tới. Các sản phẩm yêu cầu tăng giá chủ yếu rơi vào nhóm hàng nhập khẩu hoặc sử dụng nguyên vật liệu nhập khẩu.
Trên thực tế, đây mới chỉ là yêu cầu tăng giá đơn phương từ nhà cung cấp, siêu thị sẽ làm việc và xem xét trực tiếp. Nếu việc điều chỉnh giá là thỏa đáng thì mức giá mới sẽ được áp dụng sau 30 ngày (kể từ ngày ra thông báo của đối tác).
Trước mắt MarxiMark vẫn đang hoạch định nhiều chương trình khuyến mãi, vừa để kích cầu tiêu dùng vừa đẩy nhanh vòng quay của đồng vốn. Dự tính, trong dịp lễ 8-3 sắp tới, mỗi khách hàng nữ đến mua sắm tại MaxiMark sẽ được giảm giá 10% trực tiếp trên mỗi hóa đơn thanh toán.
Chiều cùng ngày, bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng giám đốc phụ trách trực tiếp khối mua hàng của Saigon Co.op cũng cho biết, giá bán tất cả các mặt hàng tại các Co.opMart vẫn ổn định. Mặc dù mở cửa kinh doanh ngay từ mùng 2 Tết nhưng đến nay Saigon Co.op vẫn chưa nhận được bất cứ văn bản nào đề nghị tăng giá từ phía các nhà cung cấp.
Theo phân tích của bà Hạnh Thu, việc điều chỉnh tỷ giá, lãi suất ngân hàng, dự kiến sắp tới Chính phủ sẽ điều chỉnh giá đối với một số mặt hàng thiết yếu khác chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN. Theo đó, hàng hóa sẽ khó tránh khỏi việc tăng giá bán. Tuy nhiên, thời điểm nào tăng và mức tăng bao nhiêu để không ảnh hưởng đến sức mua cũng sẽ được Saigon Co.op xem xét cụ thể, chi tiết.
Giá thực phẩm tươi sống ở chợ vẫn chênh lệch so với các siêu thị. Ảnh: CAO THĂNG
Tại các chợ đầu mối của TPHCM, lượng hàng nông sản nhập chợ trong những ngày qua tiếp tục tăng, giá cả ổn định. Nhưng tại các chợ bán lẻ, giá thực phẩm vẫn đứng ở mức khá cao. So với các siêu thị, giá bán nhiều mặt hàng thiết yếu đã và đang có khoảng cách khá lớn, điển hình là nhóm hàng tươi sống mức chênh lệch có thể dao động từ 2.000 - 5.000 đồng/kg tùy mặt hàng.
Nguyên nhân chính là do nhiều siêu thị đã triển khai việc ứng vốn và kết nối với các vùng nguyên liệu để có nguồn hàng ổn định. Trong khi đó, tiểu thương tại các chợ không thể làm chủ được lượng hàng cũng như giá bán.
Trái ngược với sự ổn định tại các siêu thị, theo ghi nhận của chúng tôi, hiện một số nhóm hàng trên thị trường đã tăng giá từ hơn 1 tuần qua vì lý do tỷ giá tăng. Điển hình nhất là hàng điện tử, điện máy và sữa ngoại nhập. Tại nhiều siêu thị, cửa hàng bán máy tính, điện thoại di động, hàng gia dụng nhập khẩu… đã chính thức tăng giá bán bình quân khoảng 10%. Đối với mặt hàng sữa bột, các DN cũng đã điều chỉnh tăng giá bán từ 4% - 18% tùy thương hiệu.
Doanh nghiệp gồng mình ổn định giá
Theo tính toán của ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, kể từ khi tỷ giá tăng, một số nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất và chế biến đã tăng khoảng 16% - 24%. Đây là mức tăng quá cao so với dự kiến nên đã tạo áp lực lớn lên việc hoạch định sản xuất của DN. Nhưng là một trong những DN chủ lực tham gia chương trình bình ổn giá, Vissan vẫn phải thực hiện công tác bình ổn đến hết tháng 3-2010 như cam kết.
Cùng quan điểm trên, ông Cao Tiến Vị, Chủ tịch HĐQT Công ty Giấy Sài Gòn cũng cho rằng, việc điều chỉnh lần này đối với nhiều mặt hàng sẽ tác động toàn diện đến các DN. Hiện Giấy Sài Gòn đang phải chịu thêm nhiều khoản chi phí phát sinh mới, tương ứng với mức tăng 15% - 20%. Cũng như nhiều DN khác, Giấy Sài Gòn chưa thể tăng giá trong thời điểm hiện nay. Trường hợp DN không thể chịu đựng nổi mới tính đến việc điều chỉnh nhưng cách làm này sẽ phải được tính toán thận trọng để không ảnh hưởng đến doanh thu và thị phần tiêu dùng.
Đại diện Công ty Sữa Nutifood cũng cho biết, trước mắt công ty sẽ cắt giảm mọi chi phí không cần thiết rồi mới tính đến việc tăng giá sản phẩm.
Không chỉ các DN sản xuất, nhiều nhà phân phối cũng đang thực hiện hàng loạt các biện pháp để tiết giảm chi phí như chuyển đổi hệ thống chiếu sáng để tiết kiệm năng lượng, chấp nhận giảm chiết khấu và tăng các chương trình khuyến mãi để kích cầu, chia sẻ gánh nặng tăng giá với người tiêu dùng…
Theo các chuyên gia, để giảm áp lực tăng giá, Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa việc bình ổn giá đối với nhiều mặt hàng thiết yếu bằng nhiều hình thức khác nhau. Đối với TPHCM, tiếp tục triển khai việc đặt hàng DN chuẩn bị nguồn hàng thiết yếu cung ứng cho thị trường để tạo sức lan tỏa chung về mặt bằng giá. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường giá cả, áp dụng đồng loạt việc niêm yết giá nhằm tránh tình trạng lợi dụng cơ hội “té nước theo mưa” cũng là việc cần làm.
Cuối cùng, ổn định tâm lý người tiêu dùng, tăng cường công tác truyền thông về hàng hóa và giá bán sẽ hỗ trợ tốt hơn cho các cơ quan chức năng trong công tác quản lý giá.
Thúy Hải – Mai Thi (www.sggp.org.vn)
802 Lượt xem
0 bình luận
1757 Lượt xem
0 bình luận
802 Lượt xem
0 bình luận
2902 Lượt xem
0 bình luận
42500 Lượt xem
0 bình luận