if ($site_keyword) { $site_keyword = str_replace(" & "," & ",$site_keyword); $site_keyword = strip_tags($site_keyword); ?> } ?> if ($site_description) { $site_description = str_replace(" & "," & ",$site_description); $site_description = strip_tags($site_description); ?> } ?>
Để cứu ngành sản xuất giấy trong nước, vừa qua Bộ Tài chính đã ban hành văn bản điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng này. Song, Bộ Công thương vẫn cho rằng, cần phải tiếp tục tăng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt CEPT
Trước sức ép cạnh tranh, để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất trong nước, tháng 2-2009, Bộ Tài chính đã có quyết định tăng thuế nhập khẩu giấy in báo từ 20% lên 29%; giấy in sách, giấy viết từ 25% lên 29%. Theo Bộ Công thương, tăng thuế nhập khẩu như vậy vẫn chưa đủ “cứu” sản xuất trong nước.
Tăng rồi thì… tăng nữa?
Hiện trong nước còn tồn kho khoảng hơn 100.000 tấn giấy. Trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương diễn giải: hiện nay khoảng 80% kim ngạch nhập khẩu giấy in báo, in sách, giấy viết là từ các nước ASEAN (40% trong số đó được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt CEPT; 60% còn lại áp dụng thuế MFN). Do vậy, cần tăng ngay thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt CEPT từ 3% lên 5%.
Tuy nhiên, muốn tăng thuế ưu đãi đặc biệt CEPT không đơn giản. Theo cam kết CEPT/AFTA, Việt Nam không được tự động tăng thuế CEPT. Do đó để tăng thuế có 2 phương án: một là vận dụng quyết định của Phiên họp 19 của Hội đồng AFTA về việc điều chỉnh linh hoạt các mức thuế trong biên độ 0 - 5% (điều kiện là thông báo cho các nước ASEAN ít nhất 60 ngày trước khi tăng thuế và quyết định tăng thuế chỉ được thực hiện khi hội đồng AFTA đã nhất trí thông qua). Thứ hai, áp dụng biện pháp “tự vệ khẩn cấp”. Biện pháp này chỉ được thực thi khi việc thực hiện cam kết CEPT/AFTA gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng tới ngành sản xuất trong nước. Việt Nam sẽ phải gửi thông báo cho Hội đồng AFTA nêu rõ lý do của việc áp dụng cùng các số liệu và giải trình cụ thể về điều tra ban đầu. Tuy nhiên Việt Nam cũng phải tham vấn các nước để tìm kiếm giải pháp đền bù thích hợp, thông thường là phải nhân nhượng giảm thuế trong lĩnh vực và sản phẩm khác.Hiểu rõ điều này, Bộ Công thương nghiêng về phương án thứ 2, đề nghị Chính phủ cho áp dụng biện pháp tự vệ khẩn cấp.
Thuế có giải quyết được vấn đề ?
Như vậy nếu áp dụng biện pháp tự vệ khẩn cấp để “cứu” ngành sản xuất giấy, Chính phủ sẽ phải hy sinh quyền lợi của lĩnh vực (hay sản phẩm) khác, đồng thời phải thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan khá phức tạp. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng dù Chính phủ có quyết định “hy sinh”, thì giải pháp tăng thuế vẫn không thể giải quyết được vấn đề cốt lõi của ngành giấy.
Bộ Tài chính đã có cuộc họp với các bộ, ngành để bàn về vấn đề này. Tại cuộc họp, đại diện Cục Xuất bản (Cục Thông tin Truyền thông) cho rằng, chuyện “khi quá thừa, khi quá thiếu” của ngành giấy không phải là chuyện lạ. Nguyên nhân chính là nhà sản xuất và phân phối giấy không làm tốt chính sách bán hàng theo kinh tế thị trường. Đơn cử như đầu năm 2008, tình hình kinh tế thế giới khủng hoảng, giá cả leo thang, giá giấy trong nước điều chỉnh tăng đến 4 - 5 lần, nhưng ngành giấy vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu dẫn tới cảnh các doanh nghiệp in đến xếp hàng mua giấy. Cơ quan quản lý buộc phải điều tiết bằng cách khuyến khích nhập khẩu.
Mặt khác, tuy tồn kho lớn (100.000 tấn) nhưng giá giấy sản xuất trong nước vẫn cao hơn giấy nhập khẩu hơn 1 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, giấy nhập khẩu phải chịu thuế (3%) và cả chi phí vận chuyển nhưng lại vẫn rẻ hơn! Đây là điều bất hợp lý. Do đó tăng thuế nhập khẩu nghĩa là bắt người dân Việt Nam phải mua giấy đắt. Đó là chưa nói đến chuyện việc tăng thuế nhập khẩu đối với giấy in báo, in sách, giấy viết sẽ ảnh hưởng đáng kể đến toàn xã hội. Chỉ tính tới giấy viết, việc tăng thuế sẽ ảnh hưởng đến khoảng 22 triệu học sinh, sinh viên (chiếm 1/4 dân số cả nước, khoảng hơn 11 triệu hộ gia đình), trong đó có nhiều gia đình đang ở hoàn cảnh khó khăn.
Chính vì vậy, theo ý kiến của một số chuyên gia kinh tế, không nên dùng công cụ thuế để giải quyết vấn đề của ngành giấy. Thực tế năng lực sản xuất giấy trong nước hiện chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Tăng thuế sẽ khiến cho giá tăng cao, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ “khi thừa, khi thiếu” giấy trên thị trường như đã từng xảy ra.
* Theo quy định của ASEAN, khi Việt Nam giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt CEPT từ 5 xuống 3% (tháng 9-2008) có nghĩa là Việt Nam đã cam kết mức thuế CEPT đối với các mặt hàng này ở mức 3% và không được tự động nâng thuế suất.
* Tự vệ khẩn cấp: Điều 6 Hiệp định CEPT quy định: trong trường hợp việc thực hiện thuế CEPT/AFTA gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng tới sản xuất trong nước thì nước nhập khẩu có quyền tạm ngừng áp dụng ưu đãi thuế (hoặc tăng thuế lên mức thuế trước đó) trên nguyên tắc không phân biệt đối xử. Thời hạn của việc tạm ngừng ưu đãi thuế quan là 200 ngày. Trong thời gian đó nước nhập khẩu phải tiến hành điều tra và tham vấn với các bên có liên quan tìm kiếm giải pháp đền bù thích hợp, thường là nhân nhượng giảm thuế trong lĩnh vực và sản phẩm khác. Sau thời gian 200 ngày, nếu việc điều tra không có kết luận được có "sự liên hệ nhân quả" giữa việc cắt giảm thuế đến thiệt hại của ngành sản xuất trong nước thì nước nhập khẩu phải có trách nhiệm dỡ bỏ biện pháp tự vệ và hoàn lại phần thuế chênh lệch do bị ngừng áp dụng ưu đãi thuế quan.
Hương Viên
theo vcci.com.vn
803 Lượt xem
0 bình luận
1758 Lượt xem
0 bình luận
803 Lượt xem
0 bình luận
2903 Lượt xem
0 bình luận
42502 Lượt xem
0 bình luận