Lo về quy chuẩn khăn giấy
Thông tin thị trường
  • Tác giả: Minh Tâm
  • 22-07-2017
  • Lượt xem: 3911
  • Chia sẻ:
(TBKTSG) - Từ đầu năm 2017, QCVN 09:2015/BCT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm khăn giấy và giấy vệ sinh (napkin and toilet tissue paper), do Bộ Công Thương ban hành vào tháng 10-2015, chính thức được áp dụng.
 
 
Cần cân nhắc kỹ cái nào đưa vào quy chuẩn (bắt buộc tuân thủ, không đạt thì cấm lưu hành), cái nào là tiêu chuẩn (có thể đăng ký, công bố với người tiêu dùng và không đạt thì bị xử phạt hành chính). Có như vậy mới đảm bảo tính khả thi và tránh lãng phí cho doanh nghiệp. Ảnh: MINH TÂM
 
Những tiêu chuẩn khó
 
Trong quy chuẩn này, có hàng loạt chỉ tiêu giới hạn về cơ lý, hóa học, vi sinh được quy định cụ thể, chi tiết.
 
Tuy nhiên, không ít người trong ngành giấy lại đánh giá, các chỉ tiêu này... trên trời, không phù hợp thực tế. Ông Hoàng Trung Sơn, Phó chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, cảm thấy lo lắng về các quy chuẩn sắp được áp dụng. Chẳng hạn, chỉ tiêu về độ ẩm của sản phẩm phải luôn đạt 8%, ở mọi điều kiện, là rất khó đảm bảo vì đặc trưng thời tiết Việt Nam (nóng ẩm). Chỉ tiêu chì trong giấy vệ sinh được quy định rất thấp nhưng sản phẩm này được sản xuất từ giấy loại (đã in) thì trên thực tế, tỷ lệ chì sẽ cao. Ngoài ra, “có những chỉ tiêu với giấy bao bì mà khách hàng yêu cầu chúng tôi đi kiểm định, mang đến Quatest 3 thì nơi này không thể thực hiện được”, ông Sơn chia sẻ thực tế gặp phải.
 
Thạc sĩ Huỳnh Ngọc Hưng, giảng viên khoa Lâm nghiệp, Đại học Nông Lâm TPHCM, đồng quan điểm rằng doanh nghiệp đôi khi chưa lường hết mức độ khó. Có những chỉ tiêu, ví dụ như chỉ tiêu chì (nhỏ hơn 0,003mg/dm2) theo quy định còn nhỏ hơn ngưỡng đo trong phòng thí nghiệm, rất khó phát hiện được. Để tính được chỉ tiêu này, người làm kỹ thuật phải nhân giống lên rồi chia lại. Nói chung, là chỉ tiêu cho giấy ăn nhưng còn khắt khe hơn công nghệ thực phẩm.
 
Ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, cho rằng quy chuẩn quá hàn lâm, có đủ thứ tiêu chuẩn sẽ bó buộc các doanh nghiệp giấy. Có những tiêu chuẩn, nếu để đáp ứng được có khi phải gửi mẫu đi nước ngoài kiểm tra. Điều đó sẽ đẩy chi phí doanh nghiệp lên và cuối cùng thì chỉ người tiêu dùng chịu. Những chỉ tiêu về hóa chất, kim loại nặng, vi sinh... được đưa vào quy chuẩn lần này nhằm mục tiêu phòng ngừa cặn kẽ, buộc “cả làng” phải đi kiểm những gì mình không có, gây tốn tiền vô ích cho doanh nghiệp. Ông Bảo cho rằng, với tình hình thực tế của Việt Nam thì chỉ nên từng bước nâng tầm, quản những cái chính trước thay vì tất cả.
 
Cần bám sát thị trường
 
Theo ông Bảo, liên quan đến QCVN:09/2015, Hiệp hội Giấy và Bột giấy đã mời các doanh nghiệp trong ngành có liên quan đóng góp ý kiến nhưng cho đến giờ này “chả ai phản hồi gì”.
 
Trong khi đó, trao đổi với TBKTSG, đại diện của Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn, một trong những doanh nghiệp lớn trong ngành ở mảng khăn ăn và giấy vệ sinh lại tỏ ra khá lạc quan. Theo đó, ở thời điểm hiện tại, để cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài, Giấy Sài Gòn đã có những dòng sản phẩm đáp ứng chỉ tiêu bằng hoặc vượt chỉ tiêu chuẩn bị áp dụng. Tuy nhiên, đại diện công ty này cho rằng, thực tế các loại giấy trên thị trường rất đa dạng nên các chỉ tiêu cần được soát xét lại để phù hợp hơn với nhu cầu, thói quen của người tiêu dùng. “Chúng tôi cho rằng các chuẩn chất lượng giấy phải xuất phát từ thị trường ở từng giai đoạn phát triển và cần được cập nhật theo nhu cầu sử dụng đa dạng của khách hàng”, vị này nêu ý kiến.
 
Cũng theo đại diện Giấy Sài Gòn, qua kinh nghiệm xuất khẩu sản phẩm đi những thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ, Úc thì các nước lại không có mức giới hạn chung cho các chỉ tiêu cơ lý. Có những dòng sản phẩm, nhà nhập khẩu yêu cầu chỉ tiêu còn thấp hơn quy chuẩn của Việt Nam. Điều họ quan tâm là khía cạnh sức khỏe của người tiêu dùng và nguồn gốc các nguyên liệu, hóa chất làm ra sản phẩm đó để đảm bảo xuất xứ rõ ràng với các chứng nhận. Chẳng hạn, sản phẩm phải được làm từ rừng phải đảm bảo được tiêu chí về phát triển bền vững, nhà máy không gây hại cho môi trường, công nghệ hiện đại...
 
Thạc sĩ Huỳnh Ngọc Hưng cho rằng, quy chuẩn mới khi được áp dụng chắc chắn sẽ bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn. Trong thực tế thời gian qua, rất nhiều sản phẩm bị cơ quan chức năng phát hiện không đảm bảo chất lượng, sử dụng hóa chất tẩy trắng... Bản thân cơ quan chức năng cũng chưa có công cụ quản lý một cách đảm bảo. Tuy nhiên, vấn đề lớn là việc thực thi trong thực tế và giám sát việc tuân thủ. “Các cựu sinh viên khoa lâm nghiệp đi làm tại các công ty nói chuyện với nhau là mọi thứ vẫn rất khó quản lý để đảm bảo được chỉ tiêu”, ông Hưng chia sẻ.
 
Ông Hoàng Trung Sơn kiến nghị, cơ quan ban hành quy chuẩn cần cân nhắc kỹ cái nào đưa vào quy chuẩn (bắt buộc tuân thủ, không đạt thì cấm lưu hành), cái nào là tiêu chuẩn (có thể đăng ký, công bố với người tiêu dùng và không đạt thì bị xử phạt hành chính). Có như vậy mới đảm bảo tính khả thi và tránh lãng phí cho doanh nghiệp. Nếu không, sợ rằng áp dụng rồi, không thực hiện được thì doanh nghiệp lại đồng loạt đi kiến nghị mà khi đó thì không thể sửa đổi ngay.
0 bình luận Viết bình luận
tin liên quan
Tin mới nhất
THÔNG BÁO KẾT QUẢ CHƯƠNG TRÌNH "KHAI XUÂN PHÚ QUÝ – LÌ XÌ HẾT Ý 2024" 16-03-2024 | Tin Tức Công Ty

871 Lượt xem

0 bình luận

THÔNG BÁO VỀ QUYỀN RIÊNG TƯ 11-01-2024 | Điều khoản sử dụng

1369 Lượt xem

0 bình luận

tin nổi bật
THÔNG BÁO KẾT QUẢ CHƯƠNG TRÌNH "KHAI XUÂN PHÚ QUÝ – LÌ XÌ HẾT Ý 2024" 16-03-2024 | Tin Tức Công Ty

871 Lượt xem

0 bình luận

Thông báo kết quả trúng thưởng chương trình “Hái Lộc Đầu Xuân Năm 2022” 10-03-2022 | Tin Tức Công Ty

2968 Lượt xem

0 bình luận

THÔNG BÁO PHÁT HÀNH HOÁ ĐƠN 14-12-2021 | Tin Tức Công Ty

3421 Lượt xem

0 bình luận

tin được xem nhiều nhất
Ngành giấy tăng trưởng mạnh 07-11-2013 | Thông tin thị trường

68526 Lượt xem

0 bình luận

Nguyên liệu ngành giấy: Thiếu nhưng vẫn lãng phí 29-11-2010 | Thông tin thị trường

42736 Lượt xem

0 bình luận

Lựa chọn xanh vì cuộc sống tốt đẹp hơn. 24-11-2011 | Hoạt động công ty

31651 Lượt xem

0 bình luận

tin theo danh mục
TIN TỨC THEO NĂM