Cầu vượt cung
Những năm qua, ngành giấy Việt Nam đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng khá cao. Giai đoạn 2007 - 2012, tiêu thụ giấy các loại tăng trưởng trên 10%. Đến năm 2013, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, mức tăng tiêu thụ này bị sụt giảm, còn 3%.
Dù vậy, theo thống kê của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA), trong 5 năm qua, năng lực sản xuất của ngành giấy liên tục tăng, với tốc độ tăng trưởng 15 - 17%/năm. Tăng trưởng là vậy nhưng nguồn cung trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Năm 2013, khả năng cung ứng giấy các loại từ trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 73%, còn lại phải nhập khẩu.
Trong cơ cấu tiêu thụ giấy gồm giấy in báo, giấy viết, giấy bao bì, giấy tissue và giấy vàng mã, giấy bao bì chiếm tỷ trọng lớn nhất. Năm 2013, tiêu thụ giấy bao bì chiếm hơn 2 triệu tấn trong tổng tiêu thụ giấy khoảng 3 triệu tấn. Giấy bao bì được chia ra làm 2 loại: giấy công nghiệp và bao bì carton.
Nếu như lĩnh vực bao bì carton có đến hơn 200 nhà cung cấp, thì số lượng đơn vị tham gia vào sản xuất giấy công nghiệp lại khá ít, do đầu tư lớn và phải đảm bảo vệ sinh môi trường. Trên toàn thị trường, chỉ một vài đơn vị như Công ty Vina Kraft-Bình Dương, xưởng giấy Chánh Dương-Bình Dương, Giấy Sài Gòn - Bà Rịa là có năng lực sản xuất giấy công nghiệp trên 100.000 tấn/năm.
Những đơn vị khác như Đông Hải Bến Tre (DHC) năng lực sản xuất thấp hơn. Dù vậy, với năng lực sản xuất 60.000 tấn/năm, DHC vẫn được xem là nhà cung ứng giấy công nghiệp lớn thứ tư ở miền Nam. Vì thế, hằng năm, Việt Nam vẫn phải nhập thêm giấy công nghiệp, ước tính khoảng 40% nhu cầu.
Trong tương lai, theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), với quy mô dân số đông, với tiềm năng tăng trưởng mạnh của ngành tiêu dùng cùng xuất khẩu thủy sản, may mặc dự kiến sẽ còn đẩy mạnh nhờ Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), cơ hội thúc đẩy của ngành bao bì giấy nói chung và sản xuất giấy công nghiệp nói riêng càng lớn.
Trên thực tế, ngay thời điểm này, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành giấy công nghiệp đã có bước tăng trưởng ấn tượng. Mặc dù Vina Kraft không công bố con số cụ thể, nhưng theo Siam Cement Group Việt Nam (SCG Việt Nam) - công ty mẹ của Vina Kraft, doanh thu 9 tháng năm 2014 của SCG Việt Nam tăng 28% so với cùng kỳ, đạt 9.790 tỷ đồng nhờ đáng kể vào mức tăng trưởng ở Vina Kraft.
Hay DHC, dù chỉ là doanh nghiệp giữ khoảng 5% thị phần giấy công nghiệp, nhưng nhờ cung ứng giấy công nghiệp cho các nhà máy sản xuất bao bì lớn như Box-Pak Việt Nam, Bia Sài Gòn, Nam An, Cát Phú, Vĩnh Xuân... và bán hàng chủ yếu ở khu vực miền Tây Nam Bộ nên kinh doanh rất khả quan.
Dự kiến cả năm 2014, doanh thu của DHC sẽ tăng 21%, trong đó doanh thu từ giấy công nghiệp ước tăng 28%. Mới đây, ban lãnh đạo ở DHC đã quyết định tăng 10% kế hoạch doanh thu và 35% kế hoạch lợi nhuận so với chỉ tiêu ban đầu đề ra.
Tìm chỗ đứng
Dù tăng trưởng cao nhưng tiêu thụ giấy bình quân đầu người của Việt Nam vẫn thấp, đạt 33kg vào năm 2013, trong khi con số này ở Nhật Bản, châu Âu là 130kg, ở các quốc gia châu Á là 40kg.
Riêng với giấy công nghiệp, do thiếu hụt nguồn cung nên đầu ra của các đơn vị sản xuất loại giấy này thường thuận lợi. Điều đó đã và đang thúc đẩy các công ty đầu tư thêm vào ngành này. Theo thống kê sơ bộ, có 3 dự án nhà máy giấy cho công suất khổng lồ đang được triển khai.
Cụ thể, dự án nhà máy giấy công suất 600.000 tấn/năm của Lee&Man Paper đang khởi động lại ở Hậu Giang với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, dự kiến năm 2015 sẽ đi vào hoạt động. Nine Dragon, nhà sản xuất bao bì lớn nhất thế giới, cũng đang rót vốn vào dự án sản xuất giấy bao bì công suất 350.000 tấn/năm tại Bình Dương.
Cũng tại Bình Dương, liên doanh Vina Kraft rót 180 triệu USD để đầu tư nhà máy giấy công suất 225.000 tấn/năm. Như vậy, chỉ tính riêng 3 dự án FDI kể trên, năng lực sản xuất giấy sẽ tăng lên đến gần 1,2 triệu tấn/năm, chiếm 40% tổng nhu cầu giấy của cả năm 2013.
Nếu cả 3 dự án này đều cùng đi vào hoạt động như kế hoạch, nguồn cung ứng giấy cho thị trường từ năm 2016 sẽ tăng mạnh, gia tăng áp lực cạnh tranh và rủi ro kinh doanh lên các đơn vị có năng lực sản xuất thấp hơn. Chính vì thế, không riêng doanh nghiệp FDI mà các đơn vị trong nước cũng ra sức mở rộng sản xuất, như một cách tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Điển hình là dự án nâng công suất lên thêm 28.000 tấn/năm của Giấy Sài Gòn trong năm 2014. Hay từ năm 2015, DHC dự kiến sẽ đầu tư xây dựng nhà máy Giao Long giai đoạn 2 với công suất thiết kế gấp đôi hiện tại. Một khi nhà máy đi vào hoạt động (năm 2017), tổng công suất sản xuất giấy của DHC có thể đạt 180.000 tấn/năm.
Xa hơn, giới phân tích nhận định, chỉ có đạt quy mô sản xuất lớn và kiểm soát chi phí tốt, các nhà sản xuất giấy mới có thể tạo được lợi thế vượt trội trong bối cạnh cạnh tranh sẽ càng gay gắt khi Cộng đồng kinh tế ASEAN dự kiến ra đời từ năm 2015.
Khi đó, thuế nhập khẩu đối với giấy công nghiệp sẽ giảm từ 5% như hiện nay xuống còn 0%. Đây cũng là lý do để các doanh nghiệp giấy ráo riết chạy đua mở rộng hoạt động, tính lại chi phí nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.
NGỌC THỦY
(Bài viết dẫn theo nguồn báo Doanh nhân Sài Gòn)