Hiện lãi suất vay dài hạn vẫn ở mức cao 11%/năm như thời điểm cách đây 1 năm. Điều này dường như đang ngược chiều với việc lãi suất huy động đã giảm liên tục trong thời gian qua. Nhiều doanh nghiệp đã chọn phương án cắt giảm chi phí bằng cách giảm vay tại các NH.
Theo báo cáo của CTCP Bóng đèn Điện Quang, lợi nhuận sau thuế quý I-2015 đạt 32 tỷ đồng, tăng trưởng 29% so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng trưởng này một phần nhờ chi phí tài chính được cắt giảm như chi phí lãi vay còn 1,9 tỷ đồng so với mức 5,5 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Chi phí lãi giảm chủ yếu do cuối quý I vay và nợ ngắn hạn của doanh nghiệp giảm đến 212 tỷ đồng.
Tương tự, CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành cũng chọn cách giảm gánh nặng này bằng việc giảm 227 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn NH trong 3 tháng đầu năm. Ngoài việc nhờ doanh thu tăng trưởng tốt giúp lợi nhuận khả quan, khoản chi phí tài chính của doanh nghiệp trong quý đầu năm cũng đã giảm hơn 15% so với cùng kỳ xuống còn 39 tỷ đồng.
Trong mùa báo cáo lợi nhuận đầu năm 2015 của một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang niêm yết trên sàn cũng cho thấy chi phí lãi vay đã có dấu hiệu tăng nhẹ trở lại so với cùng kỳ năm 2014. Hiện tại, NH có nhiều chương trình hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp bằng các gói ưu đãi lãi suất lên đến hàng ngàn tỷ đồng, nhưng điểm chung của các gói này đều ưu đãi lãi suất thấp trong một thời gian nhất định và doanh nghiệp cũng e ngại lãi suất có thể cao trở lại sau đó.
Phát biểu trong cuộc họp với các NHTM trên địa bàn TPHCM, ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc Công ty Giấy Sài Gòn, cho rằng lãi suất huy động liên tục giảm trong thời gian qua nhưng lãi vay giảm khá chậm hoặc gần như giẫm chân tại chỗ. Hiện nay lãi suất cho vay trung, dài hạn 10,5-11%/năm trong khi vay ngắn hạn dao động 8-8,5%/năm. Ông Vị cũng kiến nghị lãi suất giảm xuống ngắn hạn 7%/năm và dài hạn 9%/năm doanh nghiệp mới có thể vay để mở rộng sản xuất.
Cùng chung quan điểm đó, TS. Trần Du Lịch phân tích, CPI tháng 4 không tăng và cả năm chỉ khoảng 3% trong khi lãi suất trung, dài hạn 11%/năm là quá cao. Theo báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, cơ quan này cũng nhận xét lãi suất có dấu hiệu tăng dù hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục được cải thiện. Thực tế thống kê từ báo cáo tài chính của các NH trong quý I-2015 cho thấy doanh thu của hầu hết NH đều tăng, trong khi đó chi phí trả lại giảm mạnh. Điều này cho thấy chênh lệch lãi suất cho vay và huy động trong quý I lớn hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.
Trái ngược với ý kiến các chuyên gia, nhiều lãnh đạo NH đều có chung quan điểm rằng lãi suất hiện nay đã phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô. Những dự án tốt có kế hoạch sử dụng vốn hiệu quả sẽ được NH xem xét ưu đãi lãi suất. Mặt bằng chung của lãi suất cho vay cả ngắn hạn và trung, dài hạn hiện khoảng 8%/năm, so với lãi suất huy động 5-6%/năm nên sẽ rất khó giảm thêm.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TPHCM, cho biết các yếu tố như giá xăng dầu tăng liên tục, tỷ giá điều chỉnh 2 lần từ đầu năm, CPI có chiều hướng tăng... sẽ gây khó khăn trong việc hạ lãi suất trung, dài hạn. Hơn nữa, nhu cầu vay vốn trung, dài hạn của doanh nghiệp cao nhưng đa số nguồn vốn huy động của NH lại là ngắn hạn nên rất khó trong việc giảm thêm lãi suất.
Xem ra kỳ vọng lãi vay tiếp tục giảm là điều khó diễn ra. Dù lãi suất trung bình hiện nay nhiều doanh nghiệp phải vay cao hơn lạm phát khá nhiều, tức lãi suất thực lớn nhưng bù lại rủi ro của những khoản vay này cũng không hề nhỏ. Nhiều doanh nghiệp có các khoản nợ cũ và đang phải tái cấu trúc.
Xuân Anh
Bài viết dẫn theo nguồn báo
www.saigondautu.com