Doanh nghiệp lo sống đã đủ mệt
Thông tin thị trường
  • Tác giả:
  • 16-05-2015
  • Lượt xem: 10931
  • Chia sẻ:
Xin giới thiệu phần đầu cuộc bàn tròn với chuyên gia Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), và ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI.

DN lo sống chết đã đủ mệt

Nhà báo Việt Lâm:
Chỉ còn 1-2 tháng nữa, cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ có hiệu lực nhưng khi thử tìm kiếm trên google, tôi thấy từ khóa này xuất hiện rải rác, cho thấy mức độ quan tâm của công chúng rất mờ nhạt. Nếu nhìn vào số liệu cụ thể, gần đây cuộc điều tra của Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết 76 % doanh nghiệp hầu như không biết gì về AEC và 94% doanh nghiệp không hiểu rõ về nội dung đàm phán trong AEC là gì; 63% doanh nghiệp thì không hiểu rõ về những cơ hội và thách thức khi mà Việt Nam gia nhập AEC. Những con số này phản ánh điều gì?

Bà Phạm Chi Lan:
Những thông tin này phản ánh một thực tế đáng buồn là chúng ta thường rất háo hức với những cuộc hội nhập mới mà Việt Nam tham gia. Trên báo chí gần đây cũng nêu ý kiến của một số vị cho rằng VN rất đáng tự hào là một trong những nước mạnh dạn tham gia nhiều đàm phán tự do thương mại (FTAs) một lúc trong khi nhiều nước phát triển hơn ta còn ngần ngại.
Nghịch lý ở chỗ trong khi nhà nước hăng hái tham gia đàm phán FTAs như vậy nhưng cả một cộng đồng rộng lớn trong xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp, những người được hưởng lợi nhiều nhất và cũng chịu tác động sâu sắc nhất từ hội nhập thì lại gần như không biết gì. Thậm chí tôi có cảm giác họ hơi thờ ơ đối với những cái đang gõ đến cửa nhà mình rồi. Nghịch lý thứ hai là trong thời đại thông tin bùng nổ như hiện nay với muôn vàn cách tiếp cận thông tin, trong khi hoạt động tuyên truyền ở nước ta cũng chưa bao giờ sôi động như bây giờ mà một vấn đề thiết yếu như vậy lại không được thông tin đầy đủ đến người dân, nhất là doanh nghiệp.
Câu chuyện ở đây cần được nhìn nhận từ hai phía. Một phía là những người đang đàm phán hoặc đã đàm phán chuẩn bị cho bước hội nhập đến ngưỡng cửa nhà mình phải có trách nhiệm phổ biến lại cho xã hội biết. Phổ biến chứ không phải là chỉ tuyên truyền. Nếu chỉ tuyên truyền thì VN rất hoành tráng. Nhưng nếu không phổ biến thông tin tường tận thì người ta không biết.
Mặt khác, các DN cũng có phần đáng trách khi không cố gắng chủ động tìm kiếm thông tin. Không ai có thể cứu mình được nếu như tự mình không biết tìm cách tự cứu lấy mình. Những số liệu mà Việt Lâm vừa nói thực sự tôi cảm thấy lo lắng nhưng không ngạc nhiên. Bởi lẽ, đối với rất nhiều DN thời gian qua, mối lo thường trực của họ là chuyện tồn tại hay không tồn tại. 97% DN Việt Nam là nhỏ và vừa. Suốt thời gian khó khăn về kinh tế vĩ mô vừa rồi, con số DN chết và ngưng hoạt động cứ tăng dần lên từ 40 000 đến 53 000, 54000 lên đến 60,000 rồi 67,000 như năm ngoái. Do đó, vấn đề hệ trọng số một của họ là liệu có tồn tại được hay không trong thời gian tới. Còn Cộng đồng Kinh tế ASEAN, tuy cuối năm nay sẽ hình thành đầy đủ nhưng vẫn còn xa hơn so với áp lực họ đang đối phó hàng ngày ở đây như vật giá leo thang, đầu vào tăng lên, đầu ra không bán được, tắc nghẽn thị trường,…Có lẽ, hiện thực này lý giải vì sao các DN còn thờ ơ với AEC.
Về phía cơ quan nhà nước thì thực tình tôi không hiểu vì sao đội ngũ công chức đông đảo như vậy, được trang bị máy tính nối mạng đủ cả nhưng việc kết nối, truyền đạt thông tin với DN, với người dân lại ra kết quả như vậy.

Chuyên gia kinh tế kỳ cựu Phạm Chi Lan
Nước ngoài săn tìm, trong nước thờ ơ

Việt Lâm: Tôi được biết VCCI cũng đã tổ chức nhiều hội thảo và tập huấn phổ biến kiến thức về hội nhập cho các DN. Theo quan sát của ông Đậu Anh Tuấn, vì sao lần này phản ứng với AEC lại im ắng như vậy, trong khi tôi nhớ cách đây gần chục năm khi VN chuẩn bị gia nhập WTO, không khí sôi nổi hơn nhiều?

Ông Đậu Anh Tuấn: Trước hết, phải đính chính là AEC không phải là một hiệp định thương mại có lộ trình đàm phán, có kết quả đàm phán mà là một tập hợp trong đó có Hiệp định thương mại hàng hóa, rồi các cam kết về đầu tư, dịch vụ, kết nối, hạ tầng… Trong AEC có một nội dung rất quan trọng là Hiệp định thương mại hàng hóa thì đã thực hiện cách đây mấy năm rồi. Hàng hóa của các nước ASEAN đã vào các siêu thị VN khá nhiều. Còn gần đây chúng ta hay nói đến mốc 31/12/2015 là nói đến tuyên bố hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN như một thị trường chung thống nhất như mong muốn của các nước ASEAN.
Trở lại vấn đề mà Việt Lâm nêu ra, tôi chia sẻ nhiều điều với cô Phạm Chi Lan. Các DN Việt đa phần là nhỏ và mới nên kinh nghiệm về kinh doanh, về kinh tế thị trường của thế hệ doanh nhân Việt Nam so với các nước ASEAN ít ỏi hơn nhiều. Đồng thời, DN Việt còn đối mặt với nhiều khó khăn khác, đơn cử như rào cản ngôn ngữ. Thử hỏi VN có bao nhiêu chủ DN đủ thời gian và khả năng tự tìm đọc những thỏa thuận chung về ASEAN như các DN Singapore, Malaysia, Phillippine, Thái Lan?
Thực tế những năm qua, các cơ quan nhà nước và tổ chức, hiệp hội như VCCI cũng đã có một số nỗ lực mà chúng tôi hay nói vui là tổ chức các “gánh hát rong” đi tuyên truyền về hội nhập khắp các tỉnh thành. Cô Phạm Chi Lan cũng là một trong những chuyên gia đã phổ cập những khái niệm về hội nhập, tư duy hội nhập đến đông đảo DN.
Vậy tại sao đã có những nỗ lực như vậy nhưng hiệu ứng thực tế lại rất thấp? Có thể nói lỗi tại anh, tại ả, tại cả đôi bên. Về phía DN, phải nói rằng phần đông chưa quan tâm đúng mức đến những kiến thức về hội nhập và những vấn đề liên quan đến pháp luật trong nước. Khá nhiều các hội thảo, diễn đàn chính sách về hội nhập được các cơ quan nhà nước, rồi VCCI tổ chức nhưng chúng tôi quan sát thấy số lượng DN VN tham gia khá lèo tèo. Điều này thực sự đáng buồn nếu so sánh với các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Trong VCCI có bộ phận chuyên vận động, hỗ trợ chính sách nhưng nói thực, nhiều lúc chúng tôi rất muốn hỗ trợ DN nhỏ, DN tư nhân nhưng dường như chỉ có DN nước ngoài chủ động săn tìm thông tin. Chẳng hạn như khi VN ký kết Hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, những email, điện thoại đầu tiên tôi nhận được là từ những doanh nghiệp FDI. Nhiều DN vẫn kêu ca không có thông tin. Đành rằng thông tin chuyên sâu thì chưa nói nhưng chí ít những thông tin căn bản đều có sẵn trên các website như của VCCI chẳng hạn. Chúng tôi có những chuyên gia đi săn thông tin các nơi, dịch ra tiếng Việt và đăng tải công khai nhưng khá nhiều DN không quan tâm.
Từ phía cơ quan nhà nước thì rõ ràng hiệu quả chưa được như mong muốn. DN cần đầu mối thông tin. Ai là đầu mối cung cấp thông tin hội nhập, thông tin sẵn có và thân thiện? Đa phần DN Việt là nhỏ và vừa, có trình độ nhận thức, kiến thức pháp luật còn hạn chế nên cần phải có những sản phẩm phù hợp với họ. Thế nhưng, ngay đến VCCI khi muốn tìm hiểu thông tin về một số hiệp định thương mại tự do mà còn phải kiểm tra lòng vòng nhiều cơ quan mới ra.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Mù thông tin là thứ mù chữ tệ hại nhất

Việt Lâm: Tôi nhớ cách đây chục năm khi tôi phỏng vấn chuyên gia Phạm Chi Lan về hội nhập vào WTO, nội dung không khác gì mấy câu chuyện chúng ta đang nói tới hôm nay. Cam kết WTO gần kề nhưng hầu hết DN vẫn còn mơ hồ. Cái giá phải trả thời gian qua do tình trạng “nước đến cổ mới nhảy” đã rõ rồi nhưng vì sao nhiều năm như vậy tình trạng này chưa được cải thiện?

Bà Phạm Chi Lan:
Câu hỏi của Việt Lâm đúng với nhiều mảng khác chứ không chỉ về thông tin hội nhập thôi đâu. Đó là các vấn đề về chuẩn bị, về điều chỉnh chính sách, luật pháp rồi thực thi chính sách mới, chính sách tốt cần thiết để chuẩn bị cho quá trình hội nhập…Những câu chuyện như vậy kéo dài từ năm này sang năm khác mà sự cải thiện rất chậm chạp.
Thực ra bây giờ cũng khó so sánh với WTO. Đàm phán WTO lúc bấy giờ được giữ kín, chỉ tập trung trong phạm vi những người đàm phán và có xin ý kiến các cơ quan liên quan. Hồi đó, những thông tin ít ỏi mà chúng tôi có được khi tôi còn ở VCCI phần nhiều là từ những nhà vận động hành lang của các nước khác như Mỹ, EU. Khi họ đến trao đổi với mình để tìm hiểu về những vấn đề họ cần biết thêm thì mình mới biết hóa ra đang đàm phán về vấn đề gì. Khi ấy, tôi cũng có quay lại hỏi các cơ quan nhà nước xem liệu có thể cung cấp thêm thông tin để các DN chuẩn bị hay không thì được trả lời là không vì có những quy định về bí mật trong đàm phán.
Bây giờ sau 10 năm không phải cái gì cũng giữ bí mật như trước nữa. Riêng đàm phán về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP là một ngoại lệ vì các nước tham gia đàm phán có thỏa thuận chỉ công bố khi đã đàm phán xong và công bố đầy đủ nội dung. Nhưng câu chuyện của Cộng đồng Kinh tế ASEAN thì vấn đề là những nội dung cam kết chúng ta đều đã biết cả. Như anh Tuấn vừa nói, mấy năm gần đây người ta không đàm phán thêm gì. Cho nên một ông thứ trưởng Bộ Công thương mới trấn an Quốc hội không cần phải lo lắng về AEC vì vẫn là những cam kết cũ chứ không có gì mới hơn cả.
Nghịch lý chính là ở chỗ vẫn những cam kết đó mà đa số DN lại không biết. Ngoài tỷ lệ 76% DN không biết thông tin chung, nếu đi sâu vào các vấn đề chi tiết như các ngành hàng chẳng hạn, tôi tin tỷ lệ đó còn cao hơn. Bởi chí ít người ta còn có thể biết những thông tin chung khơi khơi trên báo chí hay từ các hội thảo nhưng đi vào cái cụ thể thì xã hội còn mù mờ.
Điều vô lý ở chỗ trong thời đại thông tin như hiện nay, VN cũng tự hào là nước có tốc độ phát triển khá cao trong khu vực về số người sử dụng Internet tới 35% dân số mà cộng đồng DN, cộng đồng vừa có nhu cầu vừa có khả năng trang bị để tìm hiểu thông tin mà vẫn không biết gì thì có nghĩa là họ chưa tìm thấy những thông tin mà họ cần. Tất nhiên, cũng phải xem xét từ phía các DN là tại sao thiếu như vậy mà họ không lên tiếng. Tôi nhớ, trong thời gian đàm phán WTO, tôi cũng chịu rất nhiều sức ép từ các DN đòi hỏi cung cấp thông tin. Đến lượt tôi phải đi kêu với các cơ quan nhà nước là chúng tôi cần thông tin để nghiên cứu. Lúc bấy giờ cũng có một số nghiên cứu được công bố trước khi VN tham gia WTO. Tôi nhớ có cuộc hội thảo rất lớn do Ngân hàng Thế giới tổ chức, công bố kết quả của 17 nghiên cứu khác nhau dự báo tác động của Việt Nam tham gia WTO. Trong đó có một nghiên cứu của Viện Quản lý Kinh tế TƯ do anh Võ Trí Thành chủ trì đưa ra những phân tích khá tường tận về những kịch bản khách nhau khi VN tham gia WTO. Rất tiếc hiện nay, chúng ta lại không có được một nghiên cứu nào như vậy cả.
Trong xã hội hiện nay, mù thông tin là thứ mù chữ tệ hại nhất. Dù muốn hay không, các cơ quan nhà nước cũng cần xem lại trách nhiệm của mình. Tôi không thích khái niệm tuyên truyền mà chúng ta hay nói tới. Bởi đã nói đến tuyên truyền thì thường nhắc tới mặt tốt, mặt đẹp, để cho người ta vui lên, phấn chấn lên chứ không đi được vào những thông tin người ta cần, thậm chí những cảnh báo cần biết để phòng trước, tự trang bị, tự nâng cao năng lực cho mình để sẵn sàng đón đầu kể cả cơ hội lẫn thách thức. Điều DN cần là thông tin chứ không phải chỉ tuyên truyền suông.

Ông Đậu Anh Tuấn:
Thực ra, qua các cuộc tiếp xúc với DN, tôi thấy mức độ quan tâm của họ khác với mức độ quan tâm của các nhà nghiên cứu hay quan chức. DN ít quan tâm đến những thông tin nền hay các hứa hẹn chung mà họ quan tâm đến các vấn đề cụ thể như mức thuế, điều kiện, hàng rào kỹ thuật, yêu cầu về xuất xứ…
Nhiều DN cho biết rất lúng túng khi tìm kiếm thông tin về biểu thuế. Hệ thống thông tin hiện tại chưa thực sự hỗ trợ DN nên nhiều khi họ không biết phải tiếp cận ở đâu. Đơn cử một ví dụ, có DN muốn làm thủ tục hưởng ưu đãi về thuế khi VN tham gia Hiệp định thương mại ASEAN – Trung Quốc. Họ hỏi rất nhiều nơi, trong đó có VCCI. Chúng tôi bảo họ đến hỏi Bộ Công thương thì người ta chỉ xuống Cục Hải quan và xuất khẩu tùy theo cửa khẩu nữa. Kết quả là Hiệp định có hiệu lực nhưng DN đó phải chạy mất cả tháng mới tìm được thông tin mình cần và cũng gặp nhiều trục trặc.

Chúng tôi cũng biết nhiều trường hợp dù hiệp định thương mại đã ký kết giữa ASEAN và các nước nhưng mỗi cơ quan nhà nước lại hiểu và giải thích cho DN một kiểu khiến DN lúng túng không biết đâu mà lần. Bởi vậy, tôi tán thành ý kiến của cô Phạm Chi Lan là làm sao thông tin phải đầy đủ, sẵn có, thân thiện và thuận tiện cho các DN.
Có một thực tế rất đáng buồn là theo báo cáo thống kê năm 2013, tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu sang ASEAN mà hưởng ưu đãi xuất khẩu của những hiệp định đã có hiệu lực thì chỉ chiếm 30%, có nghĩa là 70% hàng hóa còn lại xuất sang ASEAN người ta không quan tâm đến hay không khai thác được những ưu đãi giảm thuế. Trong khi đó, ngay tại sân nhà đã thấy sự hiện diện của rất nhiều hàng hóa từ khu vực ASEAN. Có nhiều lý do nhưng tôi tin rằng có một phần do hạn chế trong tiếp cận thông tin tới DN.

(còn nữa)
Bài viết dẫn nguồn từ báo VietNamNet
# TAG
  • Chia sẻ:
0 bình luận Viết bình luận
tin liên quan
Tin mới nhất
THÔNG BÁO KẾT QUẢ CHƯƠNG TRÌNH "KHAI XUÂN PHÚ QUÝ – LÌ XÌ HẾT Ý 2024" 16-03-2024 | Tin Tức Công Ty

801 Lượt xem

0 bình luận

THÔNG BÁO VỀ QUYỀN RIÊNG TƯ 11-01-2024 | Điều khoản sử dụng

1315 Lượt xem

0 bình luận

tin nổi bật
THÔNG BÁO KẾT QUẢ CHƯƠNG TRÌNH "KHAI XUÂN PHÚ QUÝ – LÌ XÌ HẾT Ý 2024" 16-03-2024 | Tin Tức Công Ty

801 Lượt xem

0 bình luận

Thông báo kết quả trúng thưởng chương trình “Hái Lộc Đầu Xuân Năm 2022” 10-03-2022 | Tin Tức Công Ty

2902 Lượt xem

0 bình luận

THÔNG BÁO PHÁT HÀNH HOÁ ĐƠN 14-12-2021 | Tin Tức Công Ty

3343 Lượt xem

0 bình luận

tin được xem nhiều nhất
Ngành giấy tăng trưởng mạnh 07-11-2013 | Thông tin thị trường

68164 Lượt xem

0 bình luận

Nguyên liệu ngành giấy: Thiếu nhưng vẫn lãng phí 29-11-2010 | Thông tin thị trường

42498 Lượt xem

0 bình luận

Lựa chọn xanh vì cuộc sống tốt đẹp hơn. 24-11-2011 | Hoạt động công ty

31408 Lượt xem

0 bình luận

tin theo danh mục
TIN TỨC THEO NĂM