Cắt giảm nhân công
Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng ở H.Bình Chánh, TP.HCM, cho hay công ty ông tiêu tốn mỗi tháng gần 100 triệu đồng tiền điện, giá điện tăng khiến giá thành tăng. Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng khiến cước vận chuyển nguyên liệu từ cảng về nhà máy cũng tăng. Mặc dù chi phí điện, vận chuyển không chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu giá thành (khoảng 4 - 5%), nhưng cùng với nhiều khoản chi phí tăng cao khác, giá thành không thể giữ được ổn định. Đó là chưa tính đến chuyện phải tăng lương trong thời gian tới cho công nhân, do trượt giá.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Tổng giám đốc một công ty sản xuất sơn cho đồ gỗ, có nhà máy ở Bình Dương, giá điện tăng sẽ đẩy giá thành lên 1 - 2%. Vấn đề nghiêm trọng hơn là DN bị cắt điện 2 ngày trong 1 tuần bắt đầu vào tháng 3. “Không thể sử dụng máy phát điện phục vụ sản xuất được vì chi phí không kham nổi. Còn để công nhân nghỉ làm thì chính sách lương chưa biết giải quyết thế nào. Nếu tính lương thì giá thành sẽ đội lên, không tính thì không giữ được công nhân”, ông Phong lo lắng. Trước tình hình khó khăn đó, ông Phong và nhiều DN khác trên địa bàn đã gửi đơn kiến nghị tới Sở Điện lực tỉnh Bình Dương đề xuất nếu DN tiết kiệm được 20 - 30% lượng điện sử dụng trong tháng bằng cách hạn chế tối đa sử dụng máy lạnh, đèn... thì được giải quyết bằng cách không bị cắt điện. Tuy nhiên, phương án này chưa được chấp thuận.
DN chậm giao hàng, khách hàng sang nước khác tìm kiếm đơn hàng. Sắp tới đây, nguy cơ mất đơn hàng sẽ nhiều hơn”
Ông Lê Trí Thắng,
Tổng giám đốc Công ty Đức Lợi
Ở nhiều DN xuất khẩu đã bắt đầu xảy ra tình trạng mất đơn hàng vì không kịp thời gian giao hàng cho đối tác nước ngoài do nguồn điện không ổn định. Ông Lê Trí Thắng, Tổng giám đốc Công ty Đức Lợi, chuyên sản xuất đồ gỗ xuất khẩu, nói: “Không có điện, DN không thể thuê máy phát điện vì giá xăng dầu đã tăng. Không sản xuất nên không trả lương cho công nhân, thu nhập giảm sút kéo theo hậu quả là công nhân nghỉ việc. DN chậm giao hàng, khách hàng sang nước khác tìm kiếm đơn hàng. Sắp tới đây, nguy cơ mất đơn hàng sẽ nhiều hơn”, ông Thắng lo ngại.
Đã yếu, càng yếu hơn
Nhiều DN hiện chỉ dám đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2011 bằng với năm 2010, thậm chí không dám đưa ra chỉ tiêu về lợi nhuận. Ông Cao Tiến Vị - Tổng giám đốc Công ty cổ phần giấy Sài Gòn đồng thời là Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM - phân tích: Với biến động của nhiều yếu tố khiến chi phí đầu vào đã tăng hơn 20% trong khi giá bán sắp tới nếu tăng cũng cao nhất chỉ 10%. Đó là chưa biết phản ứng của người tiêu dùng như thế nào. Nếu họ không chấp nhận đồng nghĩa với sức tiêu thụ sụt giảm thì DN cũng phải gánh chịu. Do đó DN cũng phải gồng mình và chỉ mong hòa vốn.
Là người theo sát hoạt động của cộng đồng DN TP.HCM, ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, cho biết hoạt động của nhiều DN hiện đang khá xấu. Một số DN hiện chỉ hoạt động cầm chừng để chờ chủ trương mới, nhiều DN lúng túng trong việc triển khai phương án kinh doanh. Bên cạnh đó, giá tiêu dùng tăng, nhưng DN lại không thể tăng lương cho công nhân. Sắp tới đây, dưới áp lực nặng nề của tăng giá, DN có thể sẽ mất lao động. “Năm 2008 khủng hoảng kinh tế, nhưng DN ít bị tác động do trước đó đã tích lũy tốt. Tuy nhiên, 3 năm qua nhiều DN đã trở nên yếu ớt, khó trụ được”, ông Minh đánh giá.
Theo quan sát của ông Minh, hiện chỉ có hai đối tượng DN dám vay ngân hàng, một là các công ty có những hợp đồng tốt, khả năng lợi nhuận cao và còn lại là DN vay tiền liều mạng, theo kiểu không vay cũng chết. “Các DN sản xuất không dám nhập khẩu nguyên liệu. Bởi chi phí đầu vào tăng cao, mà để đảm bảo lợi nhuận thì phải tăng giá bán, nhưng tăng lại khó tiêu thụ. DN sản xuất cũng không dám vay để nhập máy móc, thiết bị để cải thiện sản phẩm. Hậu quả sẽ thiếu hụt hàng hóa trong nhiều năm tiếp theo và sức cạnh tranh của hàng Việt vốn đã yếu sau này sẽ yếu hơn”, ông Minh nói thêm.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh rằng chúng ta chỉ mới thấy những tác động trước mắt của việc tăng giá, nhưng những tác động dây chuyền trong thời gian tới thì chưa rõ thế nào. Mặt bằng giá mới sẽ được hình thành, nhưng DN cũng không biết được “mặt bằng” đó ra sao để tính toán phương án kinh doanh. Hơn nữa, các tổ chức tài chính hiện tại lại chưa thật tin vào phương án kinh doanh của DN để cho vay. “Tôi sợ nhất là tình trạng DN đầu hàng quá sớm, bằng quyết định giảm sản xuất hoặc đóng cửa hẳn một vài bộ phận. Nguy hiểm hơn, có DN quyết định nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, để bán ở thị trường trong nước. Thay vì nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất, họ đặt luôn hàng của nước ngoài và gắn thương hiệu của mình lên đó để bán. Điều này có thể giúp DN đạt được mục đích kiếm tiền trong thời điểm khó khăn nhưng lâu dài là cực kỳ tệ hại cho nền sản xuất. Hiện tượng này đã xảy ra gần đây và đang có xu hướng gia tăng”, bà Lan phát biểu.
Ưu tiên cho DN sử dụng nhiều lao động
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh Nhà nước cần có chính sách cụ thể để hỗ trợ những DN đang gặp khó khăn nhưng sử dụng lao động với số lượng lớn; những ngành sản xuất quan trọng như nông nghiệp, xuất khẩu... Nếu không hỗ trợ kịp thời, DN làm ăn không gượng dậy được sẽ cắt giảm lao động. Người lao động mất việc nhiều sẽ là gánh nặng cho xã hội.
N.T.T
Cần hỗ trợ cụ thể
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng giải pháp hỗ trợ DN cần thiết nhất hiện nay là phải ổn định lãi suất (LS) vay vốn ngân hàng. Thứ hai là điều chỉnh thuế phù hợp với tình hình của từng ngành. Thứ ba là cần một chính sách hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa, DN trong lĩnh vực nông nghiệp. Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM - cho rằng thay vì hằng quý đều phải nộp thuế thu nhập DN thì có thể lùi thời gian này lại. DN được tiếp tục sử dụng nguồn vốn đó để tiết kiệm được chi phí hơn là phải đi vay ngân hàng với LS cao.
TS Trần Hoàng Ngân - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia - nhấn mạnh Nghị quyết 11 đã có nêu rõ những giải pháp hỗ trợ cho DN vừa và nhỏ. Do đó các bộ ngành có liên quan cần sớm triển khai nội dung này và nhanh chóng đưa ra những hướng dẫn chi tiết. Đó là việc nhóm sản phẩm nguyên phụ liệu nhập khẩu nào phục vụ cho sản xuất sẽ được giảm thuế; mức giảm là bao nhiêu; giảm trong khoảng thời gian nào... Bên cạnh đó việc cải cách thủ tục hành chính cũng là một yếu tố không thể xem nhẹ mà cần tiếp tục thực hiện quyết liệt để góp phần giảm chi phí cho DN. Về phía DN, TS Trần Hoàng Ngân cho rằng cũng cần phải tiết giảm chi tiêu. Nhất là giảm nhập khẩu các sản phẩm xa xỉ hoặc sản phẩm trong nước đã có sản xuất để góp phần kiềm chế lạm phát theo mục tiêu của Chính phủ. Khi đó LS mới có xu hướng giảm xuống trở lại và DN sẽ bớt khó khăn.
Theo chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển, các ngân hàng cần ưu tiên cho DN vay vốn lưu động để bảo đảm hoạt động sản xuất nhằm nhanh chóng tạo ra của cải cho nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước cũng cần giám sát chặt chẽ và hạn chế cho vay đầu tư mới để tránh những trường hợp một số DN lập dự án “ma”. Bởi với LS đang cao như hiện nay thì những DN hoạt động bình thường sẽ ngưng dự án đầu tư mà chỉ lo vốn cho sản xuất ngắn hạn.
Mai Phương
N.Trần Tâm - Mai Phương
Theo www.thanhnien.com.vn