Kiếm cơ hội từ “nghề tay trái”
Với việc phải minh bạch thông tin trước cổ đông hoặc các nhà đầu tư, gần đây những thông tin về đầu tư, lời lỗ của các doanh nghiệp đã phần nào xuất hiện thường xuyên hơn trước công chúng. Chính vì thế, người ta đã bớt ngạc nhiên hơn khi thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam như Kinh Đô, PNJ, Đồng Tâm, Thép Việt, ICP, Việt Tiến, Bảo vệ thực vật An Giang… và gần đây là Minh Long 1, ngoài ngành nghề chính còn đầu tư thêm vào các lĩnh vực khác nhau, dù là lĩnh vực gần với ngành nghề truyền thống hay một ngành khác hoàn toàn xa lạ. Xu hướng đầu tư theo chiều rộng (đa ngành, đa nghề) không là chuyện mới khi trong những năm thịnh vượng của thị trường địa ốc nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng chung tay góp vốn đầu tư vào thị trường này, hoặc thậm chí tự làm chủ, điều hành các dự án phát triển bất động sản. Cho dù họ có những cách suy tính khác nhau, nhưng đều có chung một tham vọng là tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới và tối đa hóa lợi nhuận trên đồng vốn của mình.
Chia sẻ chiến lược phát triển của công ty trong năm 2011, ông Lý Huy Sáng, Phó Tổng giám đốc Công ty Minh Long 1 cho biết, trong khủng hoảng kinh tế, Minh Long 1 vẫn giữ được mức tăng trưởng trên 30%/năm. Cùng với việc hoàn tất nhà máy mới, công ty đã mở rộng đầu tư vào bất động sản, truyền thông, kinh doanh tài chính… để chia sẻ rủi ro và luôn bảo đảm dòng chảy liên tục của đồng vốn. “Sẽ khó sống ổn định với một lĩnh vực bởi ngành nào cũng có lúc thịnh, lúc suy”, ông Long nhận định. Giờ đây hình ảnh của Minh Long không chỉ còn gắn với gốm sứ nữa. Mới đây, Minh Long 1 đã đưa vào hoạt động tòa nhà Minh Long Tower ngay tại một vị trí đắc địa của trung tâm Sài Gòn. “Việc đầu tư sang nhiều lĩnh vực mới cũng giúp công ty sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi linh hoạt và hiệu quả hơn”, ông Sáng nói.
Tuy nhiên ông Sáng nhấn mạnh, với các dự án bất động sản và truyền thông công ty ông chưa trực tiếp tham gia mà chỉ đầu tư vốn, còn việc đầu tư vào ngành chủ lực truyền thống là gốm sứ vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu của Minh Long. Cụ thể, công ty đã dành hơn 397 tỷ đồng để nhập máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất như hệ thống máy đùn đất, hệ thống phun men, máy rót áp lực, máy lau sản phẩm bằng rô-bốt…
Giống như Minh Long, hầu hết các doanh nghiệp Việt khi phát triển đến một ngưỡng nào đó của ngành nghề ban đầu đều có thêm một hoặc nhiều ngành “tay trái”. Những người điều hành các doanh nghiệp này cho rằng, làm như vậy có thể sẽ giúp hỗ trợ cho ngành kinh doanh chính, tìm kiếm các thị trường mới hoặc phân tán bớt rủi ro. Theo bà Cao Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị PNJ, trong xu thế hội nhập, đầu tư một cách bài bản và có chiến lược vào nhiều ngành nghề sẽ đem lại lợi nhuận một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn. PNJ của bà Dung đang phát triển theo hướng trở thành tập đoàn đa ngành bằng cách thành lập các công ty cổ phần mà PNJ nắm cổ phần chi phối trong các lĩnh vực liên quan đến thời trang, địa ốc, thủy hải sản, hàng tiêu dùng….
Bà Dung cho biết, tuy doanh thu từ kinh doanh gas, thủy sản chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng doanh thu của công ty bà, nhưng hai lĩnh vực sản xuất này chính là xu hướng phát triển lâu dài và an toàn. Ngoài việc là một cổ đông sáng lập của Ngân hàng Đông Á, PNJ còn chiếm cổ phần chi phối hoặc góp vốn vào nhiều công ty như: Công ty cổ phần Chế biến hàng thủy hải sản đông lạnh Sài Gòn Food, Công ty Địa ốc Đông Á, Công ty HongLeong SG, dự án cao ốc MC Sài Gòn…
Có một điều đáng chú ý là, vào những năm 2005-2006, khi thị trường địa ốc và ngân hàng đang thịnh, các đơn vị kinh doanh thuộc hai ngành này kiếm tiền quá dễ dàng nên nhiều doanh nghiệp trong các ngành khác cũng thèm muốn và nhảy vào đầu tư. Một phần nữa là do lợi nhuận từ các ngành sản xuất khó có thể cao hoặc bằng với các lĩnh vực tài chính, bất động sản.
Ông Trương Minh Thuận, Giám đốc Công ty Seapimex nhìn nhận, mặc dù không có ý định mở rộng lĩnh vực kinh doanh, nhưng với những lợi thế sẵn có và sức hấp dẫn về lợi nhuận của ngành bất động sản, công ty ông đã không thể đứng ngoài cuộc. “Khi Thành phố có chủ trương di dời các nhà máy ra khỏi phạm vi Thành phố, mảnh đất vàng nằm trong trung tâm nhanh chóng bị nhòm ngó. Công ty quyết định xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê. Một cách vô tình chúng tôi gia nhập làng bất động sản”, ông Thuận thú thực. Trong khi đó, Vĩnh Tiến, một đơn vị chuyên sản xuất tập vở học sinh, thì lại bước vào sân chơi đa ngành hoàn toàn có chủ ý. Khi nhận ra ngành sản xuất tập vở của mình đến ngưỡng bão hòa, Vĩnh Tiến quyết định đầu tư sang ngành bất động sản. Ông Lâm An Dậu, Tổng Giám đốc Giấy Vĩnh Tiến chia sẻ: “Thị phần tập học sinh trong nước của Vĩnh Tiến đã đến ngưỡng cao nhất. Với một thị trường gần như bão hòa, chúng tôi đành phải tìm cách đầu tư vào một ngành nghề mới. Điều này giúp mở rộng thị trường, tạo đà phát triển tiếp theo cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sức ép cạnh tranh cũng khiến doanh nghiệp phải làm như vậy nhằm giảm thiểu rủi ro”.
Tuy nhiên, mở rộng ngành nghề như thế nào cho hợp lý không phải là chuyện đơn giản. Theo giám đốc một doanh nghiệp, việc đầu tư trái ngành cũng ẩn chứa nhiều rủi ro, nếu doanh nghiệp đầu tư không hiệu quả có thể dẫn đến những thiệt hại về tài chính và hình ảnh của doanh nghiệp, thậm chí khiến doanh nghiệp sụp đổ. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp tương đối kín kẽ trong quyết định đầu tư vào nghề “tay trái” để tránh ảnh hưởng đến kinh doanh của ngành nghề chủ lực. Chỉ khi thành công hoặc có lợi nhuận họ mới thẳng thắn đề cập.
Chắc ăn với “nghề tay phải”
Không chọn đầu tư dàn trải, Giấy Sài Gòn (SGP) lại chọn con đường tiếp tục đầu tư sâu vào ngành nghề chính của mình. Ông Cao Tiến Vị, Tổng Giám đốc công ty cho biết, trong chiến lược của mình SGP đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về chất lượng sản phẩm, sản lượng, doanh số và lợi nhuận vào năm 2015. SGP đặt mục tiêu dẫn đầu thị phần giấy tiêu dùng tại phân khúc mà mình tham gia và duy trì vị trí top 3 về giấy bao bì công nghiệp tại thị trường trong nước. Với chiến lược này, Công ty hiện nay đang chuẩn bị hoàn tất dự án Mỹ Xuân II với tổng vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng, dự kiến từ tháng 6/2011 sẽ bắt đầu đưa vào vận hành. Toàn bộ máy móc của dự án Mỹ Xuân II được nhập mới từ những nhà cung cấp uy tín nhất thế giới ở châu Âu và Mỹ. “Ngành giấy Việt Nam đang có tốc độ phát triển tốt, chúng tôi chọn năng lực cốt lõi để làm đòn bẩy phát triển sản phẩm cũng như thị trường, duy trì sự phát triển”, ông Vị cho biết.
Đừng quyết định cảm tính
Cần phải nói thêm là, ở nhiều công ty của Việt Nam tình trạng thiếu Giám đốc Tài chính (CFO) vẫn rất phổ biến. Nếu doanh nghiệp nào có CFO thì vai trò của họ cũng chưa được chú trọng đúng mức. Vì vậy, ngoài việc quản lý dòng tiền thiếu hiệu quả thì các quyết định đầu tư của doanh nghiệp cũng thường rất cảm tính, mang nhiều tính may rủi.
Cần kiểm soát tốt năng lực tài chính, quản trị
Trong đầu tư, mọi doanh nghiệp nếu chọn đúng ngành nghề chuyên môn, sở trường của lãnh đạo và công ty, thì đó sẽ là nguồn lực mạnh, sâu nhất để phát huy cho lãnh vực đã chọn. Tại Việt Nam, doanh nghiệp nào đầu tư cho sản xuất sẽ luôn gặp thách thức về sự kiên trì, quyết tâm, lòng đam mê, trách nhiệm của lãnh đạo và tập thể công ty và phải xem chiến lược đó là sự phát triển dài hạn… Thị trường Việt Nam là thị trường mới mở nên rất nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư tham gia. Trong một thời điểm nhất định, nếu các doanh nghiệp nhận thấy thời cơ tốt, năng lực đáp ứng được cơ hội mới, tạo lợi nhuận nhanh, hỗ trợ ngành chính… thì việc phát triển đa ngành cũng là điều tốt. Tuy nhiên, kiểm soát tốt năng lực tài chính, quản trị được nguồn lực và phát triển được chuyên môn mới là việc các nhà đầu tư cần quan tâm để thành công, tránh những thất bại không đáng có khi phải chia sẻ nguồn lực cho lĩnh vực kinh doanh mới.
Phải ”liệu cơm gắp mắm”
Ông bà ta có câu nói rất hay: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Bất kỳ doanh nghiệp nào khi đã “tinh” trong lĩnh vực của mình thì sẽ phát triển vững chắc. Việc đầu tư của doanh nghiệp dù là lĩnh vực nào cũng cần cân nhắc dựa trên năng lực tài chính, năng lực quản trị, kỳ vọng của thị trường và nhiều yếu tố khác nữa… Tất cả phải được giải thành một bài toán kinh doanh, được tính toán chặt chẽ. Đa dạng hóa đầu tư, kinh doanh không phải là chuyện đáng chê trách vì cũng có những cơ hội đến và doanh nghiệp có thể nắm lấy thời cơ để phát triển tốt hơn. Điều nguy hiểm là khi doanh nghiệp nhìn thấy có nhiều cơ hội, họ rất dễ sa đà vào cơ hội và không còn chuyên tâm cho lĩnh vực chính của mình, chưa kể ở lĩnh vực mới thì khả năng quản trị của doanh nghiệp cũng hạn chế. Do vậy khi đa dạng hóa kinh doanh, phải trả lời câu hỏi là doanh nghiệp đã sẵn sàng cho việc chuyển đổi mô hình quản lý chưa? Kinh nghiệm ở các nước đang phát triển cho thấy, khi nhìn thấy cơ hội, doanh nghiệp sẵn sàng nắm lấy cơ hội mà chưa sẵn sàng cho chuyển đổi mô hình quản trị. Có một nguyên tắc căn bản cho các doanh nghiệp, đó là: “Mục tiêu nào thì chiến lược đó; Chiến lược nào thì cơ cấu đó; Chiến lược nào thì kỹ năng đó, quy trình đó”. Tất cả các điều này cần phải thực hiện đồng bộ. Thấm nhuần điều này thì doanh nghiệp sẽ dễ dàng trong các quyết định đầu tư chiến lược của mình. Phải luôn nhớ “liệu cơm gắp mắm”.
Tôi cũng thấy ở Trung Quốc các doanh nghiệp liên kết với nhau, mua sản phẩm của nhau, chia sẻ thông tin và dịch vụ, thuê nguồn lực bên ngoài (out sourcing) tốt hơn và tiết kiệm chi phí nhiều hơn, kiếm lợi nhuận tốt hơn. Đây cũng có thể xem là một sự liên kết để tối đa hóa lợi nhuận và đồng vốn mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể nghĩ đến trong điều kiện của mình.