Công nghệ sản xuất giấy ăn và giấy vệ sinh siêu bẩn đầu độc người tiêu dùng (Kỳ 1)
Thông tin thị trường
  • Tác giả: Nhóm PV TT&ĐS
  • 11-01-2016
  • Lượt xem: 20360
  • Chia sẻ:

Giấy ăn, giấy vệ sinh là các sản phẩm không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày. Có không ít doanh nghiệp, làng nghề đã dùng thứ công nghệ quấy quá, cẩu thả, bất chấp sức khỏe người tiêu dùng, để tự do bán ra thị trường thứ sản phẩm đầu độc bà con mình. Trong khi, cơ quan quản lý bó tay hoặc mặc kệ. 

Đại gia, siêu xe và biệt thự trong nhà xưởng ám khói, nhếch nhác 

Làng giấy thuộc phường Phong Khê, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh là làng tái chế và sản xuất giấy lớn nhất miền Bắc nước ta. Dân cư đông đúc, năm 2014 là 13.520 người với mật độ suýt soát 2.500 người/km2. Bà con lại sống trong các ngôi nhà “mặt tiền” đắt đỏ, ngoảnh ra các con đường làng giờ đã lên phố xá. Diện tích chật hẹp, dân đông, lại thêm quá nhiều hộ làm nghề liên quan đến các sản phẩm giấy, nên mức độ ô nhiễm ở Phong Khê đứng đầu cả tỉnh Bắc Ninh cũng như nước nhà.

Họ sản xuất tất cả những gì liên quan đến giấy, từ giấy ăn, giấy vệ sinh đến bìa các-tông, giấy làm vàng mã, giấy mực in, giấy in báo, giấy học sinh… Trục đường chính từ quốc lộ 1 vào UBND phường khá dài, lổn nhổn bùn đất, nước thải đen ngòm. Hai bên, các xưởng hoạt động inh tai nhức óc. Xe tải xếp chen cùng các loại siêu xe. Các hãng xe đắt đỏ như Lexus, Mercedes… tràn ngập. Nhà cửa xây cao, ốp đá ốp kính hiện đại, nhiều ông chủ còn vẽ vời trang trí vô cùng sang trọng. Thế nhưng nhà hàng xóm ngay bên cạnh, hoặc chính trong khuôn viên nhà họ lại là một xưởng sản xuất, tái chế các sản phẩm về giấy nhếch nhác.

Giấy phế liệu từ khắp nơi đổ về các cơ sở tái chế, sản xuất giấy ăn, giấy vệ sinh và cho ra lò những cuộn giấy khổng lồ.

Hơi hóa chất bay vào mắt chúng tôi khiến mắt ai cũng đỏ ngầu. Tiếng ồn kinh khủng, ghé sát tai nhau hét lên vẫn không nghe được người kia đang nói gì. Kèm theo đó là đất cát, bùn nước, rồi bụi giấy, hơi nước từ các “nồi” hơi khổng lồ bay mù mịt như sương. Những chiếc xe tải lớn, xe ba gác, xe máy, ùn ùn chở giấy phế liệu vào làng rồi lại ùn ùn mang giấy thành phẩm ra khỏi làng. Theo thông tin từ trạm y tế phường Phong Khê, số người bị mắc bệnh về hô hấp và bệnh ngoài da quá nhiều, tăng cao đáng sợ, số người ung thư trên địa bàn cũng gia tăng.

Trên 90% số hộ gia đình ở Phong Khê sản xuất và làm những việc liên quan đến giấy. Trong khi một xưởng tái chế ô nhiễm đủ thứ không khí, tiếng ồn, bụi bẩn, hóa chất tẩy rửa giấy (xút, javen) độc hại theo đúng nghĩa đen cứ chình ình nằm ngay trong khuôn viên nhà ở. Cụm công nghiệp Giấy đã có quyết định “nhấc” nhiều cơ sở sản xuất của các hộ ra khỏi làng xóm và đã đi vào hoạt động từ 12 năm trước.

Giấy phế liệu được nghiền nhỏ, ngâm đen xì trong những bể ngâm giấy như thế này.

... nhờ những thùng chứa hóa chất ngâm tẩy

Tuy nhiên, khu công nghiệp vẫn vắng hoe, hoang tàn, trong khi số hộ (và cũng là công ty, nhà xưởng) “ở lại” cực đông. Còn các dự án liên quan đến xử lý môi trường có giá tiền đầu tư khổng lồ vẫn nằm ở thì… tương lai, cho dù Cụm công nghiệp Giấy đã gom các hộ vào đây từ năm 2003. Có trên 200 doanh nghiệp sản xuất tái chế sản phẩm lên quan đến giấy (chưa kể các hộ làm ăn nhỏ lẻ theo kiểu gia đình), trong đó khoảng 50% số này “phụ trách” việc cung cấp giấy ăn, giấy vệ sinh trong… cả nước (số còn lại làm bìa các-tông, giấy in báo, giấy gói hàng…).

Từ dân đến lãnh đạo đều “cảnh giác cao độ” với… nhà báo

Ở nơi đây, các hộ sản xuất, các công ty vô cùng đề phòng… nhà báo. Chúng tôi chỉ đứng ngoài đường, giơ máy ghi lại hình ảnh những ống xả khói đen kịt và con đường làng lầy lội, mà đã có một tốp gần chục người đàn ông lừng lững từ các xưởng sản xuất kéo ra, họ chắp tay sau lưng hằm hè bằng những ánh nhìn đầy khó chịu. Còn việc đi kiểm tra của cơ quan chức năng thì thường có… kế hoạch, nên họ không ngại lắm.

Ông Nguyễn Văn Chuyển (Chủ tịch UBND phường) tiết lộ, nhiều hộ vi phạm đã bị phạt hàng trăm triệu đồng, cơ quan bảo vệ môi trường, rồi cảnh sát môi trường tỉnh Bắc Ninh đã nhiều lần vào cuộc khá hiệu quả. Hầu hết các hộ đều bị xử lý tội xả thải trực tiếp ra môi trường, xả khói, xả nước, tức các “lỗi” gây ô nhiễm không gian sống của cộng đồng. Còn chất lượng giấy ăn, giấy vệ sinh ra sao, hầu như chẳng mấy ai quan tâm. “Đó không phải là trách nhiệm hay chức năng quản lý của phường”, họ cáu kỉnh nói.

Một chủ doanh nghiệp ở Phong Khê, khi tiếp chúng tôi với tư cách khách hàng đến ký hợp đồng, lại tố cáo: “Tôi là người sản xuất tôi biết, giấy ăn mà thơm quá, mà trắng quá, chớ có dùng mà chết. Con tôi dùng, ngứa ngáy khắp người, độc hại vô cùng, vì họ dùng hóa chất tẩy và nước hoa rẻ tiền của Trung Quốc tống vào. Chúng tôi làm, màu giấy nó phải mộc cơ”.

Người tiêu dùng thì không thể biết loại nào bớt độc: mềm, dai, thơm, đẹp hay xù xì da cóc, cứng quèo, nâu bóng, lau đến đâu vụn giấy bám đầy chỗ lau đến đó? Ai sẽ kiểm tra chất lượng của các sản phẩm đó? Câu trả lời là chưa có ai kiểm tra cả.

Phường bảo không biết, không phải chức năng, hình như họ cứ đăng ký chất lượng mẫu mã với tỉnh rồi sản xuất theo thế. Các chi cục Vệ sinh ATTP, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng của tỉnh Bắc Ninh… mà chúng tôi trực tiếp đến phỏng vấn, họ đều từ chối rằng: Đó không phải trách nhiệm của họ. Thậm chí hai chi cục kia đều đòi đưa công văn nghị quyết ra để chứng minh: “Anh bên kia chắc chắn là đối tượng phải quản lý chuyện giấy ăn, nhất định không phải tôi”. Tóm lại, ai làm cứ làm, ai bán cứ bán, ai dùng cứ dùng, ai bệnh cứ xin mời… bị bệnh.

Máy móc bẩn thỉu bên trong một công ty sản xuất giấy ăn, giấy vệ sinh được xếp vào loại “hiện đại” nhất cụm CN giấy Phong Khê

Có lần Chủ tịch phường Nguyễn Văn Chuyển khó chịu cảnh báo chúng tôi: “Nhà báo các ông cứ như thám tử tư ấy, quần đùi áo cộc, đóng vai nọ kia rồi đột nhập xưởng nhà người ta quay phim chụp ảnh. Họ (các chủ hộ, doanh nghiệp sản xuất giấy ăn) phản đối ghê lắm, chúng tôi không biết đâu. Họ đã lên đây báo cáo tôi về chuyện đó rồi. Bây giờ tôi giao anh Lâm, cán bộ xã đưa các anh đi, có gì Lâm phải về báo cáo ngay, gọi điện để tôi nói chuyện với họ ngay, chứ họ không hợp tác đâu và nguy hiểm nữa. Kể cả vào ca ngợi công nghệ của họ, họ cũng không hợp tác. Họ muốn yên ổn làm ăn. Tôi có lần cũng bảo họ: 'Các ông làm gì cũng phải tử tế, đàng hoàng, sạch sẽ, chứ các ông nhà lầu xe hơi giàu có để làm gì, làm không khéo là xấu mặt phường, xấu mặt cả ông Chủ tịch Nguyễn Văn Chuyển này'”.

Phải nói, ông Chủ tịch là người có tâm. Nhưng có lẽ cũng vì cái Tâm với… địa phương, nên cán bộ phường đưa chúng tôi đi thì không lần nào mang lại kết quả gì. Nhiều xưởng chúng tôi cùng cậu Lâm cán bộ vào rồi, họ không cho quay phim chụp ảnh, lại bỏ đi. Các xưởng đẹp, sạch sẽ, nhất mà địa phương và doanh nghiệp muốn trương ra để thanh minh với báo chí là: “Chúng tôi vẫn còn có những chỗ sạch, tân tiến và an toàn” thì khi chúng tôi “thâm nhập” ở tư cách khác, cũng vẫn thấy bẩn thỉu hãi hùng. Giấy ăn chỉ khác giấy vệ sinh ở công đoạn… cắt xén và đóng gói Chủ một công ty sản xuất nhiều sản phẩm liên quan đến giấy tiết lộ: Hai loại giấy này đều có cùng một nguyên liệu, cùng một máy móc công nghệ để cho ra những cuốn giấy thành phẩm giống nhau. Cùng một cuốn giấy ấy, chỉ khác nhau… ở khâu cắt, cắt hình vuông thì đóng giấy ăn, cắt từ cuốn tròn to rồi cuốn thành cuộn thì đóng bao bì giấy vệ sinh.

Đi nhiều xưởng sản xuất, cả những xưởng cán bộ xã đưa vào, chúng tôi đều nhận được thông tin như vậy. Giấy ăn đã được sản xuất bằng cái cách đầy nhếch nhác, bẩn thỉu. Dây chuyền cũ kỹ, bột giấy, nước thải, rêu mốc đen kịt, ngầu bọt kinh tởm, bụi bẩn lao vào mắt vào mặt người ta. Chúng tôi chứng kiến người ta đứng trên những đống phế liệu lớn, toàn giấy vụn, giấy vở học sinh đã sử dụng để bốc, ném ào ào chúng vào máy băm nhỏ thành vụn bột, rồi tống vụn bột vào bể ngâm kiềm, tống thêm hóa chất hạng nặng vào để ngâm tẩy tái chế.

Những hình ảnh thường thấy ở hầu hết những cơ sở sản xuất giấy ăn trong phường Phong Khê

Người phụ trách phòng kinh doanh của công ty sản xuất có tiếng đưa chúng tôi đi thăm cả hai xưởng sản xuất giấy ăn xịn và giấy… rẻ tiền. Cả xưởng sản xuất giấy xịn và giấy… không xịn đều bẩn thỉu. Chị này tiết lộ: “Giấy rẻ tiền bán theo kg, cứ 14.000 đồng/kg. Giá cực rẻ, cả đống giấy to lù chỉ có 14.000 đồng”. Chị đưa mẫu hàng cho chúng tôi. Đó là loại giấy đã cắt thành hình vuông, trắng đục, sờ vào đã thấy vụn giấy rơi ra, đưa lên lau thử thì cứng quèo và bám bụi đầy miệng.

Giấy đắt hơn thì 30.000 đồng/kg bán buôn. Chị này còn tiết lộ: "Hóa chất bây giờ đắt đỏ, chẳng thà cứ dùng giấy nguyên liệu tái chế rồi bán giấy ăn giá rẻ còn hơn tống thêm hóa chất vào để làm giấy trắng hơn. Công ty lại phải bán nhanh sản phẩm bằng mọi cách để tránh tồn đọng sản phẩm, tức là tồn đọng vốn, thế nên sinh ra nhiều loại sản phẩm từ cùng một công nghệ. Giấy vệ sinh hay giấy ăn thì cũng từ một loại nguyên liệu, một dây chuyền mà ra".

Cả xưởng sản xuất giấy xịn và giấy… không xịn đều bẩn thỉu

Nhiều phóng viên điều tra từng công bố trên báo chí chuyện người ta thu gom giấy ăn đã qua sử dụng ở quán xá, nhà hàng, gom vào rồi cánh đồng nát đem bán cho các xưởng tái chế. Khi gặp chúng tôi, lãnh đạo phường cũng nhắc đến điều này. Tất cả những nguyên liệu trôi nổi, nguy hiểm, bẩn thỉu, đầy mực in và tạp chất đó được cho vào nghiền, rồi tống hóa chất vào tẩy trắng, có độ dai và mùi thơm. Thế là ùn ùn giấy trắng phóc, thơm nức ra đời.

Những hình ảnh chúng tôi quay được, có lẽ nó đã kết thúc cuộc tranh luận: Giấy ăn có làm từ bột giấy… ngoại nhập không cần tẩy rửa gì như người ta (cả lãnh đạo phường lẫn các cơ sở sản xuất) quảng bá hay làm bằng giấy tái chế! Rõ ràng, quy trình sản xuất đáng rùng mình ở nhiều xưởng mà chúng tôi biết được đã cho câu trả lời chính xác.

Công đoạn đóng gói, muốn làm giấy gì cũng được

Khi chúng tôi đưa ra loại giấy ăn hình vuông, bé xíu, vô cùng rẻ tiền, thường xiên vào các thanh sắt nhọn ở quán phở, quán ăn vỉa hè phục vụ khách bình dân vô cùng độc hại, thì họ gạt đi bảo: “Cái này gọi là giấy phở chứ không phải giấy ăn, giấy ấy các hàng quán phở ngoài Hà Nội hay dùng để cho khách lau bát lau thìa lau đũa chứ có phải… là giấy ăn (giấy lau miệng) đâu”.

Cái cách sản xuất và lối lấp liếm “thanh minh thanh nga” kiểu ngậm miệng ăn tiền bất chấp lương tâm đó, nó giống như thứ sát hại người tiêu dùng dần dần vậy. Tất nhiên, cũng có những công ty chân chính, giữ uy tín thương hiệu, họ làm giấy ăn và giấy vệ sinh đạt chuẩn, chúng tôi không vơ đũa cả nắm. Song, công nghệ kinh hoàng mà bấy lâu nay dư luận đồn thổi là có thật.

Tất cả những nguyên liệu trôi nổi, nguy hiểm, bẩn thỉu, đầy mực in và tạp chất đó được cho vào nghiền, rồi tống hóa chất vào tẩy trắng

Còn chất lượng các sản phẩm được sử dụng cực kỳ phổ biến và trực tiếp tiếp xúc với miệng, với cơ thể nhạy cảm của người tiêu dùng kia đến đâu, các chuyên gia nói gì? Rồi việc có ai quản lý các cơ sở sản xuất giấy ăn và giấy vệ sinh này để bảo vệ người tiêu dùng không? Chúng tôi đã đi tìm câu trả lời cho bài tiếp theo.

"Theo một chuyên gia của Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylo, giấy vệ sinh và giấy ăn là hai cấp độ về chất lượng khác nhau. Giấy ăn được quy định sản xuất sử dụng nguyên liệu lấy từ các nguồn gỗ, trúc, các loại cỏ… Còn giấy vệ sinh có thể có giấy nguyên thủy nhưng không nhiều. Thay vào đó, họ sử dụng giấy tái chế từ các nguồn như giấy in, giấy photo, sách báo cũ.... Với nguồn nguyên liệu này, họ phải sử dụng rất nhiều xút và nước javel để tấy trắng. Chính vì hai hóa chất mà giấy thường mủn, dễ để lại bụi giấy khi lau.

Còn PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học - công nghệ thực phẩm Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cảnh báo: Việc dùng giấy vệ sinh lau miệng có thể bị dính mủn giấy, bị ảnh hưởng hóa chất tẩy trắng và tăng trắng... Đáng lo hơn, nhiều cơ sở lạm dụng xút và javen nhằm tẩy trắng giấy phế phẩm sẽ sinh ra hóa chất tồn dư độc hại. Khi con người tiếp xúc với loại giấy ăn nhiễm độc này thì vi khuẩn, tạp chất, hóa chất độc hại đi vào cơ thể người gây hại sức khỏe. Tiếp xúc lâu có thể mắc các loại bệnh về hệ hô hấp, bệnh về da và mắt."

Kỳ sau: Chúng ta còn lấp liếm để “sát hại” người tiêu dùng đến bao giờ?

# TAG
  • Chia sẻ:
0 bình luận Viết bình luận
tin liên quan
Tin mới nhất
THÔNG BÁO KẾT QUẢ CHƯƠNG TRÌNH "KHAI XUÂN PHÚ QUÝ – LÌ XÌ HẾT Ý 2024" 16-03-2024 | Tin Tức Công Ty

802 Lượt xem

0 bình luận

THÔNG BÁO VỀ QUYỀN RIÊNG TƯ 11-01-2024 | Điều khoản sử dụng

1316 Lượt xem

0 bình luận

tin nổi bật
THÔNG BÁO KẾT QUẢ CHƯƠNG TRÌNH "KHAI XUÂN PHÚ QUÝ – LÌ XÌ HẾT Ý 2024" 16-03-2024 | Tin Tức Công Ty

802 Lượt xem

0 bình luận

Thông báo kết quả trúng thưởng chương trình “Hái Lộc Đầu Xuân Năm 2022” 10-03-2022 | Tin Tức Công Ty

2902 Lượt xem

0 bình luận

THÔNG BÁO PHÁT HÀNH HOÁ ĐƠN 14-12-2021 | Tin Tức Công Ty

3343 Lượt xem

0 bình luận

tin được xem nhiều nhất
Ngành giấy tăng trưởng mạnh 07-11-2013 | Thông tin thị trường

68165 Lượt xem

0 bình luận

Nguyên liệu ngành giấy: Thiếu nhưng vẫn lãng phí 29-11-2010 | Thông tin thị trường

42499 Lượt xem

0 bình luận

Lựa chọn xanh vì cuộc sống tốt đẹp hơn. 24-11-2011 | Hoạt động công ty

31408 Lượt xem

0 bình luận

tin theo danh mục
TIN TỨC THEO NĂM