if ($site_keyword) { $site_keyword = str_replace(" & "," & ",$site_keyword); $site_keyword = strip_tags($site_keyword); ?> } ?> if ($site_description) { $site_description = str_replace(" & "," & ",$site_description); $site_description = strip_tags($site_description); ?> } ?>
Tôi gặp Cao Tiến Vị khi anh vừa từ nhà máy trở về, gương mặt nặng trĩu lo toan. Đằng sau những con số tăng trưởng ngoạn mục, đằng sau những danh hiệu, những vinh quang, anh lại đang bước vào một cuộc thử thách mới. Dường như nỗi ám ảnh luôn phải vượt qua chính mình đã trở thành cố tật, gần như một bản năng sống còn, khiến cho anh không bao giờ yên được…
Từ lơ xe trở thành ông chủ trong ngành giấy
Trong đời thường, anh đơn sơ, mộc mạc, buông bỏ bao nhiêu, thì trong công việc, anh lại là người quyết liệt, đầy tham vọng bấy nhiêu. Từ một chàng lơ xe ăn bờ ngủ bụi trở thành một trong những nhà công nghiệp tên tuổi hiếm hoi trong ngành giấy, số phận đã chọn cho anh một nghề chẳng dễ dàng gì.
Là anh cả trong gia đình có sáu anh chị em, từ nhỏ anh đã thay mẹ chăm sóc các em, quán xuyến mọi việc nặng nhọc. Cuộc sống quá khó khăn đã thảy chàng trai ngoan đạo ra ngoài đời từ rất sớm. Lớp tám anh đã làm lơ xe cho cha, học lóm nghề xe của cha, rồi bán bắp bung, bán thịt chó… Lớp 12 phải bỏ học chạy xe thay cha. Thời gian lang bạt kỳ hồ làm lái xe cho công ty chất đốt, lên rừng xuống biển… là lúc anh học nhiều nhất, nếm đủ mùi khốn khổ, cùng cực. Vừa đi làm vừa học đại học, năm 1992, anh lấy bằng cử nhân kinh tế, và có thêm nghề mới là nhiếp ảnh, kế toán. Bản năng kinh doanh và tài ứng biến nhanh nhạy đã giúp anh làm quen với nghề mua bán củi, và có duyên với nghề sản xuất giấy từ đó.
33 tuổi, anh quyết định bán đi căn nhà duy nhất của mình để khởi nghiệp. Tìm hiểu kỹ thông tin, anh dự đoán mức tiêu thụ giấy ở Việt Nam sẽ rất lớn trong những năm tới. Lúc ấy đầu tư ngành giấy còn hết sức mới mẻ ở Việt Nam. Với 90 lượng vàng, đủ thuê 2.000m2 đất ở Gò Vấp và trang bị một máy xeo giấy, thuê 20 công nhân. Từ mảnh đất trống trơn sình lầy không rào giậu gì, lại phải lo ứng xử với người dân xung quanh để làm nhà xưởng, bao nhiêu gian truân bây giờ nghĩ lại còn thấy rùng mình. Chuyên môn chưa có, anh kêu gọi bạn bè biết phân tích thị trường về làm. Rồi đẩy mạnh tiếp thị sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, mạnh dạn lấy lợi nhuận tái đầu tư nhằm thực hiện quyết tâm mỗi năm thêm một máy. Ba tháng đầu chập chững, đến tháng thứ tư hàng làm ra đã không đủ bán. Ban đầu, anh dùng chiến lược “phủ sóng” các tỉnh, sau đó mới đánh từ ngoài vô thành phố. Chỉ năm năm sau anh đã gầy dựng được thương hiệu Giấy Sài Gòn với hai sản phẩm chủ lực được thị trường ưa chuộng là giấy carton và giấy vệ sinh. Từ một máy xeo tăng lên tám máy, diện tích nhà xưởng mở rộng 10.000m2, số lao động 350 người, phát triển 600 điểm bán hàng trên toàn quốc và một đội vận tải 11 chiếc toàn xe mới. Cơ nghiệp tính ra khoảng 30 tỉ đồng. Tốc độ phát triển của Giấy Sài Gòn từ 100%/năm lên đến 200% rồi 300%/năm. Cho đến nay, theo đánh giá của hiệp hội Giấy, Giấy Sài Gòn là doanh nghiệp tư nhân phát triển nhanh nhất trong ngành giấy Việt Nam với tổng vốn đầu tư lến đến 2.000 tỉ đồng. Đồng thời cũng là một trong những công ty đầu tiên tại Việt Nam xuất khẩu giấy công nghiệp.
Hai lần “vượt cạn” giữa lằn ranh được – mất
Có lẽ nhờ vất vả, thất bại nhiều nên mình mới cảm được những giá trị của tình người, của đồng tiền, thầy vững tin hơn. Chứ kiếm tiền dễ dàng quá thì đâu có sướng!
Mới được năm năm, sản xuất bắt đầu có lãi thì nhà máy nhận lệnh phải dời ra khu công nghiệp. Ra khu công nghiệp có nghĩa là phải đầu tư lớn hơn nữa. Ngày xưa, quyết định của mình chỉ ảnh hưởng đến gia đình, còn bây giờ là ảnh hưởng đến đời sống của hơn 300 công nhân. Từ 30 tỉ đồng, phải đầu tư gấp mười lần, đòi hỏi bản lĩnh, tầm nhìn của người dẫn đầu phải thay đổi. Thế là lao vào tự học, thiết lập bộ máy mới, thay đổi chất xám, tạo nội lực mới.
Năm 2004, nhà máy mới tại khu công nghiệp Mỹ Xuân A, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khởi động với bao nhiêu là sức ép. Anh tâm sự: “Ngày ấy khó khăn thế nhưng sao anh em sống với nhau tình cảm lắm. Có lẽ nhờ vất vả, thất bại nhiều nên mình mới cảm được những giá trị của tình người, của đồng tiền, thấy vững tin hơn, ngộ hơn. Chứ kiếm tiền dễ dàng, nhanh chóng quá thì đâu có sướng!”
Năm 2007, anh lại đối đầu với quyết định xây dựng tiếp nhà máy mới với số vốn 2.000 tỉ đồng. Khi thị trường chứng khoán đang sôi động, cổ phiếu của Giấy Sài Gòn chuẩn bị lên sàn, nhiều nhà đầu tư nước ngoài như Prudential, Deutsche Asset Management, BVIM và một công ty giấy hàng đầu của Úc đã vào tham gia. Quyết định xây nhà máy mới của anh lúc này hoàn toàn là một bước nhảy hợp lý. Nhưng khủng hoảng kinh tế ập đến, các nhà đầu tư nước ngoài lần lượt rút lui, để lại cho anh một khoảng trống lớn về vốn đầu tư. Sau một thời gian dài kinh doanh, những tưởng tìm kiếm được một CEO và đội ngũ nhân sự cấp cao tin cậy để có thể lui về làm chiến lược. Nhưng khi giao các vị trí lãnh đạo cho những người từng có kinh nghiệm từ các tập đoàn đa quốc gia như Unilever, Nestlé, Pepsi, Coca-Cola... anh mới phát hiện ra còn rất nhiều khoảng chênh giữa đội ngũ cũ và nhân sự mới. Lại phải tiếp tục tả xung hữu đột để ráp nối, hài hoà, kể cả phải hy sinh những nhân tài không cùng chí hướng. Giọng chùng xuống, anh tâm sự: “Làm công nghiệp là phải chấp nhận đầu tư dài hơi. Áp lực với tôi bây giờ không phải là kiếm tiền nữa, mà là áp lực của sự tồn tại. Lòng tự trọng cuốn tôi đi. Mình tham gia kinh doanh là để tạo được một giá trị nào đó cho cho nền công nghiệp giấy nước nhà. Nhu cầu cuộc sống riêng của tôi hết sức đơn giản, nhưng với công việc thì lúc nào cũng vất vả, cũng bị câu thúc tìm cái mới. Đã làm là phải suy nghĩ tới cùng. Ở đời, hơn nhau là giải pháp. Nói ra sợ người khác hiểu lầm, nên cũng cô đơn lắm. Đứng trước những quyết định liên quan đến vận mệnh của doanh nghiệp, làm thế nào để anh em hiểu mình, vợ hiểu mình quả thật không đơn giản, vì trong quá trình đang phát triển của doanh nghiệp, đúng sai là chuyện khôn lường…”
Không chỉ là thương hiệu đầu ngành, anh còn được bạn bè tin yêu chọn là “thủ lĩnh” của hội Doanh nhân trẻ. Cách tiếp cận, quy tụ mọi người của anh cũng điềm đạm, sâu sắc, chân thành, chứ không chạy theo những hoạt động bề nổi. Anh quan tâm đến việc tạo ra những giá trị tinh thần để doanh nhân có thể đóng góp sức mình cho những vấn đề chung của đất nước. Nói về nỗi day dứt nhất khi nghĩ về cuộc sống, đôi mắt anh thoáng buồn: “Trong thế giới toàn cầu này, mọi số phận đều ít nhiều liên đới đến nhau, điều tôi day dứt nhất là vì sao còn quá nhiều bất công”.
Anh nói: “Để có thể sống bình an, kiểm soát được cảm xúc của mình, tất cả mọi hành xử phải dựa trên một nền tảng nhân văn. Điều đó có thể khiến thành công đến chậm, nhưng bền. Đời doanh nhân của mình suy cho cùng là cố gắng xây dựng nền tảng một sản phẩm, một thương hiệu, để sau này nhiều người khác có thể duy trì nó trở thành thương hiệu trăm năm”.
K.Y
(Theo sgtt.vn)
892 Lượt xem
0 bình luận
1860 Lượt xem
0 bình luận
892 Lượt xem
0 bình luận
2982 Lượt xem
0 bình luận
42752 Lượt xem
0 bình luận