Công nghệ hiện đại
Nhìn quy mô 2 nhà máy rộng lớn với hàng chục ngàn mét vuông tọa lạc tại KCN Mỹ Xuân A, ít ai biết được tiền thân của Công ty CP Giấy Sài Gòn (sau đây gọi là Giấy Sài Gòn) trước đây chỉ là một cơ sở nhỏ đóng tại quận Gò Vấp (TP. Hồ Chí Minh) vỏn vẹn một máy xeo giấy. Năm 2003, khi TP. Hồ Chí Minh có chủ trương di dời các nhà máy sản xuất vào KCN, Giấy Sài Gòn đã chọn KCN Mỹ Xuân A để đầu tư hơn 500 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất mới với quy mô 45.000m2. Không dừng lại ở đó, năm 2007, dự án mở rộng nhà máy Mỹ Xuân 2 được khởi động trên diện tích 68.000m2. Với tổng kinh phí đầu tư 2.500 tỷ đồng, nhà máy Mỹ Xuân 2 là hạt nhân trung tâm trong chiến lược phát triển bền vững và hướng tới các giá trị xanh vì cộng đồng của Giấy Sài Gòn. Nhà máy mới được trang bị công nghệ gần như hiện đại nhất Đông Nam Á đã giúp Giấy Sài Gòn chiếm được vị trí số 1 tại Việt Nam về phân khúc giấy vệ sinh và đứng thứ 2 về mặt hàng giấy công nghiệp.
Dẫn chúng tôi tham quan các dây chuyền sản xuất giấy tissue, ông Cao Tiến Vị, Tổng Giám đốc Công ty CP Giấy Sài Gòn cho biết, đây là dây chuyền Chanli - xén cuộn, đóng gói bao bì tự động, có tổng vốn đầu tư khoảng 2,3 triệu USD, sản xuất sản phẩm giấy cao cấp Bless you. Ông Vị cho hay: “Chanli có công suất thiết kế 45 tấn/ngày, sản xuất các sản phẩm giấy vệ sinh cuộn và khăn bếp với nhiều loại hoa văn khác nhau. Dây chuyền đóng gói khép kín từ cuộn giấy lớn qua sang cuộn đến máy cắt, sau đó qua các máy đóng gói với nhiều quy cách cuộn khác nhau. Là dây chuyền sản xuất có công suất thiết kế khá lớn, hiện đại và có độ chính xác cao nên khi đi vào sản xuất, Chanli chỉ cần khoảng 7 công nhân vận hành và 15 công nhân thao tác ở máy đóng gói/ca sản xuất”.
Kể từ khi Nhà máy Mỹ Xuân 2 được đưa vào sản xuất, công suất của của Giấy Sài Gòn đã tăng đáng kể với 44.000 tấn/năm đối với giấy tissue và 225.000 tấn/năm đối với giấy IP. Doanh thu năm 2014 đạt 1.226 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2010. Dự báo năm 2019 sẽ tăng gấp 4 lần sau 5 năm khai thác nhà máy Mỹ Xuân 2, nâng tổng doanh thu lên 4.500 tỷ đồng, đưa công ty trở thành DN sản xuất giấy công nghiệp lớn nhất và tốp hai giấy tiêu dùng Việt Nam. Ngoài 90% sản phẩm tiêu thụ tại thị trường nội địa với 50.000 điểm bán lẻ trên toàn quốc, giấy Sài Gòn đã có mặt tại 23 nước ở châu Á, châu Mỹ, châu Âu. Để đạt được con số ấn tượng này, Giấy Sài Gòn đã nhập khẩu toàn bộ công nghệ sản xuất giấy từ các nhà cung cấp công nghệ giấy hàng đầu thế giới của Andritz (Áo), Kadant Lamort (Pháp), Eimco (Phần Lan), GL&V (Canada), Voith (Đức), ABB (Thụy Sỹ)..., bảo đảm xử lý đồng đều ở các giai đoạn sản xuất từ hệ thống chuẩn bị bột, xeo giấy đến chia cuộn và đóng gói, ra thành phẩm.
Đóng gói sản phẩm tại dây chuyền sản xuất ở Nhà máy Mỹ Xuân 1
20 triệu USD xây dựng hệ thống xử lý nước thải
Công nghiệp giấy là một trong những ngành gây ô nhiễm trầm trọng đối với môi trường, do đó đây là ngành bị hạn chế thu hút đầu tư trong thời gian tới tại BR-VT. Để khắc phục tình trạng này, Giấy Sài Gòn đã đầu tư 20 triệu USD (bằng 1/5 chi phí đầu tư xây dựng nhà máy thứ 2) để xây dựng hệ thống xử lý nước thải với tổng công suất của hệ thống xử lý nước thải đạt 17.000m3/ngày đêm, sử dụng công nghệ xử lý nước thải hiếu khí màng sinh học dùng vật mang được tập đoàn EIMCO (Hà Lan) đăng ký độc quyền. Công nghệ này cho phép tái sử dụng đến 90% lượng nước thải từ sản xuất; đồng thời chất lượng nước thải sau khi vào hệ thống xử lý vi sinh thải ra môi trường hoàn toàn bảo đảm các tiêu chuẩn về chất lượng theo Quy chuẩn xả thải của ngành sản xuất giấy ban hành tháng 12-2008 theo quyết định số 16/2008/QĐ-BTNMT. Ông Nguyễn Trọng Ánh, kỹ sư môi trường Công ty CP Giấy SG cho biết, hiện hệ thống xử lý nước thải này được kết nối với hệ thống kiểm soát tự động của Sở TN&MT. Đây cũng là dây chuyền xử lý nước thải đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam sử dụng công nghệ vật mang lơ lửng, hiện đại hàng đầu thế giới hiện nay, tiết kiệm 2,2% nhiên liệu và giảm phát thải khí ra môi trường.
Ông Phạm Minh Hùng, Phó Giám đốc nhà máy cho biết thêm, một trong những mục tiêu của Giấy Sài Gòn là phát triển bền vững. Để thực hiện điều đó, Giấy SG đã mạnh tay đầu tư hệ thống chuẩn bị bột giấy theo công nghệ tái chế mới nhất của tập đoàn Kadant Lamort (Pháp) với hệ thống nghiền thủy lực tốc độ cao và sàng áp hiện đại. Công nghệ này có thể lọc tái sử dụng tối đa các sợi bột từ hầu hết các loại giấy đã qua sử dụng, giảm thiểu chất thải cần xử lý nhưng vẫn bảo đảm các loại bột giấy đạt tiêu chuẩn tương đương giấy nguyên chất ở đầu ra. Hệ thống chuẩn bị bột giấy này đạt công suất 800 tấn/ngày. “Công nghệ tự động hóa, tiết kiệm năng lượng và nguyên nhiên liệu chính là tiền đề giúp Giấy Sài Gòn đưa ra thị trường nhiều dòng sản phẩm cao cấp với giá thành phù hợp. Đặc biệt, các chuyên gia của Giấy Sài Gòn còn nghiên cứu phương thức sử dụng hợp lý các loại hóa chất, chủ động tìm kiếm các phụ gia thay thế trong quá trình sản xuất, bảo đảm mỗi sản phẩm đến tay người tiêu dùng là sản phẩm xanh, an toàn cho môi trường và cộng đồng”- ông Hùng cho biết thêm.
LAM GIANG
Với những nỗ lực không ngừng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Giấy Sài Gòn đã được nhận giải thưởng ASEAN do Hội đồng kinh doanh ASEAN trao tặng với các danh hiệu: DN ngưỡng mộ nhất ASEAN về tăng trưởng năm 2007; DN ngưỡng mộ nhất ASEAN về trách nhiệm xã hội CSR năm 2013. Ngoài ra, Giấy Sài Gòn còn đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao liên tục 12 năm (2013-2015). Giấy Sài Gòn cũng đã được cấp giấy chứng nhận FSC về nguồn gốc nguyên liệu của Hoa Kỳ, có giá trị đến ngày 2-11-2019, chứng nhận ISO 50001:2011 do TUV Nord (CHLB Đức) về quản lý hệ thống năng lượng theo tiêu chuẩn quốc tế có giá trị đến 17-3-2018.
Bài viết dẫn theo nguồn của báo
Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/quảng-cáo/doanh-nghiệp-trên-đường-phát-triển/201504/kỷ-niệm-18-năm-thành-lập-công-ty-cp-giấy-sài-gòn-1997-2015-dn-được-ngưỡng-mộ-của-asean-về-tăng-trưởng-và-trách-nhiệm-xã-hội-601304/