Thị trường giấy trong nước vẫn còn dư địa lớn để các doanh nghiệp (DN) nước ngoài rót vốn đầu tư, tăng công suất. Tuy nhiên, “sân chơi” của ngành giấy sẽ thuộc về các DN lớn, có sự đầu tư bài bản (nhất là khối ngoại), cho dù các DN giấy trong nước vẫn tiếp tục phát triển, nhưng chỉ chiếm lĩnh thị trường cấp thấp hơn, lép vế hơn.
Theo ông Vũ Ngọc Bảo, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA), việc xuất khẩu giấy bao bì có triển vọng tăng trưởng tốt trong thời gian tới khi một vài nhà máy giấy lớn sẽ được đưa vào vận hành trong năm 2017.
Theo kế hoạch, tháng 6/2017, một nhà máy sản xuất giấy với công suất nửa triệu tấn/năm của công ty TNHH xưởng giấy Chánh Dương (công ty 100% vốn nước ngoài) ở Bình Dương sẽ được đưa vào vận hành, nâng tổng công suất sản xuất của DN này lên 600.000 tấn/năm – được xem là công ty giấy có công suất lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Thuộc về khối ngoại
Công ty TNHH Giấy Vina Kraft tháng 4/2017 vừa qua đã khánh thành nhà máy sản xuất giấy và bao bì thứ hai ở Bình Dương, nâng công suất sản xuất giấy của Vina Kraft tại hai nhà máy ở Bình Dương lên 500.000 tấn/năm. Vina Kraft là liên doanh giữa một công ty con của tập đoàn bao bì SCG tại Thái Lan và Rengo Company Limited của Nhật Bản.
Một nhà máy sản xuất giấy khác có công suất lớn thứ ba ở Việt Nam thuộc công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam (do Tập đoàn Lee & Man Paper Hong Kong – Trung Quốc làm chủ đầu tư với 100% vốn nước ngoài) ở Hậu Giang với công suất 420.000 tấn/năm, cũng có khả năng vận hành trong thời gian tới nếu đáp ứng được những điều kiện về môi trường.
Nhà máy giấy có công suất lớn thứ tư thuộc về một DN nội, đó là nhà máy của công ty Giấy Sài Gòn với công suất gần 400.000 tấn/năm.
Theo ông Vũ Ngọc Bảo, năm 2017, sản lượng của các nhà máy giấy có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với giấy làm bao bì chiếm 50% thị trường tại Việt Nam.
Trước viễn cảnh mở rộng thị phần giấy trong nước, các DN FDI có thể sẽ thâu tóm các công ty giấy nội địa. Chia sẻ tại buổi họp báo ở Tp.HCM ngày 10/5 nhằm giới thiệu về Triển lãm quốc tế chuyên ngành giấy (Paper Vietnam 2017, diễn ra vào các ngày 13 – 15/6 sắp tới), ông Vũ Ngọc Bảo cho rằng không nên đặt vấn đề ai thâu tóm ai vì bản thân các DN ngoại thành lập theo luật Việt Nam với nguồn vốn đa dạng.
Vị lãnh đạo VPPA nhận định, ngay cả những nhà máy giấy của Việt Nam sắp tới đưa lên sàn chứng khoán, các công ty nước ngoài vẫn có thể được mua, nên chăng chỉ là nguồn vốn đầu tư của DN giấy nội địa thấp hơn nguồn vốn nước ngoài.
Theo ước tính, đến năm 2018, công suất của hàng loạt dự án nhà máy sản xuất giấy ở Việt Nam sẽ vào khoảng 3 triệu tấn/năm. Dù nguồn cung cho thị trường được gia tăng nhưng dự báo Việt Nam còn phải nhập khẩu khoảng 400.000 tấn giấy kraft (giấy tái sinh, dùng nhiều trong công nghiệp và Việt Nam chưa sản xuất được) thay vì phải nhập khẩu 1,6 triệu tấn giấy các loại như hiện nay.
Trên thị trường giấy hiện nay, “sân chơi” sẽ thuộc về các DN lớn, có sự đầu tư bài bản
Cạnh tranh khốc liệt
Giới chuyên gia lưu ý các DN giấy Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của hàng nhập khẩu, đặc biệt ở những phân khúc giấy cao cấp khi các DN nội chưa sản xuất được.
Thống kê cho thấy ngành giấy cả nước có khoảng 1.000 DN, nhưng các DN nhỏ lẻ chiếm 80%. Trong khi đó, khoảng 40% nhu cầu giấy công nghiệp phải nhập khẩu từ các nước: Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, với Trung Quốc chiếm cao nhất, tới hơn 20% kim ngạch nhập khẩu.
Trên thực tế, mặc dù đầu tư vào ngành giấy tăng mạnh trong các năm qua nhưng sản xuất trong nước vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu, nhất là ở những nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều và DN Việt Nam vẫn chưa sản xuất được như giấy bao bì, giấy in – viết chất lượng cao.
Bên cạnh đó, tốc độ tăng nhu cầu tiêu dùng cao hơn tốc độ tăng của sản xuất cùng với hệ thống máy móc cũ, công nghệ lạc hậu nên nhiều nhà máy giấy nội địa không sản xuất được hết công suất khiến cho khả năng đáp ứng tiêu dùng nội địa ngày càng thấp và tỷ trọng nhập khẩu càng cao, tăng dần qua các năm.
Đối với vấn đề của ngành giấy hiện nay, có thể thấy “sân chơi” đang và sẽ thuộc về các DN lớn, có sự đầu tư bài bản (chủ yếu là DN FDI), còn những DN giấy trong nước vẫn tiếp tục phát triển nhưng sẽ chiếm lĩnh thị trường cấp thấp hơn, do các loại máy chỉ sản xuất dưới 400.000 tấn/năm.
Còn những dây chuyền khoảng 10.000 – 20.000 tấn/năm sẽ bị đào thải dần vì không đủ công nghệ xử lý môi trường và cũng không thể chịu nổi mức xử phạt đã tăng lên rất cao, chưa nói tới năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm.
Dù xác định mở rộng quy mô nhưng các DN giấy vẫn chú trọng hơn vào thị trường trong nước bởi việc xuất giấy gặp nhiều khó khăn, nhất là về giá vận chuyển khi sản phẩm giấy có đặc thù là hàng có kích thước lớn nhưng giá trị nhỏ.
Với thị trường nước ngoài, giới chuyên gia nhận định Việt Nam chưa đủ sức “đấu” lại hai đối thủ rất mạnh là Thái Lan và Trung Quốc nên cần có sự chuẩn bị thận trọng hơn.
Trước mắt, thị trường trong nước tuy có nhiều đối thủ nhưng vẫn còn nhiều dư địa. Tuy nhiên, đứng trước nguy cơ thâu tóm từ khối ngoại, các DN giấy nội địa sẽ phải lựa chọn, hoặc cạnh tranh đến cùng hoặc “bán mình”.
Thị trường giấy Việt Nam thực tế còn nhiều khoảng trống, đặc biệt phân khúc sản phẩm giấy bao bì và giấy tiêu dùng vốn đang có sự tăng trưởng tốt nhờ vào sức tăng trưởng của nền kinh tế hiện nay. Do đó, đây là các mảng thị trường phát triển tiềm năng trong tương lai để các DN giấy nội địa hướng tới.