Hiện khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi ngày ở TPHCM khoảng 8.300 tấn nhưng công nghệ xử lý hiện nay chủ yếu vẫn là chôn lấp chiếm nhiều diện tích đất, phát sinh ô nhiễm về mùi, nước rỉ rác,…
Mỗi ngày TPHCM thải ra 8.300 tấn rác
Sáng 11.6, Hội đồng nhân dân TP.HCM khóa IX tổ chức kỳ họp bất thường (kỳ họp thứ 4) chuyên đề Công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn TPHCM.
Báo cáo tại kỳ họp, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết, TP đang chịu áp lực lớn bởi ba tác động môi trường gồm: nước thải với gần 1,8 triệu m3 mỗi ngày; khí thải từ 7,9 triệu phương tiện giao thông và 839 nguồn khí thải công nghiệp; chất thải rắn sinh hoạt thải ra môi trường khoảng 8.300 tấn mỗi ngày và rất nhiều nguồn thải khác.
Ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, để xảy ra tình trạng ô nhiễm, một phần do quản lý nhà nước quản lý chưa tốt, chưa quản lý được thu gom rác công lập; thiết bị thu gom rác thải dân lập quá cũ, thô sơ, một số phương tiện vận chuyển rác đã cũ, việc kết nối giữa thu gom tại nguồn và vận chuyển không đồng bộ. Đáng chú ý là công nghệ xử lý hiện nay chủ yếu vẫn là chôn lấp chiếm nhiều diện tích đất, phát sinh ô nhiễm về mùi, nước rỉ rác…
Ông Thắng cho biết, chủ trương của thành phố phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ chôn lấp rác thải xuống còn dưới 60% bởi hiện nay tỷ lệ chôn lấp chiếm đến 76%.
Trong đó, Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) xử lý tại bãi rác Đa Phước bằng công nghệ chôn lấp 5.500 tấn/ngày với giá xử lý 20,9 đô la Mỹ/tấn, Công ty Vietstar Lemna (Mỹ) xử lý làm phân compost 1.500 tấn/ngày với giá xử lý 19 đô la Mỹ/tấn, Công ty Tâm Sinh Nghĩa làm compost và đốt 1.300 tấn với giá xử lý 20,38 đô la Mỹ/tấn và Công ty Môi trường đô thị TPHCM chôn lấp 500 tấn/ngày với giá xử lý 360.000 đồng/tấn.
Cũng theo ông Thắng, dự báo đến năm 2020, tổng khối lượng rác thành phố thải ra tăng lên 10.080 tấn mỗi ngày (tăng bình quân 5% mỗi năm) và đến năm 2025 tăng lên gần 13.000 tấn/ngày và xu hướng thành phố sẽ giảm tỷ lệ chôn lấp đến năm 2025 xuống còn 20%.
Đến 2020, phân loại chất thải rắn tại nguồn đạt 50%
Ông Lê Văn Khoa – Phó Chủ tịch UBND TPHCM – cho biết, việc phân loại rác tại nguồn được TP thí điểm từ 2008 – 2015 nhưng không mang lại hiệu quả. Từ năm 2015 đến nay TP đã thí điểm phân loại rác tại nguồn cho 6 quận/huyện nhưng tỷ lệ đạt rất thấp, trung bình 20 – 30%. Ông Khoa cho biết từ 2016 – 2020 TPHCM quyết đạt chỉ tiêu phân loại rác tại nguồn trên 50%. Ngoài ra TP cũng xem xét, tính toán chính sách hỗ trợ cho người dân phân loại rác tại nguồn.
Phát biểu tại kỳ họp HĐND thành phố, đại biểu HĐND thành phố Nguyễn Mạnh Trí đề xuất thành phố nên có chính sách hỗ trợ như giảm tiền thu gom rác cho các hộ dân nào thực hiện tốt việc phân loại rác tại nguồn để khuyến khích người dân phân loại rác hơn nữa bởi tỷ lệ phân loại hiện còn thấp. Bên cạnh đó, thành phố nên đề ra chế tài xử lý những hộ dân không thực hiện tốt phân loại rác tại nguồn.
“Dù rác có được phân loại tại nguồn nhưng khi đến các khu xử lý bị đổ dồn chung thì công sức của người dân cũng không hiệu quả" - đại biểu Võ Thanh Luân nói thêm và đề xuất thành phố cần sớm đầu tư hoàn thiện công nghệ xử lý rác tiên tiến, giảm chôn lấp.
Tại kỳ họp, các đại biểu đã thông qua nghị quyết về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn TPHCM. Trong đó, công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt áp dụng công nghệ phù hợp, không gây ô nhiễm môi trường. Các trạm trung chuyển phải sử dụng công nghệ khép kín, đạt chuẩn, có hệ thống xử lý môi trường đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường khu vực xung quanh.
Xây dựng lộ trình, kế hoạch, chỉ tiêu cụ thể để đến năm 2020 chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập thành các HTX hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân. Xây dựng lộ trình cụ thể đến năm 2020 giảm tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn xuống còn 50% (hiện nay tỷ lệ chôn lấp 76%), đến năm 2025 là 20%,…