Không ít người đã phải giật mình khi biết giấy tiêu dùng, trong đó có giấy ăn được làm từ nhiều loại phế phẩm. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Thế nhưng, hiện chúng ta vẫn chưa ban hành được quy chuẩn cụ thể nào về chất lượng cũng như những chế tài đối với việc sản xuất các mặt hàng này.
Cần ban hành những quy định cụ thể về tiêu chuẩn
và điều kiện sản xuất giấy tiêu dùng
Ảnh: Lam Hồng
Chưa có tiêu chuẩn quản lý chất lượng cụ thể
Thị trường giấy tiêu dùng (giấy ăn, giấy vệ sinh, giấy lau mặt, trang điểm...) rất phong phú về mẫu mã, chủng loại nguồn gốc xuất xứ. Theo kết quả thống kê, Việt Nam đang có khoảng 432 nhãn hiệu giấy tiêu dùng nhưng chất lượng, mức độ an toàn với sức khoẻ đối với người sử dụng của các sản phẩm này cũng khác nhau. Trong đó, có rất nhiều loại giấy được sản xuất từ nguyên liệu, công nghệ không đạt yêu cầu, không đảm bảo vệ sinh và an toàn cho sức khoẻ của người sử dụng. Có những nguồn sản phẩm được sản xuất từ dây chuyền cũ kỹ, lạc hậu, nguồn nguyên liệu không được đảm bảo, kỹ thuật xử lý – tái chế rất cẩu thả nên dư lượng hóa chất, chất bẩn và vi khuẩn rất cao trong giấy thành phẩm. Nhiều chuyên gia về tiêu hóa cho rằng, các loại giấy thiếu an toàn này có khả năng gây dị ứng, tổn thương, tiêu chảy... Đặc biệt là với trẻ em và những người sức khỏe không ổn định. Hơn nữa, có những nguồn giấy được nhập khẩu từ Trung Quốc được cảnh báo là có hàm lượng chất gây nguy cơ ung thư cao vẫn đang được bán rất nhiều trên thị trường.
Nguy hiểm là vậy, nhưng đến nay, hầu như chưa có những quy định quản lý chất lượng cụ thể nào dành cho lĩnh vực sản phẩm trên để có thể phân định những sản phẩm an toàn hoặc có biện pháp ngăn trừ đối với sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn, giúp thị trường được minh bạch, đảm bảo an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng.
Trong thời gian qua, nhiều nhãn hiệu lớn đã liên tục “kêu cứu”, báo động về tình trạng bị nhái - giả, bị cạnh tranh không lành mạnh. Có quá nhiều mẫu sản phẩm bị nhái bao bì, hình thức gần giống với hàng thật, giá bán gần tương đương nhưng bên trong là những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ và không đảm bảo được chất lượng, độ an toàn...
Nhiều doanh nghiệp lo ngại, nếu không được khắc phục, vấn nạn hàng nhái - hàng giả sẽ khiến những doanh nghiệp chân chính bị thiệt thòi, không có cơ hội phát triển và phục vụ người tiêu dùng trong nước như nỗ lực và mong đợi chung của toàn xã hội.
Không nên thay thế, sử dụng bừa bãi
Điều đáng lo ngại nhất là có quá ít người nghĩ việc sử dụng thay thế các loại giấy ăn bằng giấy vệ sinh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, bởi vì họ cho rằng chỉ dùng bên ngoài.
Được biết, trong giấy nói chung và giấy ăn nói riêng thường có chứa các chất clor, đặc biệt trong đó có cả các chất độc hại như policlobiphenyl (có thể gây ung thư) để tẩy trắng giấy. Tùy thuộc vào quy trình công nghệ mà mỗi loại giấy sẽ có mức nồng độ các chất policlobiphenyl khác nhau. Dù hàm lượng thấp nhưng chất này vẫn có thể gây các bệnh nguy hiểm khác. Đó là chưa kể việc sử dụng giấy vệ sinh thay thế giấy ăn có thể gây nhiễm khuẩn dẫn đến các bệnh đường tiêu hóa như thương hàn, kiết lỵ, thậm chí viêm gan; các bệnh đường hô hấp; bệnh ngoài da...
Theo các chuyên gia nghiên cứu, các loại giấy vệ sinh được sản xuất bằng cách tận dụng lại giấy cũ, dù không tẩy trắng nhiều bằng các loại giấy khác nhưng trong bản thân nó đã tích lũy chất policlobiphenyl. Vì thế, việc dùng lại giấy cũ và với kỹ thuật sản xuất gia công giấy lạc hậu như hiện nay sẽ cho các sản phẩm giấy không hợp vệ sinh và tiềm ẩn nguy cơ gây độc rất cao.
Việc sản xuất giấy ăn chỉ có thể sử dụng nguyên liệu được lấy từ các nguồn như gỗ, các loại cỏ, trúc, còn việc sản xuất giấy vệ sinh ngoài việc sử dụng các sợi nguyên liệu thì còn có thể tận dụng nguyên liệu thu hồi từ các loại giấy in, giấy photo. Về quy định môi trường sản xuất, tiêu chí chất lượng và tiêu chuẩn vệ sinh của giấy ăn đều nghiêm ngặt hơn giấy vệ sinh rất nhiều. Nhưng hiện nay, những quy định này tại Việt Nam dường như còn bỏ ngỏ. Và tất nhiên những thiệt hại về sức khỏe đều đổ trút vào người tiêu dùng.
QUỐC ĐỊNH
Theo Đại đoàn kết