if ($site_keyword) { $site_keyword = str_replace(" & "," & ",$site_keyword); $site_keyword = strip_tags($site_keyword); ?> } ?> if ($site_description) { $site_description = str_replace(" & "," & ",$site_description); $site_description = strip_tags($site_description); ?> } ?>
Theo số liệu của Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh Nam Định hiện có gần 200 doanh nghiệp và hàng nghìn cơ sở sản xuất, hộ cá thể thuộc nhóm ngành chế biến gỗ, giấy và lâm sản phân bố rải rác trong các làng nghề truyền thống, các khu, CCN tại các huyện, thành phố. Ngành công nghiệp chế biến gỗ, giấy và lâm sản đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 35 nghìn lao động, chiếm trên 22% tổng số lao động tham gia sản xuất CN-TTCN toàn tỉnh với các loại sản phẩm chính là: gỗ xẻ, đồ gỗ (dân dụng, xây dựng), hàng cói, hàng mây tre đan, sơn mài, tre nứa ghép, các sản phẩm giấy (bìa, giấy vệ sinh, giấy dầu)… Trong đó, các sản phẩm từ mây tre đan, cói và đồ gỗ mỹ nghệ có thế mạnh về xuất khẩu.
9 tháng đầu năm 2013, giá trị sản xuất công nghiệp ngành chế biến gỗ, giấy và lâm sản ước đạt trên 1.807 tỷ đồng, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2012 và chiếm tỷ trọng 14,8% giá trị sản xuất toàn ngành. Đây là một trong 3 ngành công nghiệp đóng góp giá trị sản xuất lớn nhất cho ngành Công nghiệp của tỉnh. Để có được kết quả đó, những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương lập quy hoạch, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tham mưu với tỉnh để định hướng chỉ đạo, ban hành các cơ chế hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện về thủ tục, mặt bằng, vốn… để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ cá thể đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ cá thể tại các làng nghề, các khu, CCN trên địa bàn tỉnh đã không ngừng nỗ lực đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng xây dựng thương hiệu, tạo dựng uy tín để chiếm lĩnh thị trường.
Đến nay, nhóm ngành công nghiệp chế biến gỗ, giấy và lâm sản đã phát triển rộng khắp 10/10 huyện, thành phố trong tỉnh. Tại huyện Ý Yên, ngành chế biến gỗ không chỉ phát triển ở các làng nghề truyền thống có thế mạnh như: La Xuyên, Ninh Xá (xã Yên Ninh), Hoàng Giang (Yên Trị), Cát Đằng (Yên Tiến)… mà còn phát triển mạnh ở các xã: Yên Khánh, Thị trấn Lâm, Yên Hồng…
Ở huyện Trực Ninh nghề mộc mỹ nghệ không chỉ phát triển mạnh ở xã Trung Đông, những năm gần đây còn được mở rộng sang Thị trấn Cổ Lễ; nghề thủ công mỹ nghệ xuất khẩu (từ nguyên liệu bèo tây, bẹ chuối) là thế mạnh ở xã Trực Tuấn. Huyện Vụ Bản có 5 làng nghề truyền thống, trong đó có 2 làng nghề thuộc nhóm ngành chế biến gỗ, giấy và lâm sản ở các xã: Vĩnh Hào, Liên Minh... Những năm gần đây, ở huyện Hải Hậu, ngành công nghiệp chế biến gỗ, giấy và lâm sản cũng phát triển với nghề mộc gia dụng ở các xã: Hải Minh, Hải Phương, Hải Trung… Nhiều doanh nghiệp trong nhóm ngành chế biến gỗ, giấy và lâm sản đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, xây dựng nhà xưởng đồng bộ tại các khu, CCN; đổi mới công nghệ, áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, không chỉ phục vụ nhu cầu của thị trường nội tỉnh, nội địa mà còn hướng tới xuất khẩu.
Là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực chế biến gỗ, mỗi năm Cty CP Lâm sản Nam Định đạt doanh thu trên 400 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 20 triệu USD, tạo việc làm cho trên 2.200 lao động với thu nhập bình quân trên 3,2 triệu đồng/người/tháng. Cty đã hoàn thành và đưa vào sử dụng Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu tại KCN Bảo Minh với tổng diện tích trên 5ha, tạo việc làm cho trên 600 lao động địa phương. Năm 2013, Cty phấn đấu đạt doanh số xuất khẩu từ 6-8 triệu USD từ Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu tại KCN Bảo Minh, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn Cty lên 25 triệu USD.
Cty TNHH Đoàn Kết (KCN Hòa Xá) hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chế biến lâm sản với các sản phẩm chính là các loại: giường, tủ, bàn ghế, cánh cửa đã tạo việc làm ổn định cho 60 lao động với thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Mỗi tháng, Cty tiêu thụ trên 300m3 gỗ nguyên liệu (được nhập khẩu từ các nước Lào, Indonesia), doanh thu hằng năm đạt từ 120-130 tỷ đồng. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của thị trường, ngoài hệ thống máy móc sản xuất hiện đại, Cty đã đầu tư gần 4 tỷ đồng xây dựng 1 lò hấp sấy gỗ nguyên liệu công suất tối đa 90m3 gỗ/mẻ. Nhờ đó, các sản phẩm của Cty không chỉ được tăng độ bền, chống mối mọt mà còn giảm tối đa các đặc tính co ngót, cong vênh của gỗ khi chịu tác động của thời tiết và thời gian sử dụng. Năm 2012, ngoài thị trường nội địa, các sản phẩm của Cty đã được xuất khẩu sang các nước: Nhật Bản, Đài Loan với tổng kim ngạch trên 500 nghìn USD.
Cty CP Vĩnh Trường (KCN Hòa Xá) chuyên sản xuất các loại thùng, hộp các tông, tháng 5-2013, Cty đã đầu tư trên 1 tỷ đồng lắp đặt dây chuyền sản xuất bìa các tông sóng dài 40m, khổ rộng 2,2m, có thể sản xuất được các sản phẩm khổ rộng 1,35m, dài 2,43m, năng suất được nâng từ 5 tấn lên 8 tấn sản phẩm/ngày, tạo việc làm ổn định cho 40 lao động.
Mục tiêu đề ra cho ngành công nghiệp chế biến gỗ, giấy và lâm sản giai đoạn 2011-2015 là phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất 27%/năm. Để hoàn thành mục tiêu đó, chiến lược phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ, giấy và lâm sản là gắn với các đầu mối cung cấp, xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh để phát triển những mặt hàng có lợi thế so sánh và khả năng cạnh tranh. Khuyến khích phát triển mạnh các cơ sở sản xuất, chế biến ở khu vực nông thôn, làng nghề truyền thống, tạo việc làm cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Việc đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp cơ sở chế biến đảm bảo yêu cầu công nghệ hiện đại, thiết bị tiên tiến kết hợp với công nghệ thiết bị truyền thống và có quy mô phù hợp với khả năng cung ứng nguyên liệu và mặt hàng nhằm nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh và bảo vệ môi trường sinh thái để ngành phát triển bền vững và hiệu quả.
Thực hiện định hướng phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ, giấy và lâm sản của UBND tỉnh, Sở Công thương đã xây dựng quy hoạch phát triển ngành theo từng giai đoạn. Trong giai đoạn 2011-2015 tập trung liên doanh, liên kết, đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu cho một số nhà máy chế biến gỗ của các doanh nghiệp lớn của ngành như Cty CP Lâm sản Nam Định tại KCN Hòa Xá, KCN Bảo Minh, các Cty TNHH Hoa Phương, Lệ Phương, 27-7, dây chuyền sản xuất gỗ ván nhân tạo xuất khẩu của Cty TNHH Hiền Oanh. Hỗ trợ công nghệ để nâng cấp các cơ sở mây, tre cuốn xuất khẩu tại huyện Ý Yên. Tiếp tục phát triển các làng nghề, kết hợp sản xuất đồ gỗ, tre nứa, thủ công mỹ nghệ dân dụng với sản xuất đồ gỗ công nghiệp.
Trong giai đoạn 2016-2020 tiếp tục nâng công suất dây chuyền sản xuất gỗ ván nhân tạo lên gấp đôi giai đoạn 2011-2015; nâng cấp các cơ sở sản xuất sản phẩm mộc gia dụng, văn phòng phục vụ xuất khẩu… tại Thành phố Nam Định. Đầu tư chiều sâu kết hợp với phát triển các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ mỹ nghệ xuất khẩu, các sản phẩm từ nguyên liệu tre, nứa tại các làng nghề truyền thống. Nâng công suất các cơ sở sản xuất giấy, bìa các tông đang hoạt động trên địa bàn tỉnh; đầu tư, xây dựng mới nhà máy sản xuất bao bì từ nguyên liệu giấy cao cấp (từ 1-5 lớp) phục vụ cho nhu cầu đóng gói, bảo quản hàng hóa chất lượng cao, công suất 10 triệu sản phẩm/năm và xây dựng cơ sở tái chế giấy để sản xuất giấy bìa các tông, giấy vệ sinh các loại.
Trên cơ sở định hướng phát triển của UBND tỉnh, quy hoạch của ngành Công thương giai đoạn 2011-2020, để mở rộng và phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ, giấy và lâm sản theo hướng bền vững các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải không ngừng đổi mới công nghệ, có chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng tính cạnh tranh, tiến tới xây dựng thương hiệu để giữ vững thị trường. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cần tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, vừa giữ vững thị trường truyền thống vừa mở rộng phát triển thị trường mới. Các ngành chức năng cần hỗ trợ đào tạo nghề, giúp các làng nghề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển./.
Thành Trung (Báo Nam Định)
703 Views
0 comment
1237 Views
0 comment
703 Views
0 comment
2065 Views
0 comment
22495 Views
0 comment
16806 Views
0 comment