if ($site_keyword) { $site_keyword = str_replace(" & "," & ",$site_keyword); $site_keyword = strip_tags($site_keyword); ?> } ?> if ($site_description) { $site_description = str_replace(" & "," & ",$site_description); $site_description = strip_tags($site_description); ?> } ?>
Nhân kỷ niệm 10 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam, PV Báo SGGP đã gặp gỡ một số doanh nhân. Họ đến từ nhiều ngành, nghề khác nhau nhưng đều chung kỳ vọng: cuộc cải tổ về thể chế, chính sách điều hành, quản lý kinh tế cần mạnh mẽ hơn để tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp (DN) phát triển vững mạnh.
Ông Cao Tiến Vị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn: Mong muốn cải tổ nhanh, mạnh về thể chế
Ngay từ đầu năm 2014, Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực để kiểm soát kinh tế ở tầm vĩ mô và mang lại hiệu quả nhất định. Biểu hiện rõ nhất là lãi suất ngân hàng đã giảm. Tuy vậy, kinh tế năm 2014 vẫn còn ngổn ngang, sức mua vẫn chưa thực sự khởi sắc.
Vì sao những nỗ lực của Chính phủ rất đáng ghi nhận nhưng kinh tế vẫn chậm chuyển dịch? Đó là do chính quyền các địa phương chưa triển khai quyết liệt các cơ chế chính sách để tháo gỡ khó khăn cho DN. Các thủ tục hành chính vẫn chưa được cải cách thực sự, gây ách tắc cho DN. Từ ASEAN tới WTO cũng là cơ hội lớn, một chặng đường khá dài cho DN tập dượt, song nhìn lại kết quả vẫn còn rất hạn chế. Luật pháp Việt Nam cũng gần tương thích với thế giới nhưng điều quan trọng nhất chính là bộ máy vận hành chưa được tương thích. Chúng ta đã để thất thoát hàng ngàn tỷ đồng, nhưng tại sao lại không bỏ ra vài trăm tỷ đồng tăng lương cho đội ngũ cán bộ, công chức để họ toàn tâm, toàn ý vì công việc, vì lợi ích chung của DN, của đất nước? Tôi nghĩ, nếu bây giờ Chính phủ quyết tâm cải tổ mạnh, nhanh các thể chế, chắc chắn sẽ có những kết quả sớm trong thời gian tới.
Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10, tôi mong muốn Chính phủ hãy tiếp tục thổi nhiệt huyết tất cả vì một đất nước Việt Nam giàu mạnh đến các thế hệ doanh nhân. Chúng ta phải tăng cường tính giáo dục vì cộng đồng, vì đất nước, đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là cấp có thẩm quyền ở các địa phương. Hơn lúc nào, các DN đang rất cần niềm tin từ Chính phủ. Chính niềm tin đó là động lực giúp họ đột phá, có thể là chấp nhận mạo hiểm hơn và chấp nhận đầu tư dài hạn trong bối cảnh Việt Nam có nhiều cơ hội, nhưng thách thức cũng không ít.
Một vấn đề DN quan tâm trong giai đoạn hiện nay là hệ thống pháp luật để xây dựng hàng rào kỹ thuật bảo vệ DN trong nước còn rất yếu. Việc này không thể tự các DN làm được, mà phải từ phía Chính phủ. Đây là công cụ tối quan trọng để bảo vệ và giúp DN hạn chế những rủi ro thấp nhất trong nền kinh tế hội nhập.
Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Thành Đạt: Áp lực cạnh tranh ngày càng dữ dội
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là kết thúc năm tài chính 2014 nhưng diễn tiến của nền kinh tế chưa có dấu hiệu tốt lên. Mặc dù lãi suất giảm nhưng do sức mua yếu nên nhiều DN vẫn chưa mạnh dạn vay vốn phát triển sản xuất.
Trong ngành chăn nuôi, gần đây không có DN nào có ý định tăng tổng đàn, thậm chí đã xuất hiện một số DN buộc giảm sản lượng. Nguyên nhân sâu xa, chính là các DN chăn nuôi trong nước, những năm gần đây liên tục rơi vào tình trạng làm ăn không lãi do mức độ cạnh tranh ngày càng lớn. Ở mặt hàng trứng gà công nghiệp, một số công ty, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã không “đối đầu” được với các tập đoàn nước ngoài tại Việt Nam. Tình hình này đã buộc công ty phải cơ cấu lại mặt hàng và định hướng lại sản xuất kinh doanh, chuyển các trang trại nuôi gà quy mô nhỏ dưới 10.000 con sang nuôi gà ác và gà ta.
Trên thực tế, việc chuyển hướng này đã thực hiện từ năm 2011, nhưng đến năm 2013 mới mang lại kết quả. Riêng năm 2014, Vĩnh Thành Đạt cũng không có sự đầu tư mới, tiếp tục cơ cấu lại các nhóm ngành hàng để có thể cạnh tranh tốt hơn.
Theo tôi, để nền kinh tế phát triển, khơi thông sức mua, Chính phủ cần quyết liệt hơn nữa trong việc cải cách thủ tục hành chính, tạo cơ chế, hành lang pháp lý theo hướng minh bạch, công khai mới có thể thúc đẩy mọi nguồn lực tham gia đầu tư, sản xuất kinh doanh. Đồng thời, có sự đầu tư thỏa đáng cho ngành nông nghiệp, bằng không chúng ta sẽ khó cạnh tranh trong thời gian tới. Vì sao một đất nước với khoảng 70% dân số sống ở các vùng nông thôn; có rất nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp nhưng một số ngành, sản phẩm lại có nguy cơ thua ngay trên sân nhà? Đây không chỉ là trăn trở của các DN trong ngành, mà đã trở thành nỗi lo chung trong bối cảnh chúng ta đã hội nhập rất sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới. Hơn lúc nào, ngành nông nghiệp cần một cuộc “đại phẫu” và tái cấu trúc lại cơ cấu các ngành, hàng, trong đó có sự đầu tư đúng mức về tài chính, mới có thể phát triển trong thời kỳ mới.
Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức: Nên nhìn nhận bất động sản như những thị trường khác
Bất động sản (BĐS) phụ thuộc vào vĩ mô, hiện nay thị trường có khởi sắc, tuy nhiên nỗi lo vẫn còn đó, vì tổng cầu thấp, nợ xấu chưa được xử lý triệt để nên thị trường chỉ từng bước hồi phục. Phân khúc sôi động hiện nay chủ yếu là căn hộ có giá bán thấp, còn lại vẫn yếu. Tuy Luật Đất đai mới được nhìn nhận đã tháo gỡ nhiều vướng mắc nhưng dấu hiệu vẫn chưa rõ, lại xuất hiện nhiều ràng buộc mới.
Hiện nay Hiệp hội BĐS TPHCM đã trình trung ương tháo gỡ các vướng mắc để thị trường hồi phục mạnh mẽ hơn. Cụ thể, vấn đề dự án chậm triển khai sẽ được gia hạn, nhưng lại phải đóng thêm tiền sử dụng đất, vô hình trung làm khó nhà đầu tư; rồi tiền ký quỹ, nên quy định mức độ vừa phải để không thành gánh nặng cho DN, làm giá nhà tăng cao vì phải tính vào giá thành; thủ tục lập dự án mới nên đơn giản hơn; chuyển nhượng dự án cũng vậy, người dân chuyển nhượng ngôi nhà thì vô cùng đơn giản nhưng khi chủ đầu tư chuyển nhượng dự án lại hết sức khó khăn... Thủ tục càng khó khăn, dễ tạo kẽ hở cho tiêu cực. Nói chung, nên nhìn nhận thị trường BĐS bình đẳng như những thị trường khác, sự vận hành sẽ minh bạch, đem lại lợi ích cho nền kinh tế tốt hơn.
Ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH Nam Tường: Chính quyền luôn sâu sát, đồng hành với doanh nghiệp
Doanh nghiệp người Hoa trên địa bàn TPHCM luôn được nhà nước quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất trong hoạt động kinh doanh. Lúc kinh tế khó khăn, Nhà nước đã ban hành chính sách miễn, giảm thuế cho DN. Ngay Công ty Nam Tường của chúng tôi cũng được giảm thuế 2 năm - một chính sách vô cùng ý nghĩa đối với DN trong lúc khó khăn. Đặc biệt, chúng tôi luôn được lãnh đạo TP quan tâm hỗ trợ, giải quyết kịp thời mọi gút mắc. Tôi nhớ, năm trước, khi có thông tin yến bị nhiễm cúm H5N1 khiến các DN yến sào lao đao vì thị trường không người tiêu thụ. Hội yến sào chúng tôi phải họp và kiến nghị chính quyền hỗ trợ biện pháp tháo gỡ. Sau khi lãnh đạo cho phân tích để xác định có hay không dịch bệnh trong yến, kết quả yến sào không bị nhiễm dịch. Kết quả đó được cơ quan chức năng công bố công khai đến DN và người dân. Nhờ vậy, thị trường yến được “cứu” kịp thời, người tiêu dùng yên tâm sử dụng, DN yên tâm sản xuất.
Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, do yến Việt Nam đã xuất khẩu đi Malaysia, nhưng hiện nay, hoạt động xuất nhập khẩu tại Hải quan còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể là ngành hàng yến chưa có giá tính thuế ổn định. Do vậy, chúng tôi rất mong nhà nước nhanh chóng ban hành các quy định, kịp thời tạo điều kiện giúp DN vươn ra thế giới.
Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH SX & TM Tân Quang Minh: Tạo cơ hội đồng đều cho mọi loại hình doanh nghiệp
Khi Ngày Doanh nhân đến gần, bản thân tôi có cảm giác nhẹ nhàng, đó như là sự hưng phấn khi trút bỏ được những lo âu đã đè nặng trong mấy năm qua, khi nền kinh tế nước ta gặp những thăng trầm, sức tiêu thụ trầm lắng, làm cho các DN, trong đó có chúng tôi phải trải qua thời kỳ đầy khó khăn. Đến nay, không phải toàn ngành kinh tế khởi sắc, nhưng chúng tôi đã cảm nhận được những đổi thay, có những bước đi vững chắc, nhất là những DN đã vượt qua khó khăn.
Phải nói rằng từ năm 2008 đến nay, đặc biệt là sau năm 2010, Chính phủ, các bộ, ngành đã có những chính sách hỗ trợ và quan tâm đến những khó khăn của DN. Tôi tâm đắc nhất là gói hỗ trợ về lãi suất ngân hàng, chính sự hỗ trợ về lãi suất ưu đãi đã cho DN những cơ hội mới, giúp DN ổn định và giảm chi phí tài chính. Một trong những yếu tố giúp cho DN hưng phấn nhiều hơn, đó là sự lắng nghe của Chính phủ. Chẳng hạn, vừa qua khi có dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào nước ngọt có ga, Văn phòng Chính phủ đã mời DN, hội đoàn phản biện, đưa ra ý kiến.
Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam, cũng như các doanh nhân khác trên cả nước, tôi mong muốn Chính phủ lắng nghe nhiều hơn và có những chủ trương chính sách phù hợp với thực tế nền sản xuất Việt Nam; tạo cơ hội đồng đều giữa các DN trong việc tiếp cận chính sách để phát triển. Đối với tất cả doanh nhân Việt Nam, hãy mạnh mẽ hơn nữa để vươn lên vượt qua giai đoạn khó khăn và cùng nhau đưa nền kinh tế đất nước có bước tăng trưởng tốt hơn.
703 Views
0 comment
1237 Views
0 comment
703 Views
0 comment
2065 Views
0 comment
22495 Views
0 comment
16806 Views
0 comment