2014 được cho là năm đầy thách thức với các doanh nghiệp. Vì thế, để doanh nghiệp đi đến thành công, các giám đốc điều hành (CEO) có thể được ví như những chiến binh trên lưng chiến mã.
Hữu Liên Á Châu (HLAC) kết thúc một năm 2013 không vui khi lỗ 100 tỉ đồng, trong khi mục tiêu lợi nhuận là 46 tỉ đồng, Ông Trần Tuấn Nghiệp, Tổng Giám Đốc của HLAC, tâm sự: “Ở vai trò lãnh đạo, tôi nhìn nhận mình đã lỗi hẹn với các cổ đông. Và dĩ nhiên, năm 2014, chúng tôi không thể trông đợi vào một phép màu mà phải cố gắng hết sức để khắc phục những điểm yếu trong 2013".
Ông Nghiệp cũng cho rằng, đã mang trọng trách của một CEO thì không thể lấy sự thành bại trong phút chốc để luận hay dở, quan trọng nhất là tinh thần “há sợ gươm đao” của chiến binh trên lưng chiến mã, vốn không còn cách nào khác là phải lao về phía trước. Nhiệm vụ vừa phải kinh doanh hiệu quả, đảm báo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động, vừa phải đối phó với những biến động không ngừng của các yếu tố kinh tế vĩ mô lẫn biến động của riêng ngành thép, là không dễ. “Tôi cho rằng HLAC vượt qua được cơn bão kinh tế 2013 đã là một khích lệ lớn mà chỉ những ai ở vào trường hợp cụ thể này mới có thế thấu hiểu được", ông Nghiệp tâm sự.
Bất ổn vĩ mô là một trong những lý do mà nhiều doanh nghiệp đã nhìn thấy, bên cạnh khó khăn của thị trường. Doanh số quảng cáo trên màn hình LCD đang có những tín hiệu không tốt từ khách hàng nên Tổng giám đốc Công ty Goldsun Focus Media Trần Thị Lan Thanh buộc phải đi tìm nguyên nhân, lần theo dấu vết của từng nút thắt từ chính sách, nợ xấu, bất động sàn, công ăn việc làm ảnh hưởng đến túi tiền người tiêu dùng...
Bà Thanh là người từng xếp hàng hàng giờ để vào uống cà phê Starbucks hồi quán này mới khai trương để tìm hiểu về hành vi khách hàng. Nay, chứng kiến những con số không vui trong doanh thu của hai ngành kinh doanh chính là quảng cáo trên màn hình LCD và quảng cáo trên điện thoại di động, bà có thêm mối bận tâm mới: kinh tế vĩ mô, “Năm 2014, bão có thể tan nhưng những tàn tích của nó vẫn còn. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải dọn dẹp những thứ đó", bà Thanh ví von khi nói về triển vọng trong năm mới.
Thị trường khó là điều ai cũng nói đến, nhưng chẳng lẽ cứ than vãn mãi, Theo bà Thanh, vấn đề là phải tìm ra các giải pháp để vượt qua. Và chiến lược thay đổi, từ chuyện “bán cái thị trường cần thay vì bán cái mình có”, cho đến “thuyết phục cổ đông cho phép lỗ” để vực dậy thị trường trong năm tới, tất cả đều là những chuyện mới, chuyện lớn. Như quảng cáo trên điện thoại chẳng hạn, ai cũng nói đến tiềm năng, nhưng để biến thành tiền thì không đi. Trên điện thoại di động, mọi thứ dường như là miễn phí, từ OTT đến mạng xã hội, đến các công nghệ khác. Phải cho thị trường thử trước rồi mới phát triển được.
“Làm gì thì làm, phải quan sát túi tiền và hành vi của người tiêu dùng để có cách hành xử cho đúng. Các chỉ số kinh tế và cách ứng xử của các ngành hàng dẫn đến sự dịch chuyển của các nhà quảng cáo. Kinh tế dịch chuyển, thì mình cũng phải xoay chuyển theo", bà Thanh tâm sự.
Giám đốc điều hành Công ty cổ phẩn Sữa Quốc tế (IDP) Trần Bảo Minh, cho biết doanh thu năm 2013 đã không như kỳ vọng và thị trường sữa đã chứng kiến những cuộc cạnh tranh thực sự khốc liệt, từ các dự án đầu tư lớn đến những cú ra đòn nhanh. Dạo gần đây, người đàn ông được mệnh danh là “phù thủy marketing” này bị “dính” tin đồn rời IDP để đầu tư cho một công ty khác. Ông Minh khẳng định với TBKTSG rằng mình vẫn ở IDP và trong khoảng đầu năm 2014 “sẽ tung ra một trận đánh lớn”.
Cũng đầy tâm trạng, ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn, đã nói ngắn gọn với TBKTSG về “âm mưu” trong năm 2014: “Phải tồn tại đã, chưa nói chuyện tăng trưởng hay phát triển vội, và phải tái cấu trúc liên tục theo sự thay đổi hiện nay”.
Mới đây, Giấy Sài Gòn đã thuê ba chuyên gia ngành giấy người Canada tham gia điều hành nhà máy. Điều này khiến công ty phải trả chi phí cao, nhưng bù lại, những kinh nghiệm thị trường của họ sẽ giúp hạn chế được nhiều rủi ro trong kinh doanh.
Chiến lược của Giấy Sài Gòn cũng chỉ được hoạch định ngắn hạn, trước mắt, nhằm giữ cho đội ngũ được ổn định, sản lượng đạt yêu cầu, sản xuất hiệu quả.
“Năm 2014 này, khoan nhắc đến thắng lợi hay thành công, điều cần làm thứ nhất là cũng cố nền tảng, thứ hai là tinh giản hiệu quả bộ máy, và thứ ba là tổ chức lại hoạt động doanh nghiệp sao cho thực tế hơn.
Ông Vị, người đã chuyển vai trò từ Chủ tịch sang Tổng giám đốc của Giấy Sài Gòn sau khi ông Mai Hữu Tín mua lại cổ phần từ các đối tác đầu tư Nhật Bản, nói rằng, không như các CEO của doanh nghiệp nước ngoài vốn có đầy đủ các công cụ cũng như nguồn lực tài chính, CEO một công ty Việt Nam như ông phải “múa tay không" nên gặp đủ thứ chuyện nhức đầu. Hơn nữa, doanh nghiệp ông lại thuộc ngành giấy, là ngành sản xuất luôn phải đầu tư lớn cho cả trang thiết bị máy móc lẫn đổi mới công nghệ, mà lợi nhuận thì phải tính rất xa.
“Tôi nghĩ bất kỳ lĩnh vực hay ngành nghề nào cùng có những khó khăn riêng. Cũng là CEO, nhưng nếu anh may mắn ở trong một lĩnh vực tốt, thời điểm tốt, thì anh thành công hơn. Nếu anh làm trong một ngành khác, gặp thời điểm bất lợi, thì hiệu quả và lợi nhuận có thể thấp hơn. Như hiện tại, một CEO giỏi có ở trong hoàn cảnh của mình thì cũng sẽ giống như mình, vì bị kẹp trong một vòng kim cô, không có đất để diễn. Trong hoàn cảnh này thì điều cần thiết là biết chấp nhận nhưng phải vượt qua, phải thoát khỏi khó khăn. Đừng kỳ vọng ai đó sẽ mang đũa thần đến giúp phát triển!”, ông Vị nói.
Và ông tỏ ý tiếc rẻ: “Nếu thể chế tốt hơn thì doanh nghiệp của mình đã không thua doanh nghiệp các nước khác”.
Khi kinh tế khó khăn, đặc biệt là khó trong thời gian dài, đó chính là lúc người ta phải thành thật với nhau, không giấu giếm nhau. Đó cũng là lúc các con số trở nên thực tế hơn. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng tựu trang, trong con mắt các CEO, bức tranh của năm 2014 sẽ vẫn xám xịt. Nhưng sau cơn mưa trời lại sáng. Trong khó khăn, những ai còn tồn tại được sẽ có cơ hội vươn lên để tiếp tục chuẩn bị cho một cuộc chiến mới ở phía trước.
Phi Tuấn
Theo http://www.thesaigontimes.vn