Tiến sĩ Phạm Chi Lan từng nhận xét, vài năm nữa không chừng Việt Nam chỉ còn doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, số doanh nghiệp lớn trụ vững mà "thuần Việt" thực sự rất hiếm. Giấy Sài Gòn đang là một trong số hiếm hoi đó.
PV
Một Thế Giới đã
tìm gặp Tổng giám đốc Công ty - ông Cao Tiến Vị để trò chuyện thêm về thực trạng không vui này, từ góc nhìn của doanh nghiệp.
Hiện Giấy Sài Gòn vẫn là công ty 100% vốn của Việt Nam. Ông thấy đó là lợi thế hay là khó khăn trong sự cạnh tranh trên thị trường hiện nay?
Ông Cao Tiến Vị: Tôi cứ nói vui là hiện nay ngành giấy của mình nước ngoài có muốn đầu tư vào cũng có mình Giấy Sài Gòn thôi là hết rồi, doanh nghiệp Việt còn lại phần lớn là nhỏ. Đó là tôi nói vui thôi chứ mình làm không nổi nữa thì phải tính lại thôi tại vì một là tồn tại 2 là chết. Phải tính cái đường mình tồn tại thế nào chứ chẳng lẽ chết thì nó đau.
Việc tìm một nguồn vốn mới để hoạch định dài hạn là chắc chắn rồi, tiếp tục M&A nữa chứ với cái vốn của Việt Nam mình thì không thể nào dài hạn được. Chỉ có vốn vay thì không thể nào tồn tại được, phải M&A để tìm đối tác chiến lược cùng với mình đi tiếp.
Cái ý nghĩa tồn tại của doanh nghiệp Việt Nam là giúp cân bằng thị trường khi mở cửa cho doanh nghiệp nước ngoài vào, càng cạnh tranh thì người tiêu dùng được lợi. Nhưng 10 năm nữa sợ là sẽ không còn doanh nghiệp Việt Nam khi đó doanh nghiệp nước ngoài muốn bán bao nhiêu thì bán, ai can thiệp được vì họ có nhiều chiêu lắm như là chuyển giá hoặc làm nhiều thứ khác.
Đó là cái mình nhìn thấy được nhưng không biết làm gì hết. Đành chịu thôi! Ngành sản xuất giấy rất là cực, trách nhiệm đam mê lắm mới làm.
Ngành giấy bây giờ đâu có trường nào đào tạo. Trước đây chừng 5-10 năm thì có khoa công nghệ giấy ở Đại học Bách Khoa, Nông Lâm hay là Sư phạm Kỹ thuật nhưng 10 năm nay đâu còn, bỏ hết rồi.
Kiếm nguồn lực đã đủ mệt rồi mà còn những chuyện mới khác như xây nhà máy xử lý nước thải do nước ngoài thiết kế, thẩm định phải xin phép 3 năm mới xong...
Nhớ lại năm 2007 khi bắt đầu đầu tư thì chính phủ có chính sách được vay vốn đầu tư thiết bị hiện đại để hội nhập cạnh tranh. Tôi được hưởng hỗ trợ ưu đãi 50% lãi suất vay.
Đột nhiên năm 2008 cắt hết khiến công việc dở dang. Lập một dự án đầu tư lớn đến mấy ngàn tỉ tưởng được hỗ trợ cuối cùng bứt hết. Lãi suất lần đó đang 8-9% vọt lên 22%. Cắn lưỡi luôn. Làm sao kêu ai bây giờ. Giờ mua máy thiết bị rồi về làm sao?
Phải chấp nhận độ trễ mấy năm, đội vốn đội lãi mới xoay sở được mà tồn tại mới ngày hôm nay xong dự án là cả một điều lạ lùng.
Ông có nghĩ đó là sự thần kỳ không?
Thần kỳ chứ! Không hiểu tại sao mình lội ngược dòng vượt qua được nữa. Có lẽ là nhờ... ơn trời.
Mức lãi suất ngân hàng đối với doanh nghiệp có còn cao lắm không?
So với trước đây thì tốt hơn nhiều rồi. Tức là nó hơn mong đợi nhưng mà để cạnh tranh ra bên ngoài thì mình không lợi thế.
Mà bây giờ không nói lãi suất cao hay thấp mà nói sức chịu đựng của thị trường, của doanh nghiệp tới đâu mới là quan trọng. Khó khăn là đây, nhức cả đầu chưa giải xong.
Theo tôi, công tác quy hoạch vĩ mô trong nước vẫn còn loay hoay, chưa rõ nét về sự tính toán đường dài. Vẫn là xử lý tình huống là nhiều. Do vậy các ngành sản xuất như thép, giấy... rất khó khăn, còn nhiều vấn đề bất cập vì làm nhưng chưa có được sự hậu thuẫn, định hướng chiến lược mang tầm quốc gia. Họ phải tự bơi theo thị trường, trong khi chuẩn bị chưa đầy đủ. Hành chánh dẫn dắt nhiều chi phí phức tạp nên nhiều lúc mệt mỏi lắm!
Một năm chúng tôi tiếp vài chục đoàn thanh tra. Có đoàn mới vô đầu tháng thì giữa tháng vô tiếp rồi. Không hiểu được luôn! Chính sách từ Trung ương thì tốt nhưng xuống đến địa phương thì... xa quá!
Rất đông cán bộ chưa có tinh thần "business" (kinh doanh), chưa có tinh thần doanh nghiệp góp phần giữ vững quốc gia, mà tính cá nhân tính địa phương tính cục bộ còn nhiều. Đó là một khoảng cách mà nhiều năm nữa mới thay đổi được mà càng chậm thì càng khó.
Như ông vừa nói thì hầu hết các các bộ chưa có tinh thần kinh doanh, vậy riêng với ngành giấy thì quy hoạch hiện ra sao?
Hầu như quy hoạch chỉ mang tính lý thuyết thôi chứ còn tính khả thi và có độ sâu áp dụng rõ ràng thì không phải ngành giấy mà nhiều ngành khác cũng chưa được. Như ngành thép hay một số ngành khác cũng vậy thôi.
Ví dụ như chưa có chỉ định rõ ràng như chỉ được sản xuất bao nhiêu, chỉ được bao nhiêu nhà máy... chứ FDI vào thì cứ mở bung ra, ai muốn làm thì làm, ai muốn vào thì vào thành ra không hợp lý. Phải có một định hướng tổng thể quốc gia chứ địa phương nào cũng muốn hút FDI vào rồi hỗ trợ rồi tạo điều kiện thì sau này hốt hậu quả là chết.
Thế theo ông phải quy hoạch ngành giấy như thế nào?
Quy hoạch ngành này phải có 2 hướng, hướng bên trong và hướng bên ngoài. Hướng bên trong mang tính chuyên môn, tức là quy mô khoảng mức độ nào mới được đầu tư, mới được đào tạo, không thể cho quá nhỏ lẻ mà tự phát dẫn đến ô nhiễm môi trường không kiểm soát được, dẫn đến chuyện cạnh tranh không lành mạnh, lãng phí tài nguyên xã hội. Một tấn giấy sản xuất bằng máy hiện đại nó khác một tấn giấy sản xuất thủ công trên sàn. Đó là cái quy hoạch phải từ bên trong nội địa
Còn quy hoạch bên ngoài thì chắc chắn là mình phải mở cửa, nhưng mở cửa phải có sự kiểm soát, có điều kiện. Chứ mở cửa mà tự do quá, không kiểm soát thì sau này... kẹt. Nói chung lại phải tạo sự công bằng từ bên trong ra bên ngoài và phải có cái nhìn dài hạn mới chi tiết được.
Nói thì nói như vậy chứ thực tế khó lắm, khó hơn rất nhiều.
Bây giờ Việt Nam mình quy hoạch còn kém hơn thời chiến tranh. Thời chiến tranh đồng chí này được điều đi Đức, đồng chí kia đi Đông Âu, đồng chí này đi Tiệp học cái ngành này ngành kia về theo bộ này làm chuyên gia, chuyên viên, tham mưu tư vấn. Một ông chuyên gia tham mưu thì phải đi học, đi làm để trải nghiệm, phải có tinh thần, phải có trách nhiệm thì về mới tham mưu cho Chính phủ thì Chính phủ mới ra chính sách tốt được.
Nhưng có khi lãnh đạo mình tư duy tốt mà xuống địa phương thì bị địa phương hoá, các địa phương chạy theo kiểu của họ hết. Thành ra tư tưởng lãnh đạo có tốt chăng nữa thì xuống dưới là cách xa rồi.
Doanh nghiệp vẫn tự bơi là chính. Bơi mới sống được chứ chờ là chết.
Trở lại vấn đề nhân lực. Nếu như hiện không còn trường nào đào tạo cho ngành giấy thì khó khăn của ông trong tuyển dụng nhân viên thế nào?
Chấp nhận kéo dài thời gian hơn, chấp nhận hiệu quả chậm hơn, chấp nhận thiệt hại nhiều hơn, chấp nhận đào tạo từ đầu tại chỗ. Và phải thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn thêm.
Thực ra đối với giấy Sài Gòn hiện nay thì thiết bị, công nghệ không thua nước nào trên thế giới. Chỉ có hiệu quả về điều hành, quản trị thì mình chưa bằng người ta được. Họ có chuyên môn quản trị cao hơn nên hiệu suất cao hơn, mình thì bị mất thời gian hơn để tiếp cận được yếu tố quản trị mới. Cho nên mới thuê chuyên gia phụ vào để rút ngắn thời gian.
Mức độ nhận biết của người tiêu dùng Việt Nam đối với Giấy Sài Gòn ra sao?
Mức 20% thị phần là đáng kể và sẽ tăng thêm trong những năm tới nữa. Tuy nhiên đây cũng là một thách thức vì hiện nay hàng gian, hàng nhái, hàng giả nhiều quá. Nhiều hơn cả hàng thật nữa, công an bắt không xuể, kể cả mình có đội ngũ đi cùng công an, quản lý thị trường bắt nhưng cũng không xuể.
Tại vì họ làm giả lợi nhuận quá mà! Ví dụ 1 tấn giấy xử lý nước thải hết 5% chi phí rồi thuế vô nữa là mười mấy phần trăm cộng lại là hơn 20% rồi. Trong khi họ không phải chịu các khoản này họ lợi nhuận ngay 20% khi "biến hoá" giả nhãn của mình quá nhiều.
Ngày xưa họ làm có xưởng chứa giờ làm xong tiêu thụ luôn nên tới bắt chỉ có một ít ở đó nên không xử được. Chưa kể những nơi tới còn được báo trước nên tẩu hết đi luôn rồi.
Đó cũng là chuyện đau đầu nữa!
Cuối cùng, theo ông vai trò của ngành giấy với nền kinh tế Việt Nam như thế nào?
Giấy là mặt hàng thiết yếu nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức, vẫn còn tự phát. Có lẽ do nó chưa phải là cái gì cấp thiết cho nên chính phủ vẫn chưa quan tâm nhiều. Như nhiều khi hỏi vui sao giấy bẩn giấy dơ tràn lan thì có người trả lời rằng thực phẩm ăn tới miệng còn chưa quản lý được, còn bó tay thì làm sao giấy tới phần?
Và tôi cũng muốn nói thẳng 95% người Việt Nam đang sử dụng giấy không qua xử lý. Chỉ có 5% doanh nghiệp lớn là có xử lý giấy còn lại là làm đối phó hết. Mà như vậy là cạnh tranh không lành mạnh, không công bằng.
Nói thì nghe có vẻ tiêu cực nhưng đó là thực tế còn mỗi người sẽ có cách riêng của mình để vượt qua.
Anh Thư Trần
Một số doanh nghiệp ngành giấy cho biết, Việt Nam có khoảng 500 doanh nghiệp và hộ cá thể sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này, song chỉ có 5 doanh nghiệp được xem là có đầu tư bài bản.
Trong đó, hai công ty đang dẫn đầu ngành giấy tissue là Giấy Sài Gòn (khoảng 20% thị phần) và New Toyo Pulppy (chiếm 16,8% thị phần). Cả hai đều có hệ thống phân phối rộng khắp cả nước. Ba công ty còn lại là Công ty Giấy Tissue Sông Đuống, Pulppy Corelex (liên danh giữa San- EiRegulator - Nhật và New Toyo International - Singapore) và Công ty CP Diana Paper (báo Đầu Tư, 3.11.2014).
Nguồn: motthegioi.vn